Hoạt động này được thực hiện tại phường Láng Thượng (quận Đống Đa), phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) và xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) nhằm bắt được nhiều muỗi nhất để các chuyên gia xét nghiệm tìm cá thể muỗi nhiễm virus Zika.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện thành phố đã giám sát, phát hiện 55 trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc virus Zika, lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính.
Theo Sở Y tế, trung bình 1 ngày có khoảng 50-60 chuyến bay quốc tế đến với khoảng 7.000-8.000 hành khách nhập cảnh vào Hà Nội qua sân bay quốc tế Nội Bài. Để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Zika, sân bay Nội Bài đã triển khai 2 máy đo thân nhiệt nhằm phát hiện sớm hành khách có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm Zika.
Hiện nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 23 trường hợp nhiễm virus Zika. PGS. TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) bày tỏ quan ngại, dịch bệnh Zika bùng phát, lo nhất là các thai phụ.
Tuy nhiên, các bà mẹ không nên hoang mang nhưng phải biết cách chủ động phòng bệnh. TS Phu cho biết thêm, không phải trường hợp thai phụ nào nhiễm Zika cũng gây ra hội chứng đầu nhỏ cho thai nhi. Tỷ lệ bà mẹ mang thai mắc Zika có con mắc hội chứng này rất thấp, 1-10% sinh con mắc dị tật chứng đầu nhỏ.
Các chuyên gia cho biết thêm, virus Zika chỉ gây nguy hiểm đối với các bà mẹ mang thai trong 3 tháng đầu. Từ tuần thứ 14 trở đi, nếu thai phụ có nhiễm Zika cũng không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của thai nhi, nhất là trí tuệ.
Điều đáng lo ngại là việc phát hiện thai nhi bị dị tật đầu nhỏ thường ở giai đoạn rất muộn và không có biện pháp can thiệp điều trị nào ngoài đình chỉ thai nghén. Để có thể giúp chẩn đoán sớm biến chứng đầu nhỏ ở thai nhi, điều quan trọng là các thai phụ cần đi khám đúng theo lịch hẹn đã quy định, đặc biệt là từ tuần 16 đến tuần thứ 22 để đo cấu trúc hệ thần kinh.