Hà Nội: Hàng vạn dân ngoi ngóp trong biển nước

Hà Nội: Hàng vạn dân ngoi ngóp trong biển nước
TP- 6.000 hộ dân 6 xã Thanh Bình, Tốt Động, Đông Sơn, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến và Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) vẫn đang vật lộn với biển nước, khi cái đói, dịch bệnh đang rập rình đe dọa.

Ngày 6/11, PV Tiền phong có mặt tại thôn Tiến Tiên (xã Thanh Bình). Hàng trăm ngôi nhà ngập chìm trong nước (có đoạn sâu gần 3 m), xác súc vật, gia cầm trôi nổi ngổn ngang…

Nước ngập kéo dài trong nhiều ngày, cả thôn Tiến Tiên chìm trong nước, xác gia cầm, gia súc nổi bồng bềnh kẹt trong những rặng cây chỉ còn nhô phần ngọn. Nhiều ngôi nhà vẫn bị nước ngập đến tận nóc. 

Bốn ngày nay căn nhà cấp bốn rộng hơn 20m2 của anh Nguyễn Tiến Chương là nơi trú ngụ của 30 người trong thôn, chủ yếu là trẻ con. “Mất trắng cả rồi, ba trăm con vịt, ba ao cá… Trong thôn giờ chỉ còn ít gia đình có gác xép hoặc ở chỗ cao thì không di tản chứ người già, trẻ con, trâu bò… đi lên núi Bậc Cưa hết rồi”- Anh Nguyễn Tiến Dương mếu máo.

Vùi trong nước suốt bốn ngày, không chiếu màn, ẩm thấp hai đứa trẻ đang trú ở nhà anh Chương bị sốt nhưng cũng chỉ vài viên thuốc cho qua. “Điện không có, giếng bị ngập, củi thì ướt sũng nên các cháu đành phải ăn mỳ tôm qua ngày” - Anh Nguyễn Đình Thứ có con ở nhà anh Chương cho biết.

Chùa Linh Thông Tự của thôn Tiến Tiên (nơi cao nhất, nước lụt mới chỉ mấp mé hiên chùa) là nơi lánh nạn cho gần trăm người dân. Trong gian chùa không có điện tối om la liệt các bao tải thóc đặt quanh chân tượng, phía ngoài sân chùa gần chục con heo nái đang nằm xoải người trong nước: “Cả chục con người phải nhường nhau từng mét vuông trên sàn chùa để ngủ tạm. Màn không có, muỗi đốt sưng húp cả mặt” - Chị Hoa người xã Thanh Bình trú tại chùa cho biết.

Cả gia đình chỉ biết nhìn nhau khóc thầm. Không ai dám quay trở về nhà để xem còn vớt vát được gì trong nhà. Nước hiện vẫn cao đến ngang nóc nhà. Tôi không biết sắp tới sẽ sống bằng gì. Khối nợ lớn trên đầu cũng không  biết sẽ giải quyết ra sao. Nhà có 5 người nhưng mỗi người một nẻo. Không còn chỗ ở, mỗi người trong nhà đành chia nhau tìm những nơi nào có thể trú được để trú          - Chị Hưng rưng rưng.

Mặt mũi phờ phạc vì mất ngủ và xót của, chị Liên, người thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến cho biết cả nhà có 4 người nhưng bây giờ, vợ chồng, con cái mỗi người một ngả.

Nhà chị ở cách đây 7-8km, nhưng do nước lụt không có một chỗ nào để trú chân nên phải dắt díu chạy đến tận thôn Tiến Tiên lánh nạn, còn 2 người con thì gửi ở một nhà người quen ở thôn khác. “Đã 6 ngày nay tôi phải ở nhờ bên này.

Lúc đi chỉ kịp xách theo một ít gạo. Giờ gạo hết đành phải ăn nhờ cơm gia chủ dù biết rằng họ cũng gặp nhiều khó khăn. “Hàng cứu trợ ít, lượng người cần cứu đói lớn nên người dân ở đây đang lâm vào nguy cơ đói nghiêm trọng. Nhiều nhà phải vét những hạt gạo cuối cùng để nấu dè sẻn, chia nhau từng bát cơm. Ngay cả mì tôm, lương khô của đoàn cứu trợ đưa đến, bà con cũng không thể nấu được. Nhiều người đành nhai ăn sống. Tội nhất là bọn trẻ. Nước sạch thì quả là thứ quý hiếm rồi, phải chia nhau từng chai” - Chị Nguyễn Thị Ninh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Tiến cho biết.

