Hà Nội hoàn thiện đề án dừng xe máy, thu phí ô tô vào nội đô

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với mục tiêu dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành và thu phí ô tô vào nội đô nhằm giải quyết ùn tắc, ô nhiễm môi trường, UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu Sở GTVT Hà Nội và đơn vị tư vấn hoàn thiện các đề án, kế hoạch đã trình.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay số lượng phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn thành phố đã tăng lên 6,4 triệu phương tiện, gồm 5,6 triệu xe máy; 0,6 triệu xe ô tô. Theo lộ trình Đề án quản lý xe cá nhân được HĐND thành phố thông qua năm 2017, đến năm 2030, Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành. Tuy nhiên, do số lượng ô tô đang tăng cao hơn cả xe máy, mỗi năm thêm 10,2%, nên trước khi thực hiện phương án dừng hoạt động xe máy, Sở GTVT Hà Nội đang cùng với tư vấn xây dựng phương án thu phí ô tô vào nội đô để giảm lượng xe trong khu vực trung tâm.

Cụ thể, thời gian qua Sở GTVT Hà Nội phối hợp các đơn vị liên quan, trong đó có đơn vị tư vấn xây dựng đề án thành phần có tên “Đề án Thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường để hạn chế xe cơ giới đi vào” (Đề án thu phí phương tiện vào nội đô). Đơn vị tư vấn đã có báo cáo kết quả xây dựng đề án ban đầu và Sở GTVT cũng đã có báo cáo với UBND thành phố.

Nội dung quan trọng nhất của đề án đặt ra là khảo sát, lên phương án lập khoảng 100 trạm thu phí tự động ô tô vào nội đô. Qua khảo sát, đơn vị tư vấn đã đưa ra các vị trí để lập trạm thu phí. Hầu hết các vị trí đưa ra để lập trạm thu phí này nằm ở khu vực cửa ngõ vào trung tâm thành phố. Ranh giới để xác định giữa khu vực nội đô và ngoại thành là tuyến đường Vành đai 3 đã được khép kín, bao gồm các tuyến đường, cầu đã được đơn vị tư vấn lên danh sách: Vành đai 3 (dưới thấp) - cầu Thanh Trì - Pháp vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3.

Đánh giá về giải pháp thu phí này, đơn vị tư vấn cho rằng, việc thu phí đối với phương tiện giao thông đường bộ vào một số khu vực là giải pháp kinh tế. “Giải pháp này có mục đích là nhằm hạn chế phương tiện giao thông đi vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông. Mặc dù hình thức thực hiện này đã được nhiều nước trên thế giới, trong khu vực áp dụng có hiệu quả, tuy nhiên đối với nước ta vẫn là một vấn đề vừa mới vừa quan trọng”, đơn vị tư vấn nhận định.

Đề cập lộ trình triển khai, đơn vị tư vấn cho biết, có ba giai đoạn. Từ năm 2021 - 2025, nghiên cứu, hoàn thiện đề án và các điều kiện triển khai thu phí. Từ năm 2025 - 2030, xây dựng dự án và tổ chức thí điểm thực hiện thu phí điểm tại một số vị trí, sau đó có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; Từ năm 2030: xây dựng dự án và bổ sung các điểm thu phí theo danh sách để dần khép kín vành đai thu phí theo mục tiêu của đề án. Thời gian đơn vị tư vấn đề xuất thu phí xe vào nội thành là ban ngày, khung giờ từ 5 đến 21 giờ, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và thấp điểm.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi nghe báo cáo về đề án, UBND thành phố đã chấp thuận về chủ trương. Tuy nhiên, để đề án hoàn thiện, nhận được sự đồng thuận từ người dân và các tổ chức xã hội, UBND thành phố yêu cầu Sở GTVT bổ sung, hoàn thiện một số nội dung. Sau đó trình UBND thành phố cho ý kiến, chấp thuận để thực hiện.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.