“Siêu” đô thị vệ tinh
Theo tờ trình vừa được UBND TP Hà Nội gửi HĐND TP đề nghị thông qua “Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc”, đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000. Theo đó, đô thị Hòa Lạc có vị trí nằm về phía Tây và cách đô thị trung tâm của Thủ đô Hà Nội khoảng 30km, thuộc địa giới hành chính các huyện Quốc Oai, huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây. Phía Bắc giáp trục Hồ Tây- Ba Vì (dự kiến); Phía Đông giáp đê hữu sông Tích; Phía Tây và Nam giáp ranh giới tỉnh Hòa Bình.
Quy mô diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 17.274ha và quy mô dân số dự kiến đến năm 2030 là khoảng 600 nghìn người. Đô thị Hòa Lạc cũng là đô thị vệ tinh lớn nhất trong số 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội, có vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Phát triển dân cư theo hướng tập trung tại các khu vực đô thị, hạn chế phát triển bám dọc các tuyến đường đối ngoại và phát triển lan tỏa vào các khu vực cảnh quan, kiểm soát phát triển tại các khu vực ngập lụt và khu vực thuộc hành lang thoát lũ theo quy định pháp luật.
Hạt nhân, động lực phát triển đô thị Hòa Lạc là Khu công nghệ cao Hòa Lạc và khu Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, kết nối đồng bộ các khu chức năng đô thị và nông thôn, xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông, mạng lưới hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, chú trọng giao thông công cộng, giao thông thông minh và hướng tới đáp ứng các tiêu chí phát triển đô thị thông minh và khu đô thị sinh thái.
“Siêu” đô thị của tổng 75 dự án
Định hướng quy hoạch tổ chức không gian của “siêu” đô thị vệ tinh này được phân chia thành hai vùng đặc trưng gồm: “Vùng phát triển đô thị” và “Vùng vành đai xanh”.
Đặc biệt, trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch chung “siêu” đô thị Hòa Lạc có tổng số 75 dự án đầu tư xây dựng do tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hà Tây trước đây phê duyệt như: Khu công nghệ cao Hòa Lạc quy mô khoảng 1.600ha; Khu Đại học quốc gia Hà Nội quy mô khoảng 1 .000 ha; Khu đô thị Đông Xuân - Tiến Xuân quy mô khoảng 1.250ha...(45 dự án phát triển đô thị, nhà ở sinh thái, 09 dự án đầu tư xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng, 06 dự án giáo dục đào tạo, 14 dự án công nghiệp và khai thác khoáng sản, 01 dự án của Bộ Quốc phòng).
Trong đó có 13 dự án đang triển khai xây dựng, 06 dự án đã phê duyệt quy hoạch, 08 dự án đã giao chủ đầu tư, 18 dự án đã có quyết định giao đất, 05 dự án đã giải phóng mặt bằng, 25 dự án đang nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch.
Theo đánh giá, hiện trừ một số dự án đã xây dựng và đang trong giai đoạn hoàn thiện như dự án khu biệt thự, nhà vườn và thể thao giải trí xã Tiến Xuân (khu biệt thự Xanh villa), khu du lịch sinh thái Thác Bạc - Suối Sao, dự án khu Đại học Quốc gia Hà Nội, khu Công nghệ cao Hòa Lạc, các dự khác đều đang tạm dừng triển khai sau khi Hà Tây và các xã của tỉnh Hòa Bình sáp nhập vào Hà Nội.
Về phân khu chức năng trong vùng phát triển đô thị, “siêu” đô thị Hòa Lạc gồm: Phân khu HL1 (khu ĐHQGHN): Diện tích khoảng 1140,42 ha; dân số khoảng 63.000 người (trong đó có khoảng 60.000 sinh viên); Phân khu HL2 (khu CNC Hòa Lạc): Diện tích khoảng 1346,99ha và dân số khoảng100.000 người; Phân khu HL3 (khu đô thị sinh thái): Diện tích khoảng 666,86ha và dân số khoảng 43.500 người; Phân khu HL4 (khu đô thị sinh thái): Diện tích khoảng 1425,94ha và dân số khoảng 78.000 người; Phân khu HL5 (khu đô thị sinh thái): Diện tích khoảng 1307,93ha và dân số khoảng 120.500 người; Phân khu HL6 (khu đô thị Phú Cát - Hòa Thạch): Diện tích khoảng 970,2ha và dân số khoảng 103.000 người.
Trong các dự án thuộc quy hoạch đô thị Hòa Lạc có dự án đầu tư xây dựng ĐH Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được Chính phủ thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2003. Mục tiêu chính là xây dựng khu đô thị ĐH hiện đại, tiên tiến bậc nhất khu vực Ðông Nam Á. Đây cũng sẽ là khu đô thị đại học liên hoàn thống nhất gồm 9 trường đại học thành viên, 8 viện, 13 trung tâm nghiên cứu, 4 trường THPT chuyên với quy mô hơn 41.000 sinh viên, học sinh. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, dự án mới được đầu tư 1.700 tỷ đồng, chủ yếu cho GPMB và làm đường.