Sinh viên nghèo gian nan tìm nhà trọ

Hà Nội: Sinh viên lao đao trong cơn 'bão giá'

Hà Nội: Sinh viên lao đao trong cơn 'bão giá'
TPO- Phần lớn sinh viên ngoại tỉnh trọ học ở Hà Nội như đang hụt hơi trước cơn “bão giá” đổ bộ và tăng cấp độ từng ngày, bởi số tiền còm dành cho chi tiêu hàng tháng không thể “đánh đu” theo giá cả thị trường.  
Hà Nội: Sinh viên lao đao trong cơn 'bão giá' ảnh 1
Nam sinh viên sắn tay vào bếp, thực đơn chủ yếu là rau, đậu và trứng - Ảnh: M.A

Ở Phương Liệt, khu vực tập trung đông sinh viên các trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Xây dựng, ĐH Kinh tế, chúng tôi gặp Vũ Phan Anh (lớp thiết bị điện-điện tử 4, ĐH BKHN) tất tả đi từ chợ về với giỏ đựng đồ ăn chiều. Cậu than: “Ăn uống bây giờ rất vất vả, cái gì cũng tăng vù vù. Trước, giá thịt mông sấn chỉ 3500đ/lạng, giờ đã tăng tới 5500đ/lạng.

Thế nên món thịt kho đậu của bọn mình bây giờ chỉ điểm vài lát thịt rọi gọi là động viên tinh thần anh em thôi. Mà đậu phụ tuy không tăng giá nhưng họ cũng làm bé tí, mỏng dính. Rau, củ, quả… cái gì cũng tăng. Trước rau muống 1000đ/mớ, giờ là 2500đ/mớ, 500đ hành chỉ được có vài cọng”.

P.A ở với hai người bạn, thuê một căn hộ khép kín có giá 1 triệu đồng (20 m2 tính cả gác xép). Cậu cho biết, một năm qua tiền nhà đã tăng đến ba lần (mỗi lần 100.000đ), gần đây nhất là hồi tháng 9 và chủ nhà thông báo sẽ tiếp tục tăng giá trong tháng tới.

P.A cho hay: “Ba tháng nay ga đã tăng tới 60.000đ/bình, đun nước mà xót xa, giờ nhà mình chuyển sang đun nước bằng nồi cơm điện vì may là ở đây được dùng giá điện hộ gia đình, chứ đun bằng ga thì bao nhiêu cho đủ. Trời lạnh, mỗi lần tắm mình phải đun một nồi cơm điện nước và một siêu điện. Tính trung bình, điện dùng cho ba máy tính, thắp sáng, máy bơm, nấu cơm đun nước hết khoảng 200 số/tháng, bình ga thì cứ hai tháng gọi một lần”.

P.A và hai bạn ở cùng chỉ ăn bữa tối ở nhà, còn bữa trưa thì tùy nghi di tản. Cậu tâm sự: “Mình luôn chọn suất cơm trưa với giá rẻ nhất là 10.000đ, trước chỉ có 8000đ thôi, và thường được một loại rau, một miếng đậu phụ, một miếng sườn bé. Nếu ăn miếng sườn to thì sẽ không có rau. Bạn nào ăn khỏe phải hai suất như thế mới hòm hòm bụng.”

Bữa tối, số tiền mua thức ăn được phép dao động từ 20.000đ-30.000đ/bữa. Từ ngày giá cả tăng chóng mặt, thực đơn của cả nhà cũng đơn điệu hơn và hay lặp lại với đậu phụ, trứng, su hào… thi thoảng lắm mới được bữa thịt bò, gà cải thiện. P.A cho biết: Bọn mình thường nộp tiền ăn chung bữa tối là 500.000đ/người/tháng. 

C.Đ.Hải (ĐHBK HN, cùng xóm trọ với P.A) tâm sự: “Giờ tiền ăn tăng thì phải bớt các thứ khác đi như tiền điện thoại, chuyển từ ngồi cà-phê sang ngồi trà đá, ít đi chơi, tụ tập với bạn bè hơn… Mình dùng 50.000đ tiền điện thoại mỗi tháng, chỉ nhắn tin thôi chứ cũng không dám gọi thế mà cũng dè dặt lắm. Mọi thứ đều phải tiết kiệm tối đa. Trước kia mỗi tháng xài 100.000đ tiền điện thoại cũng không thấy lo vì có ăn uống giá rẻ nó bù lại. Bây giờ mình phải nhịn nhiều thứ để ăn uống.”  

