Hà Nội : Hàng trăm biệt thự công bị đề nghị bán

Hà Nội : Hàng trăm biệt thự công bị đề nghị bán
TP - Tại 4 quận (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa) Hà Nội, có tới 379 biệt thự bị “đề nghị bán”, trong đó có 42  chiếc “đề nghị bán đợt đầu”. Riêng biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa không phải là “nhà gạch 2 tầng”, mà là 1 trong số 198 biệt thự công có giá trị đặc biệt.

>> Lãng phí biệt thự công

Hà Nội : Hàng trăm biệt thự công bị đề nghị bán ảnh 1
Ngôi biệt thự này rộng tới 410m2 nhưng gia đình ông Hoàng Văn Nghiên chỉ phải thuê với giá 500.000đ/tháng

Chủ trương bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê theo Nghị định 61 là phù hợp với giai đoạn chuyển từ bao cấp về nhà ở sang cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, do quy định pháp luật về nhà công vụ chưa đồng bộ, đã dẫn đến câu chuyện biệt thự trị giá cả triệu đô la nhưng lại có thể được bán chưa đến 1 tỷ đồng, hay tiền thuê nhà biệt thự không bằng tiền thuê nhà sinh viên.   

Nhiều biệt thự công bị chiếm dụng

Do Hà Nội và TPHCM là hai địa phương có quỹ nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước lớn nhất trên toàn quốc, nên Thủ tướng có quy định riêng về việc bán nhà biệt thự cho người đang thuê. Để cho thuê hoặc bán biệt thự công theo Nghị định 61 người ta cần xác định giá trị còn lại tính bằng tiền của biệt thự.

Theo quy định hiện hành, giá trị còn lại của biệt thự là tích số của 3 giá trị: giá biệt thự (đồng/m2 sử dụng), diện tích sử dụng và chất lượng còn lại của biệt thự. Trong đó giá biệt thự phụ thuộc vào hạng của biệt thự, hạng biệt thự càng cao thì giá cao, còn “nhà gạch hai tầng” thì giá thấp hơn nhiều.

Việc bán nhà cho người đang thuê được tính theo bảng giá do UBND cấp tỉnh ban hành, trên cơ sở bảng giá chuẩn tối thiểu nhà ở xây dựng ban hành kèm theo Nghị định 61. Tuy nhiên, trên thực tế việc định giá biệt thự gặp rất nhiều khó khăn.

“Không có chế độ pháp lý cụ thể nên việc phân hạng và xác định chất lượng còn lại của biệt thự rất phức tạp”-Một cán bộ của Cty Kinh doanh nhà số 2 Hà Nội nói. Cty này chính là nơi đã ký và gia hạn hợp đồng thuê biệt thự cho ông Hoàng Văn Nghiên.

Việc phân hạng biệt thự căn cứ vào tình trạng lúc xây dựng, nhưng do nhiều biệt thự không có hồ sơ, qua thời gian những biệt thự đó hầu hết đã bị xuống cấp, nên việc xác định hạng biệt thự để định giá bán cho người đang thuê theo Nghị định 61 không có ý nghĩa nhiều về chất lượng, tiện nghi của nhà biệt thự.

Chất lượng còn lại của biệt thự công thuộc diện bán theo Nghị định 61 được xác định rất thấp, hầu hết dưới 60%. Cộng thêm việc xác định giá đất nơi biệt thự đứng chân có nhiều ưu đãi cho cán bộ quan chức xin  mua nên tất cả những biệt thự công bán theo Nghị định 61 đều bị “rẻ hóa” trong quá trình định giá, còn nếu so với giá thị trường thì sẽ dẫn đến tình trạng “chênh lệch hàng chục tỷ đồng” như trường hợp của biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa.

Về giá cho thuê biệt thự, năm 1992, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 118 về giá cho thuê nhà ở và đưa tiền nhà ở vào tiền lương, song đến nay tiền lương cơ bản đã tăng từ 120.000 đồng lên 450.000 đồng nhưng tiền nhà vẫn chưa có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Thời điểm này, việc ký kết hợp đồng thuê nhà theo Quyết định 118 mới chỉ thực hiện được khoảng 80% trên tổng số các hộ thuê biệt thự. Như vậy, có tới 20% trong số hàng nghìn biệt thự công đã bị chiếm dụng mà chưa hề có hợp đồng thuê nhà.

“Không ký kết được hợp đồng thuê nhà nên quyền hạn, nghĩa vụ của người thuê nhà lẫn cơ quan quản lý nhà đều hết sức mơ hồ”-Một lãnh đạo Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) nói. 

