Hà Nội: Gia cầm chưa kiểm dịch ùn ùn vào thành phố

Hà Nội: Gia cầm chưa kiểm dịch ùn ùn vào thành phố
TP - Cục Thú y nhận định: Virus cúm gia cầm có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Thế nhưng, khi dịch đã bao vây các cửa ngõ Thủ đô thì hiện tượng kinh doanh gia cầm chưa qua kiểm dịch vẫn bị thả nổi, đe dọa sự an toàn của hàng triệu người dân Thủ đô...
Hà Nội: Gia cầm chưa kiểm dịch ùn ùn vào thành phố ảnh 1
Tại Hà Nội, nhiều gia cầm chưa kiểm dịch vẫn được giết mổ, bày bán công khai - Ảnh: Phạm Yên

Chiều tối 24/6, chúng tôi có mặt tại chợ Thành Công (quận Ba Đình), thấy việc kinh doanh gia cầm sống vẫn diễn ra bình thường, mặc dù cơ quan thú y đã có lệnh cấm.

Tại cổng phụ phía nhà B7b, gần chục hàng kinh doanh gia cầm vẫn bày bán gia cầm chưa kiểm dịch (không có dấu kiểm dịch). Phía trong các quầy, vẫn có người mổ gà sống, không dùng găng tay và các phương tiện bảo hộ khác.

Một chủ hàng tự xưng tên là Thanh cho biết, nếu khách có nhu cầu thì sẽ mang đến tận nhà, số lượng không hạn chế; thậm chí, nếu cần gà chưa mổ thì cũng “ok”.

Chúng tôi hỏi gà này đã được kiểm dịch chưa, chị Thanh tỉnh bơ: “Bao nhiêu khách mua ở đây, ăn có bị làm sao đâu!”, rồi chị thề: “Nếu bị làm sao, tôi đền”…

Tại chợ Ngọc Hà, nhiều quầy bán gia cầm đã đóng cửa, chỉ còn mấy quầy trưng biển bán gia cầm sạch. Chủ quầy tên Công đưa cho tôi xem mấy con gà đã được đóng dấu kiểm dịch của lực lượng thú y.

Nhưng khi xem kỹ, nhiều dấu đã bị nhòe, không thể đọc được dòng chữ trên dấu; thậm chí chỉ có một vệt xanh xanh màu mực dấu trên thân gà, khó ai có thể tin được đấy là dấu kiểm dịch.

Tại chợ Quảng Bá (quận Tây Hồ), 3 lồng gà vịt vẫn được bày bán. Ngay cạnh đó, một hàng phở vẫn bày bán tiết canh vịt. Nhiều người dân vẫn vô tư cầm gà đang sống lên sờ nắn xem béo gầy, chứ ít khi quan tâm gà đã được kiểm dịch chưa.

Dọc quốc lộ 32, dẫn vào trung tâm Hà Nội, khi nhá nhem tối, thịt gia cầm, gia súc mổ sẵn vẫn được bày trên các nong để bán.

Người mua chủ yếu là sinh viên, người lao động ngoại tỉnh và những người buôn bán nhỏ lẻ, vì giá khá rẻ. Hiện tượng này cũng phổ biến trên các đoạn đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), giáp chợ Phùng Khoang, đường vào Cổ Nhuế…

Lúc 12 giờ trưa, chúng tôi quan sát đoạn quốc lộ 5, giáp cầu chui, hướng vào trung tâm Thủ đô. Chỉ trong vòng khoảng nửa tiếng đồng hồ đã đếm được hơn chục chiếc xe máy chở gà sống ngang nhiên đi qua trạm kiểm dịch.

Ông Nguyễn Văn Cảm - Phó giám đốc Trung tâm chẩn đoán thú y T.Ư cho biết:

Trung tâm vừa có kết quả điều tra giám sát virus cúm gia cầm, sau khi lấy mẫu tại 15 chợ đầu mối, 7 tỉnh và cửa khẩu Lạng Sơn.

Trong số 1.043 mẫu thì có tới 54 mẫu (chiếm 5,17%) có virus cúm H5N1.

Kiểm tra 15 chợ đầu mối thì có tới 10 chợ có bán gia cầm mang virus cúm, chiếm tỷ lệ 66,66%.

Tại 7 tỉnh, thành (Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Hà Tây, Hà Nam, Vĩnh Phúc), Trung tâm lấy mẫu và cho kết quả: 6/7 tỉnh, thành có virus cúm H5N1.

Như vậy, có thể thấy, virus H5N1 đang tồn tại ở khắp nơi và có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Lúc hơn 3 giờ chiều, chúng tôi quay lại thì trạm kiểm dịch chỉ có hai cán bộ thú y, còn các lực lượng khác (theo quy định) là công an và quản lý thị trường thì không thấy đâu.

Một nữ cán bộ thú y cho biết, nếu có thấy người dân chở gia cầm đi qua thì cũng không thể kiểm dịch được, vì không được phép dừng xe.

Nữ cán bộ này cho biết thêm, lực lượng công an chỉ phối hợp theo từng thời điểm, để tránh gây ùn tắc giao thông. Tình trạng này xuất hiện ở hầu hết các cửa ngõ dẫn vào Thủ đô.

Trao đổi với PV Tiền phong, ông Trần Mạnh Giang - Chi cục trưởng Thú y Hà Nội, thừa nhận: “Hiện tượng gia cầm chưa được kiểm dịch vẫn tồn tại ở hầu hết các chợ của Hà Nội.

Do lực lượng thú y quá mỏng (hơn 200 cán bộ thú y) nên chỉ kiểm soát được khoảng 10% gia cầm nhập từ các tỉnh ngoài (trung bình mỗi ngày có khoảng 60-70 tấn gia cầm từ các tỉnh ngoài chuyển vào Hà Nội - PV)”.

Ông Nguyễn Huy Diến - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội - cho biết, Sở vừa cử đoàn đi kiểm tra tình hình kinh doanh gia cầm tại một số chợ (Nghĩa Tân, Bưởi…), phát hiện ở hầu hết các chợ đều có kinh doanh gia cầm không qua kiểm dịch.

Trước đó, ông Đào Duy Tâm - Phó giám đốc Sở - cũng đã trực tiếp kiểm tra tại các chợ ở huyện Từ Liêm, phát hiện và tịch thu, tiêu huỷ số lượng không nhỏ gia cầm (chủ yếu là gà) không rõ nguồn gốc.

Ông Tâm ngao ngán: Rất nhiều người dân chủ quan với dịch cúm gia cầm. Thậm chí, có người dân còn nói với tôi là: “Ăn mãi mà có thấy chết đâu! Làm gì mà phải lo”. 

MỚI - NÓNG