Hà Nội lý giải vì sao chưa cho mở lại karaoke, vũ trường

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, các loại hình kinh doanh như karaoke, vũ trường, massage... tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch COVID-19 nên Sở sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng để đánh giá, xem xét, tham mưu cho thành phố việc mở cửa trở lại trong thời gian tới.

Chiều 26/1, UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2022 và công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tại cuộc họp, phóng viên đặt vấn đề về việc hiện tỷ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 của Hà Nội đã rất cao, thành phố có đặt ra lộ trình mở cửa trở lại các loại hình dịch vụ như karaoke, massage, vũ trường... hay không?

Phóng viên cũng nêu, Hà Nội có cho phép mở cửa một số loại hình nói trên với các địa bàn phường, xã được đánh giá là "vùng xanh", ở cấp độ dịch thấp nhất?

Trao đổi về vấn đề này, Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện thành phố đang đánh giá cấp độ dịch COVID-19 hàng tuần chi tiết đến cấp độ xã, phường, thị trấn theo đúng tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ và Hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế.

Liên quan các hoạt động đặc biệt như karaoke, vũ trường, massage..., theo ông Cương, về góc độ chuyên môn, những hoạt động này diễn ra trong không gian kín, thường tập trung đông người, nguy cơ lây nhiễm rất lớn, dù tất cả người trong phòng có thể đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

"Không phải cứ tiêm 2 mũi vắc xin là không nhiễm bệnh nữa và không lây nhiễm cho mọi người. Sở Y tế sẽ cùng với Sở VH&TT, tuỳ tình hình thực tế diễn biến dịch trên địa bàn sẽ có tham mưu với UBND thành phố để có biện pháp phù hợp với loại hình đặc biệt này", ông Cương nói.

Liên quan đến dự báo, chuẩn bị kịch bản về tình hình dịch COVID-19 thời gian tới, đặc biệt là trong dịp Tết, ông Cương cho biết, hiện thành phố Hà Nội ghi nhận khoảng gần 3.000 ca/ngày, vẫn nằm trong kịch bản của thành phố về kiểm soát, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh.

Ông Cương cũng cảnh báo, với vị trí là trung tâm giao thương, đi lại, buôn bán, áp lực COVID-19 trong những ngày Tết với Hà Nội là rất lớn, Sở đã tham mưu cho thành phố thực hiện các biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch.

Cụ thể, ông Cương cho biết, cần tiếp tục tuyên truyền về tuân thủ nguyên tắc 5K, người dân cần đi tiêm đủ liều vắc xin, khi có dấu hiệu bất thường về sức khoẻ cần liên hệ với y tế để được tư vấn.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin, tiêm vét mũi 1, mũi 2, tiêm mũi bổ sung và tiêm liều nhắc lại.

Đặc biệt, ông Cương cho biết, thành phố đề ra giải pháp nâng cao năng lực, chất lượng về quản lý, điều trị các trường hợp F0 trên địa bàn, đặc biệt là các trường hợp điều trị tại nhà. Tạo nhiều kênh tiếp nhận để tiếp nhận từ sớm ở cơ sở, giảm tỷ lệ chuyển nặng, tỷ lệ chuyển tầng và tỷ lệ tử vong.

Các cơ sở y tế của Hà Nội phải sẵn sàng tiếp nhận các bệnh nhân nặng đến điều trị, có sự tham gia phối hợp của các Bệnh viện T.Ư. Công tác điều trị F0 tại nhà cần có sự tham gia của một số lực lượng như mạng lưới thầy thuốc đồng hành, bác sĩ về hưu, đoàn thanh niên, hội phụ nữ...

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, Hà Nội và các địa phương khác, trong đó có Hà Nội nên mạnh dạn học tập TPHCM trong việc mở lại một số hoạt động ăn uống tại chỗ, thậm chí một số loại hình dịch vụ khác như karaoke, quán bia, rượu…

Theo vị chuyên gia này, dù mở cửa trở lại, nhưng số liệu công bố cho thấy, số ca mắc mới ở TPHCM đang giảm đi, rất có ý nghĩa trong phát triển kinh tế, xã hội, tạo tâm lý ổn định hơn cho người dân không quá sợ hãi với COVID-19.

Theo ông Nga, khi mở lại một số hoạt động, cần chú ý đến các trường hợp cao tuổi, người mắc bệnh nền, trẻ em; tập trung điều trị cho các trường hợp nhiễm nặng. Còn người trẻ, thậm chí mắc COVID-19 cũng chủ yếu là triệu chứng nhẹ, không quá nguy hiểm vì đã được bảo vệ bởi vắc xin.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.