'Hà Nội không được dẹp chợ dân sinh trong 5 -7 năm tới'
> Ngắc ngoải vì thiếu tính cộng đồng?
> Sẽ dẹp chợ cóc tại cầu Lủ
Trong khi đại diện lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội khẳng định việc xây dựng các trung tâm thương mại kết hợp chợ hiện đại là xu hướng tất yếu, thì người đứng đầu Hội đồng Nhân dân Thành phố lại không nghĩ như vậy.
Các tiểu thương bên trong Trung tâm thương mại Hàng Da cho biết, hàng ngày chỉ đến mở cửa hàng, chiều lại đóng lại, hoàn toàn không có khách vào mua. |
Câu chuyện bất cập, lãng phí tại các trung tâm thương mại kết hợp chợ trên địa bàn Hà Nội một lần nữa lại được “hâm nóng” tại phiên chất vấn của Hội đồng Nhân dân Thành phố chiều 5/7, khi các đại biểu đã dành nhiều giờ để truy trách nhiệm và giải pháp khắc phục đối với lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội.
“Chủ trương là đúng”
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, đến thời điểm này, tuy một số trung tâm thương mại kết hợp chợ tại Hà Nội chưa phát huy công năng, hiệu quả, song tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các đô thị lớn, đây là xu hướng tất yếu.
Lãnh đạo Hà Nội cũng khẳng định, đây là mô hình và là xu hướng văn minh hơn các chợ truyền thống trước đây của Thủ đô. Do đó, chủ trương của Thành phố cho xây dựng là đúng.
Tuy nhiên, vì sao mô hình mới này lại trở nên “ế” ẩm, bất cập, gây sự phản đối không chỉ với các tiểu thương, hộ kinh doanh mà ngay cả đối với những người dân, theo Phó chủ tịch Nguyễn Văn Sửu là do nhiều nguyên nhân.
Trước hết, đây là những dự án xã hội hoá, vốn do các doanh nghiệp nhà đầu tư bỏ ra nên tất yếu họ phải thu vốn về, khác hẳn với các chợ trước đây do nhà nước quản lý. Do đó, các chi phí đối với các hộ kinh doanh, khách hàng khi vào các trung tâm này đương nhiên sẽ cao hơn các chợ kiểu cũ.
Bên cạnh đó, do thói quen của người dân theo kiểu tiện đâu mua đấy, giờ phải vào các trung tâm thương mại, phải gửi xe, leo cầu thang…sẽ khiến họ không mấy thoải mái. Hơn nữa, trong vài năm trở lại đây, do suy giảm kinh tế, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nên nhu cầu mua sắm cũng giảm rõ rệt. Kết quả là các khu chợ kiểu mới trên địa bàn như: Hàng Da, Cửa Nam, Ô chợ Dừa…đều vắng hoe khách, các tiểu thương đòi trả lại mặt bằng.
Lãnh đạo Hà Nội cũng thừa nhận có tình trạng các chủ đầu tư giao lại cho nhà đầu tư thứ cấp nên thường buông lỏng, ít chú ý đến khâu dân sinh, tiện lợi cho người dân.
Tại phiên chất vấn, hơn một lần người điều khiển phiên họp đã phải yêu cầu phòng máy cho phát lại phóng sự về sự trống vắng tại các khu chợ kiểu mới cùng những bất bình của các hộ kinh doanh, người dân về sự bất cập, thiếu thực dụng của các khu chợ này.
Trước thực tế đó, các đại biểu đặt vấn đề “Giải pháp khắc phục của UBND Thành phố là gì, cần bao nhiêu thời gian để khắc phục, có tiếp tục hay từ bỏ mô hình chợ kiểu mới này?”
Trả lời chất vấn này, Phó chủ tịch Nguyễn Văn Sửu khẳng định “dứt khoát vẫn phải đảm bảo theo quy hoạch Thành phố đã duyệt, không thể chuyển sang hình thức khác, tất nhiên có thể sắp tới chỉ còn là mô hình trung tâm thương mại”.
