Hà Nội giải ngân hỗ trợ 99 nghệ sĩ: Thu nhập cao cũng được nhận?

0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội vẫn chậm trễ hơn các địa phương khác trong hỗ trợ nghệ sĩ. Ảnh: KỲ SƠN
Hà Nội vẫn chậm trễ hơn các địa phương khác trong hỗ trợ nghệ sĩ. Ảnh: KỲ SƠN
TP - Gần hai tháng chờ đợi, Hà Nội giải ngân hỗ trợ 99 nghệ sĩ đầu tiên từ gói an sinh xã hội 26 nghìn tỷ đồng. Hành động ấm áp trong bối cảnh dịch bệnh chồng chất khó khăn, nhưng quy trình lại cho thấy không ít người đáng được hỗ trợ vẫn bị gạt ra ngoài lề.

Thu nhập cao cũng nhận hỗ trợ?

Cuối tuần qua, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội thông báo đã chi hỗ trợ cho 99 viên chức hạng IV là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ thuộc 6 nhà hát trực thuộc Sở VHTT Hà Nội. Tổng số tiền hỗ trợ là hơn 367 triệu đồng chia cho nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Kịch Hà Nội, Chèo Hà Nội, Cải lương Hà Nội, Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Múa rối Thăng Long. Mỗi nghệ sĩ nhận được 3.710.000 đồng.

NSND Quốc Anh, Quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết, nhà hát có 21 nghệ sĩ thuộc diện được nhận hỗ trợ. Số tiền không quá lớn nhưng là nguồn động viên tinh thần, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước tới anh em nghệ sĩ. NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội nói rằng, các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát đã nhận được hỗ trợ, ai nấy đều mừng trước sự quan tâm kịp thời của Nhà nước và lãnh đạo thành phố.

Hà Nội giải ngân hỗ trợ 99 nghệ sĩ: Thu nhập cao cũng được nhận? ảnh 1

Hàng trăm diễn viên trẻ khó khăn vẫn đang mong gói hỗ trợ. Ảnh: KỲ SƠN

Nhà hát Múa rối Thăng Long chỉ có 5 người thuộc diện nhận hỗ trợ, trong khi Nhà hát Cải lương Hà Nội đông nhất có 27 người, Nhà hát Kịch Hà Nội cũng có 23 người đủ điều kiện.

Trong văn bản đề nghị bổ sung đối tượng diễn viên, đạo diễn nghệ thuật, họa sĩ hạng IV vào diện hỗ trợ, lãnh đạo Bộ VHTTDL lí giải, đây là “đối tượng gặp khó khăn không thể đảm bảo cuộc sống do COVID-19”.

Thế nhưng trong số 99 viên chức nhận hỗ trợ đợt này lại có những diễn viên hạng IV có thu nhập tốt, có khối tài sản đáng mơ ước đối với biết bao người khác.

Ai có thể ngờ diễn viên Hồng Đăng, Ngọc Quỳnh (Hoa hồng trên ngực trái), nhạc sĩ, diễn viên Phùng Tiến Minh và một số diễn viên có tiếng khác cũng nhận hỗ trợ?

Hồng Đăng không chỉ là gương mặt nổi bật của Nhà hát Kịch Hà Nội, anh tham gia hàng loạt phim truyền hình đình đám của VTV, gần nhất là Hướng dương ngược nắng. Mới đây Hồng Đăng khoe sửa lại căn nhà phố ba mặt tiền, chưa kể tới còn sở hữu nhà vườn, xe sang, bộ sưu tập xe mô-tô phân khối lớn và tài sản khác.

Đành rằng các diễn viên đủ điều kiện quy định để nhận vài triệu đồng hỗ trợ, nhưng nhiều người sẽ đặt câu hỏi liệu đơn vị nghệ thuật, Sở VHTT Hà Nội có nhận thấy bất cập của quy trình hỗ trợ này?

