Hà Nội giải bài toán 'ùn ứ rác' nội đô như thế nào?

Công nhân vệ sinh môi trường gom rác sáng 20/11 sau nhiều ngày đình công. Ảnh: Duy Phạm
Công nhân vệ sinh môi trường gom rác sáng 20/11 sau nhiều ngày đình công. Ảnh: Duy Phạm
TP - Việc đấu thầu vệ sinh môi trường giao về các quận, huyện làm chủ đầu tư sẽ được thực hiện trong năm 2021. Đây được cho là cơ sở để giải bài toán “ùn ứ rác" trong nội đô gây bức xúc nhiều năm nay. 

Một trong những lý do công nhân vệ sinh môi trường bị nợ lương là do việc chậm chi trả chi phí rác phát sinh ngoài gói thầu.

Ông Hoàng Tuân - Giám đốc Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính (Sở Tài chính Hà Nội) cho biết, các quận, huyện hiện đang chậm thanh toán cho doanh nghiệp chủ yếu vì công tác nghiệm thu, hoàn công, giải quyết các thủ tục, hồ sơ. Các quận, huyện đã có cam kết sau khi đủ hồ sơ sẽ thanh toán nhanh nhất có thể cho các đơn vị vệ sinh môi trường  (VSMT), hoàn thành trước ngày 1/12/2020. Tuy nhiên, cũng còn một số nguyên nhân khác được chỉ ra như việc quản lý, quản trị của công ty, quá trình xử lý hồ sơ văn bản…

Theo ông Hoàng Tuân, trong quá trình thực hiện gói thầu 3 năm 10 tháng ( 2017- 2020), nhiều gói thầu không lường hết được khối lượng rác phát sinh do việc thay đổi cự ly vận chuyển rác, phân luồng chở rác… Một số quận có tốc độ đô thị hóa cao, có thêm các tuyến đường mới, dân số tăng, rác tăng theo… do đó phát sinh khối lượng rác lớn ngoài gói thầu.

Được biết, tất cả các gói thầu VSMT trên địa bàn thành phố sẽ dừng thực hiện từ ngày 31/12/2020, thay vào đó là hình thức đấu thầu mới do các quận, huyện tự đưa ra gói thầu, đấu thầu công khai để lựa chọn nhà thầu.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Hiệp, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm cho biết đến năm 2021, khi việc đấu thầu gói VSMT được giao trả về cho các quận, huyện thì việc quản lý, chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện VSMT sẽ dễ hơn. Lúc đó, UBND quận là chủ đầu tư, vừa quản lý, thương thảo hợp đồng. “Như vậy, chúng tôi hoàn toàn chủ động trong việc thương thảo về phương thức thu rác, cách vận hành, bộ máy Cty sao cho phù hợp, ít thay đổi nhất”, đại diện UBND quận  Nam Từ Liêm nói. Như hiện nay, thì quận chỉ có tư cách quản lý hợp đồng, mọi đề xuất kiến nghị đều phải gửi lên cấp cao hơn xem xét.

Đồng tình với quan điểm này, một số quận huyện cho rằng, đấu thầu từng quận, huyện sẽ giúp tháo nút thắt trong công tác VSMT.

Ngày 10/9/2020, UBND thành phố đã có thông báo kết luận số 966/TB-UBND, trong đó có nội dung chỉ đạo Trung tâm mua sắm tài sản công và thông tin tư vấn tài chính (Sở Tài chính) và các quận huyện thực hiện thanh toán khối lượng phát sinh ngoài gói thầu giai đoạn 2017 – 2020. Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo thanh toán việc phát sinh ngoài gói thầu trước ngày 10/11/2020. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại nhiều quận, huyện vẫn chưa chi trả số tiền này cho các đơn vị, doanh nghiệp. 

MỚI - NÓNG