Còn L.C.Hậu (dân tộc Tày, quê Vị Xuyên – Hà Giang), đang là SV năm cuối trường CĐ Giao thông, trọ ở làng Phùng Khoang khi được hỏi chuyện bạn gái, cậu lắc đầu: “May quá mình chưa có. Mà nếu có bạn gái rồi phải đưa em đi chơi một hôm về chắc đói cả tuần, nên mình chưa dám yêu. Không biết các bạn nam ở khu trọ khác thế nào chứ mình và hai cậu cùng phòng ít khi ngồi quán cà phê hay uống rượu ở ngoài lắm, chỉ thích ngồi trà cóc và đá ít thuốc lào thôi, vừa rẻ vừa vui.”

Những sinh viên như P.A, Hải, Hậu chỉ có thể vừa học vừa đợi… “viện trợ” mà không thể đi làm thêm bất cứ việc gì, bởi đang là sinh viên năm cuối, lịch thực tập, những đồ án dở dang… đã choán hết thời gian và sự quan tâm của họ, muốn có thêm đôi chút gọi là để cải thiện cũng đành lực bất tòng tâm.

Sinh viên nghèo gian nan tìm nhà trọ

Hà Nội: Sinh viên lao đao trong cơn 'bão giá' ảnh 2
Thời nay, nhà trọ không dễ kiếm - Ảnh: Bảo Đăng

Đầu năm học là thời điểm nhạy cảm ở các “làng” sinh viên như Phùng Khoang, Mễ Trì (thuộc huyện Từ Liêm), làng Cót, Quan Hoa (thuộc quận Cầu Giấy), Phương Liệt, Trương Định (quận Hai Bà Trưng)… Chủ nhà thậm chí chẳng cần lý do nhất loạt hô tăng giá nhà, điện nước.

Những phòng trọ tốt và gần trung tâm thường có giá từ trên 1 triệu/tháng trở nên quá xa xỉ và chỉ là niềm mơ ước với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Sau đợt tăng giá mới đầu năm 2008, nhiều em không trụ nổi đã phải cuống cuồng đi tìm chỗ khác rẻ hơn, xa trung tâm hơn.

Không như những sinh viên có điều kiện, Đoàn Thị Quỳnh (K27 Âm nhạc, ĐH VHNT Quân đội), quê Thanh Hóa, đã rất vất vả trong việc chuyển nhà trong năm 2007 vì chủ nhà liên tục tăng giá. Quỳnh không chịu được mức giá 800.000đ/phòng nên phải “cài cắm” bạn bè ở khắp nơi, trầy trật mãi mới tìm được căn phòng trên gác hai, khu trọ trong làng Phùng Khoang với giá 400.000đ.

Quỳnh ở với hai đồng hương. Ba cô gái trong một căn phòng rộng chưa đến 10m2 với đầy đủ “tiện nghi”: hai chiếc đàn organ, 1 cái giường, tủ quần áo, giá đựng sách vở và một góc dành riêng cho việc nấu ăn. Họ cắt đặt chỗ ở đâu ra đấy mặc dù mùa nắng phòng nóng hầm hập còn mùa mưa thì ẩm ướt nhèm nhẹp.

Quỳnh cho biết: “Mỗi tháng bố mẹ chỉ gửi cho em chưa đến 1 triệu. Số tiền này là bao gồm cả tiền nhà, tiền ăn, tiền tiêu vặt… nên chọn ở chỗ nào, sắm thứ gì bọn em đều phải tính toán rất kỹ.”

