Hà Nội: Lập đề án quản lý vỉa hè, thí điểm tại một số khu vực trong năm nay

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thành uỷ Hà Nội yêu cầu lập quy hoạch thiết kế đô thị để quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường, từng khu vực, có tính tới các yếu tố thực tiễn trước mắt và lâu dài, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể; thí điểm tại một số khu vực ngay trong năm 2023.

Văn phòng Thành ủy Hà Nội vừa ban hành thông báo kết luận Hội nghị giao ban trực tuyến quý 1 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã về nội dung tăng cường công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố.

Theo thông báo này, Thường trực Thành uỷ Hà Nội nhận định, trong thời gian gần đây, bên cạnh những kết quả đạt được thì tình trạng chiếm dụng hè phố, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán… lại tiếp tục tái diễn làm cản trở giao thông và không gian đi bộ của người dân.

Hà Nội: Lập đề án quản lý vỉa hè, thí điểm tại một số khu vực trong năm nay ảnh 1

Rào vỉa hè trước khu Liên cơ Võ Chí Công, Hà Nội. Ảnh: Trường Phong

Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu quy hoạch lòng đường, vỉa hè; công tác tuyên truyền tại một số địa bàn còn chưa đảm bảo yêu cầu; công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thường xuyên, liên tục dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm.

Để sớm khắc phục tình trạng vi phạm trên, lập lại trật tự, kỷ cương đô thị, duy trì, góp phần tạo lập nếp sống văn minh đô thị “Ưu tiên vỉa hè cho người đi bộ”, Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp, các ngành và các đơn vị, tổ chức có liên quan xác định công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn Hà Nội nhằm đảm bảo trật tự văn minh đô thị cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, sự đồng lòng của người dân. Coi đây là công tác trọng tâm, thường xuyên, lâu dài trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Thường trực Thành uỷ Hà Nội giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội, Ban Chỉ đạo 197 thành phố và các sở, ban, ngành chức năng tiếp tục thực hiện các biện pháp theo kế hoạch; chú trọng các biện pháp duy trì kết quả, bảo đảm lâu dài về trật tự, an toàn giao thông và văn minh đô thị, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, rà soát các quy định của các bộ, ngành T.Ư để có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng lòng đường, hè phố đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay của thành phố.

Đáng chú ý, Thường trực Thành uỷ Hà Nội chỉ đạo lập quy hoạch thiết kế đô thị để quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường, từng khu vực, có tính tới các yếu tố thực tiễn trước mắt và lâu dài, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể.

Tiếp đó, công bố công khai quy hoạch để lấy ý kiến, tạo sự đồng thuận của người dân trước khi phê duyệt và tiến hành “số hóa” để tổ chức thực hiện. Trước mắt, Thường trực Thành uỷ Hà Nội yêu cầu thực hiện thí điểm tại một số tuyến phố, khu vực tại các quận, huyện, thị xã trong năm 2023.

Quá trình triển khai nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý của các nước phát triển, tạo điều kiện cho dân sinh, phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế đô thị, kinh tế ban đêm…

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.