Hàng trăm biệt thự bị đề nghị bán

Từ nay, hết công vụ 3 tháng phải trả nhà

“Không được chuyển đổi hoặc cho thuê lại dưới bất kỳ hình thức nào và có nghĩa vụ trả lại nhà ở cho cơ quan quản lý khi không còn thuộc đối tượng được ở nhà công vụ trong thời hạn 3 tháng hoặc khi không còn nhu cầu thuê nhà ở công vụ”.

(Khoản 2 điều 40 về quyền và nghĩa vụ của người thuê nhà ở công vụ tại Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 6/9/2006 (có hiệu lực sau 15 ngày đăng công báo, của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở).

Trong nỗ lực khắc phục hiện trạng đáng báo động của các biệt thự công ở Hà Nội và TPHCM, nhất là để tránh tư nhân hóa các biệt thự có giá trị kiến trúc, cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng đã lên danh mục các biệt thự có giá trị đặc biệt về mặt kiến trúc, không được bán theo Nghị định 61 để sử dụng vào mục đích khác.

Theo danh mục nêu trên, biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa không những không phải là “nhà gạch 2 tầng”, mà còn là 1 trong số 198 biệt thự công tại Hà Nội có giá trị đặc biệt.

Ở TPHCM có 200 biệt thự được đưa vào danh mục “cấm bán”, các biệt thự này được Bộ Xây dựng cho là “cần cải tạo bố trí sử dụng vào nhà công vụ”.

Nguồn tin từ Bộ Xây dựng cho Tiền phong biết, nhiều quan chức sau khi về hưu hoặc chuyển công tác khác thì vẫn ở nguyên “vị trí cũ”, rồi sau đó tìm cách “tư nhân hóa” biệt thự công.

Do chưa có chế độ pháp lý rõ ràng và cụ thể về nhà công vụ, nên vô số biệt thự công ở Hà Nội và TPHCM nằm ngoài danh mục nêu trên đều có thể được “hóa giá” hợp pháp theo Nghị định 61, chưa kể những trường hợp “lấn chiếm”  vào danh mục cấm bán (kiểu như trường hợp ông Hoàng Văn Nghiên). 

Điều đáng nói là, trong khi chính những cơ quan chức năng quản lý biệt thự đã  xác định “phần lớn biệt thự được xây dựng tại những đường phố lớn, khu vực quan trọng nên giá trị về mặt sử dụng rất cao”, thì số biệt thự công nằm trong danh mục “cấm bán” là quá ít so với những biệt thự công nằm trong danh mục “đề nghị bán”.

Tại 4 quận (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa) Hà Nội, có tới 379 biệt thự bị “đề nghị bán”, trong đó có 42 biệt thự “đề nghị bán đợt đầu”.

Cần biết rằng giá trị của nhà biệt thự rất nhỏ so với giá đất (vị trí) của nhà biệt thự, nhất là ở những nơi trung tâm, sát mặt đường. Vậy tại sao không cải tạo những biệt thự bị “đề nghị bán” để phát huy giá trị sử dụng của những biệt thự này?

Biệt thự công đang bị lãng phí nghiêm trọng

Trao đổi với Tiền phong về vấn đề biệt thự công, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói: “Tuy có thể là muộn, nhưng cần khảo sát lại các biệt thự và có hình thức cần thiết để khai thác một cách có hiệu quả, đồng thời với một số tòa nhà có giá trị ta phải coi đó là di sản kiến trúc. Tôi thấy ở TPHCM đã xếp loại di sản kiến trúc, từ đó họ đề ra biện pháp cụ thể để bảo vệ các công thự đẹp.

Tôi là người đã sống ở Hà Nội từ bé, phải nói Thủ đô ta từng có rất nhiều biệt thự đẹp, nhưng đến nay hầu như chỉ có những biệt thự được sử dụng vào hoạt động đối ngoại may ra còn giữ được”.

Ông Dương Trung Quốc khẳng định: “Chính cung cách quản lý của chúng ta đã khiến các biệt thự công trở nên cực kỳ lãng phí trên cả hai phương diện: thứ nhất là không khai khác hết công năng của biệt thự, thậm chí phá vỡ kết cấu và khung cảnh của các biệt thự, làm cho biệt thự trở thành các khu nhà tập thể; thứ hai là tình trạng thất thoát công sản của Nhà nước bằng cách biến công thự thành tư thự.

Qua những sự việc mà báo Tiền phong đã nêu thì có thể thấy rõ tính không minh bạch trong vấn đề này. Việc mang lại một số quyền lợi về vật chất, trong đó có điều kiện về nhà ở, cho một số vị lão thành cách mạng là hết sức chính đáng.

Tuy nhiên, đó là chuyện quá khứ, bây giờ phải quan niệm mọi người là cán bộ Nhà nước, nếu anh nắm giữ vị trí quan trọng thì chỉ là công chức cao cấp, và phải tuân theo các quy định luật pháp về công chức, về nhà ở...”.

MỚI - NÓNG