Riêng về thời gian khắc phục, đại diện UBND thành phố trả lời có không rõ nghĩa, rằng: đây là việc làm thường xuyên, hàng ngày và năm nào cơ quan chức năng cũng phải thực hiện việc quản lý này. Thậm chí, ông Sửu còn cho rằng, việc này đòi hỏi ý thức của cả hệ thống đồng bộ.
Không đồng tình với câu trả lời trên, đại biểu Nguyễn Nguyên Quân tái chất vấn rằng, “việc xây dựng các trung tâm thương mại kết hợp chợ không hiệu quả hiện đã quá rõ, tuy nhiên giải pháp các vị lãnh đạo UBND Thành phố đưa ra là chưa rõ ràng. Quan điểm chỉ đạo của Thành phố đối với mô hình này tới đây như thế nào, có tiếp tục mô hình này hay phải chuyển sang loại khác?”.
“Không dẹp chợ dân sinh trong 5 -7 năm tới”
Dường như nhằm “chia lửa” với Phó chủ tịch UBND Thành phố trước các câu hỏi liên tiếp của các đại biểu về chợ kiểu mới, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng đã đăng ký phát biểu.
Theo ông Thăng, hiện Thành phố có 5 chợ kiểu mới, trong đó có 4 chợ đã đi vào hoạt động, chỉ còn lại chợ 19/12 chưa hoàn thành.
Tuy nhiên, chính vì hiệu quả của các dự án chợ kiểu mới này thấp nên Thành phố đã huỷ 2 dự án là chợ Hôm và chợ Nghĩa Tân.
Ngoài ra, đối với 9 dự án chợ kiểu mới hiện đã chấp nhận chủ trương, gồm: chợ Đuôi cá, Ngã Tư Sở, Thượng Đình, Khương Đình, Xuân La, Châu Long, Thành Công B, Kim Liên, H27 Khương Thượng, thì Thành phố đã chỉ đạo giãn tiến độ, tạm dừng để xem xét lại, đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư phải cải tạo để đảm bảo chợ dân sinh.
Tuy nhiên, trong phần kết luận khép lại nội dung chất vấn này, Chủ tịch Hồi đồng Nhân dân Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh, khẳng định, việc xây dựng các chợ không chỉ thuần tuý là vấn đề dân sinh mà nó còn kéo theo hàng loạt vấn đề, từ phát triển dịch vụ, văn minh đô thị, thu ngân sách, an toàn thực phẩm…
Do đó, theo Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố, câu chuyện chợ “không còn là giải quyết một vấn đề bình thường”.
Đặc biệt, thay mặt Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ngô Thị Doãn Thanh khẳng định “chúng ta chưa thể dẹp được chợ dân sinh và cũng không được phép dẹp chợ dân sinh trong vòng 5 -7 năm tới vì đó là nhu cầu thiết yếu, chính đáng của người dân Thủ đô. Hà Nội phải coi việc xây dựng chợ thương mại, dân sinh là yêu cầu bắt buộc trong xây dựng hạ tầng”.
Người đứng đầu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội cũng lưu ý, trong 10 năm lại đây, việc đầu tư xây dựng chợ kiểu mới của Hà Nội không thành công phải chăng do chưa hài hoà lợi ích chính đáng giữa chủ đầu tư và người dân. Tuy nhiên, Thành phố không thể vì chủ trương xã hội hoá mà để người dân phải thiệt thòi.
“Sắp tới UBND Thành phố cần tập trung vào 4 vấn đề chính, từ việc đánh giá lại hiệu quả để xem xét điều chỉnh hay không, vẫn phải tiếp tục triển khai chợ theo quy hoạch nhưng phải rà soát lại, giải quyết các chợ dân sinh tại các khu vực cho ngươi dân…”, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội kết luận.
Theo Từ Nguyên
VnEconomy