Khu Quỳnh ở có tất cả 40 phòng chia làm 5 dãy, mỗi dãy 2 tầng thấp và cứ 4-5 phòng chung nhau một nhà vệ sinh và tất cả chỉ được dùng nước giếng khoan với giá 30.000đ/người. Nếu tính trung bình theo giá nhà nước là gần 3.000đ/m3 thì hàng tháng mỗi người cũng chỉ sử dụng hết 3m3 nước, chưa kể mùa đông này, nhu cầu sử dụng sẽ rất ít.

Như vậy giá mỗi số nước mà sinh viên thuê trọ phải trả vào khoảng hơn 10.000đ/m3. Ở đây chủ yếu là sinh viên nhạc họa, kiến trúc, giao thông trọ học. Những căn phòng chỉ khoảng 9-10m2 thường có 2 đến 4 người cùng ở.

Để lên được phòng Quỳnh ở tầng hai, chúng tôi phải lách qua một lối đi rộng chưa đến 1 mét, hai dãy phòng tối tăm, ẩm thấp đối diện nhau, trước cửa phòng nào cũng một dây quần áo tong tỏng nước. Qua ba dãy như thế, lên một cầu thang dốc đứng rỉ sét, phòng Quỳnh đầu tiên.

Quỳnh đang nấu cơm trưa. Liếc qua, tôi chỉ thấy có một rổ rau cải bắp và một nồi cá kho củ cải đang sôi. Nhà chật nên bếp phải để ra giữa cửa. Quỳnh nói: “Thịt đắt quá, bọn em chuyển sang ăn cá cho rẻ. Bữa ăn như sinh viên ở xóm trọ này thường chỉ xoay quanh cá, đậu phụ, trứng, rau luộc… vừa dễ nấu, tốn tí thời gian lại hợp túi tiền.”

May mắn thuê căn nhà được coi là rộng rãi so với bạn bè, P.A và hai bạn cùng trọ tính trung bình tiền nhà, tiền điện, vệ sinh… phải trả khoảng 400.000đ-450.000đ/người/tháng. Mỗi tháng, bố mẹ “viện trợ” cho P.A một triệu đồng. Số tiền này sau đó sẽ được chẻ nhỏ làm nhiều món chi cho nhiều khoản. Tôi nhẩm tính số tiền cậu và các bạn cùng nhà trọ phải chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu hàng tháng đã là 900.000đ – 1triệu đ.

Lê Thị Hồng Tâm (K49 Thông tin thư viện, ĐH KHXH&NV) quê Hà Tĩnh đang ở KTX Mễ Trì cho biết: “Phòng mình có 12 người. Nhà khó khăn nên mình vào đây ở, mỗi tháng chỉ hết khoảng 100.000đ tiền phòng và điện, nước. Tiền sinh hoạt hàng tháng bố mẹ ở quê gửi cho từ 800.000đ – 900.000đ.”

Nhà có bốn chị em, Tâm và em gái hiện đều học ở Hà Nội. Đây thực sự là gánh nặng cho một gia đình thuần nông như nhà Tâm. Có đợt bố mẹ Tâm phải chạy vạy khắp làng xóm mới đủ số tiền cho hai cô con gái nộp học phí. 

Với giá cả thị trường, giá thuê nhà đang tăng chóng mặt từng ngày, hai chị em Tâm chọn vào ở KTX là thượng sách, để hưởng ưu đãi của nhà trường như giá thuê phòng rẻ, miễn phí 10 số điện… Mặc dù phải ở chật chội hơn chục người, dùng chung khu vệ sinh, ra vào dễ va chạm nhưng họ không có sự lựa chọn nào khác.

Nhận “viện trợ” từ 1 triệu – 1,4 triệu/tháng, đa phần sinh viên ngoại tỉnh theo học ở Hà Nội đang phải lao đao trong cơn “bão giá”, cái gì cũng tăng chỉ trừ khoản trợ cấp của gia đình là vẫn giữ nguyên. Chương trình cho sinh viên vay vốn theo chỉ thị 21 của Thủ tướng Chính phủ đã triển khai được hơn 3 tháng, chưa biết các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sử dụng số tiền 8 triệu vay được vào việc gì, chỉ thấy trước mắt các em là nỗi lo thường trực khi chủ nhà luôn “dọa” tăng giá, những bữa cơm đang thiếu dần “protit”...

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).