Tích cóp 30 năm, mất sạch một ngày

Giọng vẫn còn pha chút run run khi nói về cái đêm mưa lớn nhấn chìm tới 96% diện tích của thôn trong biển nước lịch sử, chị Trịnh Thị Hưng, người dân thôn Tiến Tiên cho biết từng khối nước sầm sập đổ xuống kéo theo những dòng lũ lớn nhanh chóng tràn tới ngôi nhà chỉ còn ba người phụ nữ, gồm bà, mẹ và chị Hưng, đang ở bên trong.

Nước dâng nhanh đến bất ngờ, từ đầu gối rồi lên thắt lưng và sau đó đến ngang ngực. Ba người phụ nữ vội vàng thu vén ít quần áo đem theo rồi vội vã dắt díu nhau lội nước chạy trốn dòng nước lũ đang cuồn cuộn cuốn đuổi theo. Những dòng nước hung hãn cuốn trôi mọi vật dụng trong nhà, gia cầm, gia súc ngoài vườn trước cái nhìn bất lực của những người phụ nữ.

Nước mắt dường như chảy ngược vào trong còn nỗi đau đớn hiện rõ trên gương mặt người phụ nữ mới tuổi ngoài 40 khi nhắc đến cả khu ao nuôi cá của gia đình bị nước lũ xóa sổ.

Toàn bộ số tiền tích cóp của gia đình cộng với số tiền vay ngân hàng NN&PTNT lên tới 50 triệu đồng để đầu tư nuôi cá và dự kiến sẽ được thu hoạch trong tháng 12 tới bỗng chốc tuột khỏi tầm tay. Khi chồng chị Hưng tìm được về nhà vào ngày hôm sau thì tài sản còn lại của cả gia đình chỉ còn lại mấy chiếc áo được thu vội trong đêm nước lũ.

Không thiệt hại nặng bằng nhà chị Hưng, nhưng nhà chú Trần Văn Chiến, cụ Dụ cũng trở thành trắng tay dù đã kịp lùa được đàn lợn gần 40 con chạy lên đê tránh lũ trong đêm mưa kinh hoàng. Toàn bộ số gia súc này, hôm nay hai hộ này phải gọi thương lái vào bán rẻ tới 50% so với giá bình thường do không còn thức ăn để nuôi.

Đến nay, huyện Chương Mỹ đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ gia đình mỗi người thiệt mạng 3 triệu đồng, mỗi người bị thương 1 triệu đồng. Huy động các lực lượng xuống các vùng ngập lụt để giúp người dân di dời người và đồ đạc đến nơi an toàn. Hiện đã hỗ trợ gần 4.000 thùng mỳ tôm, 10.000 chai nước cho người dân 7 xã bị ngập. Huyện đang đề nghị UBND và các sở ban ngành thành phố hỗ trợ 5 tỷ đồng, 7 tấn mỳ ăn liền, 100.000 chai nước lọc để phục vụ cứu trợ các xã bị ngập.

“Đàn lợn gần 2 tháng chăm bẵm giờ phải bán rẻ như cho. Xót xa mà không biết làm thế nào chú ạ. Giữ lại thì không có thức ăn để nuôi. Người lo thân còn không nổi nói chi gia súc. Cuộc sống không biết sẽ ra sao trong thời gian tới. Đói đã đành nhưng sợ nhất là dịch bệnh sau khi nước rút”- Chú Chiến nói.

Trao đổi với Tiền phong, ông Nguyễn Công Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến thông tin hiện không thể thống kê hết thiệt hại mà người dân gặp phải.

Trong ngày hôm qua xã đã tiến hành cứu trợ tạm thời cho những hộ dân chạy lũ với định suất 4 gói mì tôm/khẩu và 5 chai nước khoáng/hộ gia đình. Còn việc ăn ở cho người dân thì không thể lo xuể. Hiện phần lớn người dân phải tự tìm những nơi cao ráo và lên trên núi để ở, đề phòng nước có thể tiếp tục dâng cao trong đợt mưa tới.

“Chúng tôi cũng chưa biết sẽ giúp người dân trong thời gian tới như thế nào. Hiện mọi thứ đều khó khăn, thiếu thốn nhất là thực phẩm và nước sạch. Nước ngập trắng thôn nên những hộ dân còn thóc cũng phải mang đi rất xa mới có thể xát được. Giá cũng tăng lên chóng mặt. Trước đây xát một bao thóc chỉ 2 nghìn đồng, giờ giá đã lên 8 nghìn đồng. Dân tình ai cũng khổ”- Ông Chính cho biết.

MỚI - NÓNG