Hà Nội sẽ có biển cấm bán hàng rong

Hà Nội sẽ có biển cấm bán hàng rong
TP- Đó là một trong những nội dung của Quyết định số 02/2008 “Quy định quản lý hoạt động bán hàng rong trên địa bàn thành phố Hà Nội”, vừa được Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phí Thái Bình ký ban hành.

Theo đó, người bán hàng rong không được phép kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ như: Hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, quá thời hạn sử dụng, hàng không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; hàng không đảm bảo chất lượng, bao gồm hàng mất phẩm chất, hàng kém chất lượng, hàng nhiễm độc và động thực vật bị dịch bệnh.

Về địa điểm, người bán hàng rong không được kinh doanh ở các khu vực thuộc các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, các danh lam thắng cảnh khác; khu vực các cơ quan nhà nước, cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế; cảng hàng không, sân ga, bến tầu, bến xe, bến phà, bến đò và trên các phương tiện vận chuyển; trường học, bệnh viện;

Khu vực tạm dừng, đỗ của phương tiện giao thông đang tham gia giao thông, trừ các khu vực, tuyến đường, phần vỉa hè đường bộ, ngõ hẻm được cơ quan có thẩm quyền quy hoạch hoặc cho phép sử dụng tạm thời để thực hiện các hoạt động mua bán hàng rong.

Nghiêm cấm người bán hàng rong chiếm dụng trái phép, tự ý xây dựng, lắp đặt cơ sở, thiết bị, dụng cụ thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa và trưng bày hàng hóa ở bất kỳ địa điểm nào trên đường giao thông và nơi công cộng; lối ra vào, lối thoát hiểm hoặc bất kỳ khu vực nào làm cản trở giao thông, gây bất tiện cho cộng đồng và làm mất mỹ quan chung.

Không được đeo bám, nài ép, chèo kéo, tranh giành, gây phiền hà cho khách và có lời nói hoặc cử chỉ thô tục, thiếu lịch sự với khách, lợi dụng hoạt động bán hàng rong để xin ăn.

Không được tụ tập đông người hoặc dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn và các phương tiện tăng âm khác cổ động, quảng cáo cho hoạt động kinh doanh lưu động.

Người bán hàng rong phải có trách nhiệm đặt, để các phương tiện di chuyển, thiết bị, dụng cụ bán hàng và hàng hoá ngăn nắp, trật tự; phải có dụng cụ đựng rác và chất thải phù hợp;

Trường hợp kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, người bán hàng rong phải đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; Khai báo với UBND phường, xã, thị trấn nơi tạm trú theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước địa phương.

Lập sổ theo dõi người bán hàng rong

Hà Nội sẽ có biển cấm bán hàng rong ảnh 1
Những người bán hàng rong này sẽ được chính quyền lập sổ theo dõi để quản lý.

Việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người bán hàng rong tuỳ theo thẩm quyền. Theo đó, người bán hàng rong có hành vi vi phạm các quy định trên tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức quy hoạch và cho phép người bán hàng rong sử dụng tạm thời các khu vực, tuyến đường, phần vỉa hè đường bộ, ngõ hẻm trên địa bàn để thực hiện các hoạt động thương mại nhưng không làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông trình UBND TP phê duyệt;

Các Sở GTCC, Công an, Thương mại phối hợp với UBND các quận, huyện lắp đặt biển báo quy định về thời gian được phép hoạt động bán hàng rong và biển cấm người bán hàng rong hoạt động thương mại tại các khu vực tuyến đường, địa điểm theo quy định.

Đặc biệt, UBND các phường, xã, thị trấn phải lập sổ theo dõi người bán hàng rong trên địa bàn quản lý (bao gồm người bán hàng rong cư trú trên địa bàn và người bán hàng rong ở nơi khác thường xuyên đến địa bàn quản lý hoạt động thương mại) và tình hình hoạt động, chấp hành quy định của đối tượng này.

Thông báo công khai, rộng rãi các khu vực, tuyến đường, địa điểm cấm hoặc cho phép người bán hàng rong. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký - 9/1.

Tạm dừng thu phí kinh doanh vỉa hè

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Mạnh Hiển vừa ký Công văn số 123/UBND-KT tạm dừng việc thu phí kinh doanh trên vỉa hè theo QĐ 148 ngày 28/12/2007 của UBND TP Hà Nội (vừa có hiệu lực được 2 ngày).

Lãnh đạo thành phố yêu cầu các cơ quan đơn vị liên quan, UBND quận, huyện chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của thành phố, tạm dừng việc thu các loại phí sử dụng vỉa hè để kinh doanh các loại hàng quán, trông giữ xe đạp, xe máy, điểm trung chuyển vật liệu xây dựng…

QĐ 148 quy định, mức lệ phí từ 10-50.000 đ/m2/tháng (tuỳ vị trí) đối với các đơn vị, cá nhân sử dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh. Nay thành phố nhận thấy sự mâu thuẫn và “vênh” với chủ trương sẽ cấm kinh doanh trên vỉa hè (chuẩn bị ban hành quyết định mới về quản lý vỉa hè, lòng đường thay thế QĐ 227/2006 của UBND TP Hà Nội).

Được biết, Quyết định thay thế QĐ 227 sẽ ban hành danh mục hơn 60 tuyến đường phố cấm kinh doanh trên vỉa hè; quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp trong việc quản lý hè phố.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.