Hà Nội ngổn ngang sau mưa bão

Hà Nội ngổn ngang sau mưa bão
TP - Sau ba ngày mưa gió do ảnh hưởng của bão số 5, đã có khoảng gần 200 trường hợp cây xanh trên địa bàn Hà Nội bị gãy đổ. Đặc biệt, trên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài đối diện khu đô thị Dương Nội (quận Hà Đông) bị sụt lún nghiêm trọng.

> Giá thực phẩm tăng vọt trong những ngày mưa bão

Hố tử thần rộng tới hơn 30m cắt đôi đường Lê Văn Lương kéo dài vào sáng 19-8. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Hố tử thần rộng tới hơn 30m cắt đôi đường Lê Văn Lương kéo dài vào sáng 19-8. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Đường Lê Văn Lương kéo dài bị nứt làm đôi

Khoảng 6 giờ sáng qua (19-8), mặt đường Lê Văn Lương kéo dài, đoạn đối diện với khu đô thị Dương Nội (quận Hà Đông), đã bị sụt lún nghiêm trọng tạo nên hố tử thần sâu từ 4 đến 5m, làm nứt đôi mặt đường.

Theo ghi nhận tại hiện trường, khu vực sụt lún có bán kính rộng khoảng 50m. Theo một số người dân quanh khu vực, hiện tượng sụt lún bắt đầu diễn ra từ sáng sớm.

Đến thời điểm 11 giờ 30 cùng ngày, hệ thống lan can tường bao ở dọc đường Lê Văn Lương bị kéo đổ. Hệ thống đường ống nước, thoát nước ở khu vực bị bẻ gẫy, hàng ngàn mét khối nước tràn vào, nhấn chìm 2 tầng hầm của công trình xây dựng cạnh đó.

Cũng do tác động của hiện tượng trên, nên cả cổng chào to lớn ở khu đô thị mới Dương Nội bị kéo sập hoàn toàn.

Nhiều người dân ở khu đô thị mới Dương Nội, Hà Đông cho biết, thời điểm sụt lún xảy ra cũng như những ngày mưa lớn vừa qua, tuyến đường Bắc Hà Đông - Hà Nội không hề bị ngập nước.

Đại diện Sở GTVT cho biết, bắt đầu từ sáng 20-8 một đoàn công tác liên ngành gồm Sở Xây dựng, GTVT xuống kiểm tra sự cố tại hiện trường, sau đó sẽ đưa ra kết luận chính thức về việc này.

Được biết, đường Lê Văn Lương kéo dài do Tập đoàn Nam Cường và Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư hoàn thành năm 2010. Đây là công trình trọng điểm chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thông xe đã được hơn một năm nay.

Bão lướt qua, Hà Nội “tan tác”

Chèo thuyền tự tạo trên phố sau cơn mưa ngà 17 - 8 tại Hà Nội
Chèo thuyền tự tạo trên phố sau cơn mưa ngà 17 - 8 tại Hà Nội.

Theo ghi nhận của PV, sau những trận mưa mấy ngày vừa qua, nhiều tuyến phố của Thủ đô Hà Nội lại chìm sâu trong nước. Nhiều người dân phải dùng thuyền, hộp xốp làm phương tiện đi lại.

Hàng loạt phương tiện giao thông bị chết máy, giao thông rơi vào cảnh hỗn loạn. Tại các tuyến phố như: Trương Định, Giải Phóng, Phạm Hùng..., nhiều đoạn ngập sâu cả mét nước.

“Năm 2008 Hà Nội bị ngập lụt đã đành, giờ chỉ vài trận mưa mà phố phường lại ngập sâu. Tôi thấy thành phố đầu tư nhiều vào hệ thống thoát nước nhưng tình trạng ngập úng của Hà Nội trong mấy năm qua không được cải thiện, thậm chí còn kém hơn”-ông Hoàng Bình ở phố Trương Định bức xúc.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Cty công viên cây xanh Hà Nội, trên địa bàn thành phố đã có gần 200 cây xanh bị gãy, đổ, bật gốc. Trong đó một số lượng không nhỏ là cây cổ thụ (có tuổi đời từ vài chục đến cả trăm năm).

Riêng trong trận mưa chiều 17-8, tại quận Hai Bà Trưng có tới 60 cây bị gãy, đổ. Một số tuyến phố có những cây cổ thụ đường kính tới 1m bị gió quật ngã như phố Nguyễn Du, Lò Đúc, Nguyễn Hữu Huân, Lý Thường Kiệt, Lê Thánh Tông…

Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng giám đốc Cty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, Cty đã cử hơn 100 cán bộ, nhân viên triển khai việc giải tỏa cây đổ, cành gãy trên các tuyến đường của TP Hà Nội.

