Hà Nội: JEBO phát tán thông tin sai sự thật, làm rõ việc có mạo danh không?

Việc thí điểm làm sạch sông Tô Lịch vướng nhiều lùm xùm thời gian qua.
Việc thí điểm làm sạch sông Tô Lịch vướng nhiều lùm xùm thời gian qua.
TPO - UBND thành phố Hà Nội cho biết, JEBO phát tán thông tin sai sự thật, và có động cơ, mục đích không bình thường, đồng thời yêu cầu làm rõ có việc mạo nhận xưng danh Tổ chức Xúc tiến thương mại – môi trường Nhật Bản hay không?

Liên quan đến những lùm xùm về việc thí điểm làm sạch sông Tô Lịch, UBND thành phố Hà Nội vừa có thông tin chính thức.

Cụ thể, văn bản nêu, ngày 6/12/2019, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp HĐND thành phố lần thứ 11 tại quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung- Đại biểu HĐND thành phố Tổ bầu cử số 1 đã trả lời cử tri “Thành phố chưa bao giờ cho phép Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản (JEBO) thực hiện thử nghiệm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản”.

Theo khẳng định của UBND thành phố Hà Nội, việc trả lời này của Chủ tịch UBND thành phố là hoàn toàn đúng.

Theo UBND thành phố Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại cuộc họp ngày 11/4/2019 về đề xuất của Công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) xin thử nghiệm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản, ngày 9/5/2019 UBND thành phố đã họp xem xét đề xuất và đã có Thông báo số 142/TB-VP đồng ý cho các chuyên gia Nhật Bản, Công ty cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) (Địa chỉ: Tầng 26 và tầng 30, tòa tháp Tây, Trung tâm Lotte Hà Nội số 54 đường Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội; Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Tuấn Anh, CMND số 0010810087, HKTT tại Xóm Chùa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) tổ chức thực hiện thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản; thời gian thực hiện là 02 tháng, dự kiến bắt đầu từ ngày 16/5/2019.

Trong quá trình thực hiện, Chủ tịch UBND thành phố và Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng đã trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, tạo mọi điều kiện để đơn vị thực hiện thử nghiệm. Trong quá trình thử nghiệm, do trời mưa to, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã thông báo cho Công ty cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) biết trước việc xả nước để đảm bảo điều tiết, vận hành mực nước Hồ Tây theo đúng quy định.

Tại cuộc họp ngày 29/10/2019, UBND thành phố đã đề nghị đơn vị tổ chức thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch cung cấp các hồ sơ tiêu chuẩn, kỹ thuật liên quan đến công nghệ Nano-Bioreactor (có bản thuyết trình toàn bộ về công nghệ); Giấy chứng nhận công nghệ của Chính phủ Nhật hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận; Hồ sơ giới thiệu năng lực; danh sách các công trình, dự án đã được xử lý bằng công nghệ Nano-Bioreactor tại Nhật Bản và các nước khác. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng của thành phố và UBND thành phố vẫn chưa nhận được các tài liệu theo yêu cầu.

Sau khi Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung- Đại biểu HĐND Thành phố, Tổ bầu cử số 1 trả lời cử tri tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm vào ngày 06/12/2019, Công ty JVE đã phát tán Thông báo số 142/TB-VP của Thành phố kèm theo văn bản của JEBO mang danh Tổ chức Xúc tiến thương mại- môi trường Nhật Bản gửi đến nhiều các cơ quan thông tin và trên mạng xã hội.

“Qua thông tin bước đầu có được xác định việc JVE và JEBO đã phát tán thông tin sai sự thật là không phù hợp với văn hóa của các doanh nhân, doanh nghiệp và các nhà khoa học; đã gây ra sự hiểu nhầm của dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân Chủ tịch UBND thành phố cũng như UBND thành phố Hà Nội, và ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa thành phố Hà Nội với các đối tác Nhật Bản”, văn bản nêu.

Đáng chú ý, văn bản xác định: “Đây là việc làm có động cơ, mục đích không bình thường. UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố phối hợp các đơn vị có liên quan tiến hành làm rõ cá nhân Tiến sĩ Tadashi Yamamura có phải là Chủ tịch của Tổ chức Xúc tiến thương mại – môi trường Nhật Bản và JEBO có phải là một đơn vị thuộc Hiệp hội hay Tổ chức trên không? Đơn vị hợp tác với Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) có phải là Tổ chức Xúc tiến thương mại – môi trường Nhật Bản như tự giới thiệu hay không? Có việc mạo nhận xưng danh Tổ chức Xúc tiến thương mại – môi trường Nhật Bản hay không? Năng lực thực sự mà các cá nhân, tổ chức này đã giới thiệu trong thời gian qua? Khi có kết quả, Thành phố sẽ kiến nghị xử lý các cá nhân, đơn vị theo đúng quy định của Thành phố và pháp luật Việt Nam.

Trước đó, quá trình thử nghiệm công nghệ làm sạch sông Tô Lịch của đơn vị nêu trên gây nhiều ý kiến trái chiều. Điển hình như thông tin xả nước Hồ Tây làm "trôi" kết quả thử nghiệm, chuyện đánh giá thử nghiệm "thất bại"... Lên tiếng về kết quả thử nghiệm của JEBO và JVE, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho biết khi không chặn được nguồn thải hàng ngày vào sông Tô Lịch thì việc cải tạo môi trường tại đây sẽ không khả thi...

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.