Bất cập

NSND Quốc Anh góp ý, hỗ trợ nghệ sĩ là điều nên làm, nhưng cần có sự điều chỉnh để chính sách thực sự đi vào cuộc sống. “Sau khi có thông báo, Nhà hát lập danh sách theo đúng quy định, căn cứ vào tiêu chí nghệ sĩ, diễn viên thuộc đối tượng viên chức hạng IV. Thực tế, tiêu chí này quá bất cập. Khi Bộ VHTTDL đề xuất chính sách không tham khảo ý kiến, không đối chiếu và xem bảng lương thực tế của các nhà hát, vì thế mới dẫn tới bất cập nhiều người chỉ xếp bậc IV nhưng có lương cao hơn, thu nhập cao hơn nhiều người khác vẫn được hỗ trợ”, NSND Quốc Anh nói.

Không riêng Nhà hát Chèo Hà Nội, một số đơn vị nghệ thuật truyền thống khác cũng ở tình cảnh tương tự. NSND Quốc Anh giải thích, diễn viên, nhạc công ở các bộ môn nghệ thuật dân tộc có đặc thù phần lớn chỉ tốt nghiệp trung cấp là đủ làm nghề, bởi họ dựa vào năng khiếu và truyền nghề từ các bậc thầy gạo cội. Do đó, nhiều nghệ sĩ thuộc hạng IV nhưng có thâm niên một vài chục năm trong nghề, lương của họ cao hơn cả diễn viên hạng III. “Tôi rất mong có các đợt hỗ trợ tiếp theo để diễn viên trẻ mới vào nghề thực sự có cuộc sống khó khăn được nhận hỗ trợ”, NSND Quốc Anh nói.

Một loạt các nhà hát thuộc Bộ cũng lập danh sách gửi về Sở VHTT Hà Nội để xin hỗ trợ cho hàng trăm diễn viên khó khăn. Thế nhưng gần hai tháng chờ đợi, chế độ hỗ trợ vẫn bóng chim tăm cá. NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, tới nay nghệ sĩ xiếc vẫn chưa nhận được trợ cấp. “Liên đoàn Xiếc Việt Nam có cả trăm diễn viên thuộc đối tượng bậc IV, bởi nòng cốt đều tốt nghiệp trung cấp. Thời điểm này nghệ sĩ quá khó khăn rồi, hoạt động tê liệt nhiều tháng liền. Mức hỗ trợ đúng là không quá to tát nhưng một miếng khi đói bằng cả gói khi no. Chúng tôi đã gửi đầy đủ danh sách, kèm bảng lương, thông tin của diễn viên lên Sở”, NSND Tống Toàn Thắng nói.

Xung quanh câu chuyện hỗ trợ cho nghệ sĩ, nhiều lãnh đạo nhà hát hơn một lần kêu khó. Số lượng diễn viên trẻ mới vào nghề, thực tập ở các đơn vị nghệ thuật mới thực sự là đối tượng cần được hỗ trợ, chỉ tiếc là không đáp ứng được điều kiện về quy định viên chức. NSƯT Kiều Minh Hiếu, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, Ban Giám đốc Nhà hát có hai đợt hỗ trợ kinh tế cho diễn viên trẻ mới về đầu quân cho Nhà hát. “Họ không có lương cố định hay lương cơ bản hằng tháng, chỉ nhận tiền bồi dưỡng theo hợp đồng công việc. Mức thu nhập hạn chế như vậy không đảm bảo được cuộc sống. Mặc dù mức hỗ trợ không nhiều nhưng mang ý nghĩa tinh thần lớn hơn. Nhà hát không quan tâm chăm lo cho lớp trẻ thì mấy năm nữa lấy đâu ra nghệ sĩ tài năng của sân khấu”, NSƯT Minh Hiếu nói.

Sở VHTT Hà Nội tiếp tục triển khai hỗ trợ cho nghệ sĩ là viên chức của các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật trực thuộc Bộ VHTTDL đóng trên địa bàn Hà Nội. Sở tiếp nhận danh sách khoảng 302 người từ các đơn vị nghệ thuật, nhà hát trung ương. Lãnh đạo Sở có công văn gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về rà soát bổ sung các đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do dịch COVID-19 ngoài các đối tượng có trong Nghị quyết số 68 của Chính phủ và theo Quyết định số 3642 của UBND TP Hà Nội vừa nhận hỗ trợ.

MỚI - NÓNG