Lãnh đạo Cty cây xanh cho biết thêm, so với trận mưa lịch sử gây ngập lụt năm 2008, Hà Nội cũng chỉ bị đổ gãy 88 cây xanh, nhưng lần này đã có gần 200 cây xanh bị gãy đổ, đặc biệt có nhiều trường hợp cây đổ đè bẹp phương tiện tham gia giao thông thậm chí làm chết người.

“Hiện trên địa bàn Hà Nội có khoảng 45.000 cây xanh trên các tuyến phố chính. Hằng năm, công ty vẫn đều đặn tổ chức cắt, tỉa cây phòng tránh bão, gió to, chặt cây sâu mục.

Về trường hợp cây xà cừ cổ thụ gãy đổ trước số nhà 97 Lò Đúc, khiến một tài xế taxi Mai Linh là Phạm Tuấn Anh tử vong chiều 17-8 là trường hợp bất khả kháng do mưa bão nên việc đền bù là không có” - một vị cán bộ Cty cây xanh nói.

Trong khi đó, trao đổi với PV phía Cty taxi Mai Linh cho biết, sẽ đề nghị đơn vị quản lý cây xanh Hà Nội cùng các cơ quan chức năng cần xem xét cây xanh đó có được chăm sóc, tỉa cành thường xuyên không? Đồng thời, phải xem xét, xử lý theo đúng pháp luật.

“Các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý cây xanh trên địa bàn Thủ đô cần thường xuyên cắt tỉa cành, chăm sóc cây thường xuyên để tránh những rủi ro không đáng có”- đại diện Cty Mai Linh nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong cuối chiều qua, lãnh đạo Cty CP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội cho biết: “Nguyên nhân sụt lở ban đầu được đội thanh tra Gia thông quận Hà Đông xác định là do thi công móng và tầng hầm của tòa 104, 105 thuộc tổ hợp chung cư U Silk City đã rút hết cọc chịu tải ngang (Cừ Larrsen).

Vì vậy, khi có mưa lớn nước chảy thành dòng xói trực tiếp vào gây ra sạt lở đất thân đường, cuốn trôi phần nền đáy cống thoát nước, đẩy đi lớp đất phía dưới tạo nên sụt lún, đứt gẫy cống thoát nước”.

Nhóm PV thời sự

Các nhà khoa học nói gì?

Do lỗi thiết kế và thi công

PGS.TSKH Vũ Cao Minh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Địa chất, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam, đã trực tiếp đến khảo sát hiện trường lún sụt đường Lê Văn Lương và nhận định “Hoàn toàn do lỗi của con người”.

“Hiện trường cho thấy, phần ta luy từ công trình khu đô thị Sông Đà (Công ty Sông Đà Thăng Long) cạnh đó được thi công quá lâu. Do ta luy chưa gia cố, phần cống dẫn nước khu đô thị này ra hồ sinh thái Nam Cường bị vỡ. Những ngày qua mưa lớn, lượng nước chảy mạnh, xoáy vào bờ ta luy hướng ra đường. Đây rất có thể là nguyên nhân trực tiếp khiến nước sói và cuốn cát dưới nền đường đi”, PGS.TSKH Vũ Cao Minh nói.

Do cấu tạo địa chất

PGS.TS Đặng Hữu Diệp, Giám đốc Liên hiệp Địa chất Công trình Xây dựng và Môi trường (UGCE), Tổng hội Địa chất Việt Nam, lại nhận định có thể do dưới lòng đường tồn tại kiến tạo địa chất đá vôi với các hang động kiểu karst ngầm

Lún sụt xảy ra trong bối cảnh đó có thể do dưới lòng đất có hang rỗng lớn. “Đó là hiện tượng địa chất hay địa chất công trình, phải kiểm tra trực tiếp mới biết được. Tuy nhiên, hiện tượng thường do hai yếu tố gây ra là đất và nước”, PGS.TS Đặng Hữu Diệp nói.

Về đất, cần khảo sát xem loại đất ở nơi xảy ra sự cố và và xung quanh đó có thuộc diện đất lún ướt (không chịu nước), đất san lấp, đất chứa nhiều chất hữu cơ và đất có khả năng hóa lỏng khi bị chấn động hay không.

Nếu tại khu vực đó có phân bố những loại đất như đã nói ở trên, khi có nước ngấm hoặc nước thấm qua nền đất đủ lớn sau mấy ngày mưa to, dần dần mở rộng thành hang hốc, đến một lúc nào đó, hang dưới mặt đường sẽ sập đột ngột.

Nếu gần đó có khai thác nước ngầm đến mức hạ thấp phễu nước, có đóng cọc làm nhà cao tầng, không loại trừ khả năng, các cọc móng ấy làm chọc thủng các phễu rỗng, thậm chí các hang động ngầm ở dưới gây sụt lún đột ngột.

QD lược ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.