Hà Nội: Đối mặt với dịch bệnh

Hà Nội: Đối mặt với dịch bệnh
TP - TS Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) - cho biết: Hà Nội đang phải đối mặt với nỗi lo dịch bệnh sau trận mưa lịch sử đang diễn ra.
Hà Nội: Đối mặt với dịch bệnh ảnh 1
Bệnh viện Đống Đa chìm trong nước

Hàng loạt dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch tiêu chảy, tả, sốt xuất huyết, và những bệnh khác như bệnh ngoài da, đau mắt sẽ tấn công người dân nếu công tác phòng và trị bệnh không được làm kịp thời.

TS Nguyễn Thanh Liêm – Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư - cho biết mỗi ngày vẫn tiếp nhận 500 bệnh nhi khám ban ngày và hơn 100 bệnh nhi đến vào ban đêm. Các bệnh chủ yếu là tiêu chảy, sốt virus, viêm phế quản, viêm đường hô hấp…

Hiện các hành lang vận chuyển bệnh nhân của bệnh viện cũng trong tình trạng nước ngập đến bắp chân. Bác sĩ Liêm nhận định đó có thể là  môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát sinh gây dịch bệnh nếu không được khử khuẩn, tiệt trùng tốt.

TS Nga cảnh báo dịch bệnh đường tiêu hóa là nỗi lo lớn nhất đối với người dân thủ đô khi nguồn nước sạch bị ô nhiễm do nước thải, nước sông, hồ, ao tràn vào, nhiều khu dân cư không có nước sạch để phục vụ sinh hoạt.

Sau khi nước rút vẫn sẽ đọng lại ở nhiều nơi, cùng với bệnh sốt xuất huyết đang có tại Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho dịch sốt xuất huyết bùng phát. Để hạn chế bệnh đường tiêu hoá người dân nên ăn chín uống sôi, nếu không có nguồn nước sạch thì tạm thời dùng nước đóng chai để uống.

Trường hợp có người bị tiêu chảy, sốt phải đưa đến ngay cơ sở y tế để khám chữa kịp thời. Sau khi nước rút cần nhanh chóng thau rửa bể nước ngầm, giếng nước bằng Clomin B. Phải bơm cạn nước đã bị nhiễm bẩn và sục rửa bằng nước máy ít nhất hai lần vì trong nước máy đã có chất diệt khuẩn.

Ông Nga cho hay, Clomin B không bán ngoài thị trường mà được cấp tại phường. Bộ Y tế đã chủ động giao Clomin B về các Trung tâm Y tế dự phòng (TTYT) của địa phương nên người dân có thể lên phường để xin thuốc về diệt khuẩn, làm sạch nguồn nước.

Cục Y tế dự phòng và Môi trường đã giao cho mạng lưới tại các địa phương thống kê các hộ bị ô nhiễm nguồn nước, bể nước để có thể cấp phát thuốc kịp thời. Lượng thuốc dự trữ tại các địa phương và tại Cục có thể đủ cho cả nước dùng.

PGS.TS Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết: Ngay ngày đầu tiên có mưa lớn, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn chỉ đạo đến tất cả các Trung tâm Y tế, các bệnh viện trên địa bàn khẩn trương triển khai các biện pháp đảm bảo công tác thu dung, khám chữa bệnh thông suốt cho bệnh nhân.

Riêng các bệnh viện thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ. TS Lê Anh Tuấn cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh sau mưa lụt.

Bệnh viện điêu đứng vì mưa ngập

PGS.TS Nguyễn Bá Đức – Giám đốc Bệnh viện K - cho biết: Toàn bộ mặt sàn của bệnh viện này đã ngập hết, nơi ngập ít nhất cũng khoảng 30 cm nên bác sĩ đã phải di tản toàn bộ bệnh nhân ở tầng một lên tầng trên.

Hiện chỉ còn bốn bệnh nhân nặng phải thở máy hiện nằm ở Khoa Cấp cứu là chữa bệnh trong phòng ngập nước do hệ thống máy thở không thể di chuyển được.

Bệnh viện Đống Đa nằm tại một trong những vùng trũng của quận Đống Đa nên toàn bộ bệnh viện chìm trong biển nước, có chỗ ngập hơn 1 m. Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Trưởng Khoa Truyền nhiễm - cho biết: Toàn bộ máy móc và bệnh nhân đã được chuyển lên tầng hai. Nhiều bác sĩ nhà xa bệnh viện, đường ngập nhưng vẫn cố gắng có mặt đúng giờ trực.

Vất vả nhất có lẽ là Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115. Trong những ngày mưa mỗi ngày Trung tâm nhận trên dưới 100 cuộc gọi cấp cứu. Trong ngày đầu tiên xảy ra mưa lớn gây ngập nặng, Trung tâm chỉ tiếp cận để vận chuyển được hơn 20 trường hợp vì mọi con đường dẫn đến bệnh viện đều mênh mông nước.

Bác sĩ Nguyễn Văn Chánh – Phó Giám đốc Trung tâm cho biết với những cuộc gọi còn lại bác sĩ chỉ có thể tư vấn qua điện thoại để người nhà bệnh nhân biết cách xử lý tạm thời. Bác sĩ Tín cho hay tất cả xe cấp cứu của Trạm cấp cứu đầu mối Từ Liêm được đặt tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội đã bị ngập không thể vận hành được.

Với những bệnh nhân nặng, Trung tâm phải cho nhân viên trực đi xe ôm lên trụ sở Trung tâm để nhận xe ô tô đi vận chuyển bệnh nhân.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...