Tại tờ trình ngày 31/8 của UBND thành phố Hà Nội, 30 quận, huyện được chia thành bốn vùng, làm căn cứ để xác định mức học phí với các trường mầm non, phổ thông công lập.
Theo đó, 12 quận nội thành và các phường tại thị xã Sơn Tây thuộc vùng 1; các thị trấn thuộc 17 huyện ngoại thành là vùng 2; các xã (trừ xã miền núi) của 18 huyện, thị thuộc vùng 3; các xã miền núi còn lại được xếp vào vùng 4.
Học phí dự kiến áp dụng với các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên ở Hà Nội năm học 2022-2023 cụ thể như sau (đơn vị đồng/học sinh/tháng):
Theo dự thảo, học phí vùng 1 và 2 là 155.000-300.000 đồng mỗi tháng. Hai vùng còn lại thấp hơn, dao động 100.000-200.000 đồng (vùng 3) và 50.000-100.000 đồng (vùng 4).
Xét từng cấp học, học phí với bậc THCS và mầm non 5 tuổi (vùng 1) tăng từ 155.000 (năm 2021) lên 300.000 đồng. Như vậy, đây là hai nhóm có mức tăng tuyệt đối cao nhất với 145.000 đồng/học sinh/tháng. Tỷ lệ tăng là 93,55%, tức gần gấp đôi.
Học phí THPT vùng 4 có tỷ lệ tăng cao nhất với 316,67%, tăng tương đương hơn 4 lần (từ 24.000 (năm 2021) lên 100.000 đồng).
Riêng tại vùng 2, học phí được giữ nguyên như năm 2021 với mức 155.000 đồng (THCS, trẻ mầm non 5 tuổi) và 217.000 đồng (THPT, nhà trẻ và mẫu giáo không gồm trẻ 5 tuổi). Còn với cấp tiểu học sẽ được miễn học phí.
Cũng theo dự thảo, các trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, học phí dao động trong khoảng 1-3,2 triệu đồng một tháng.
Trong trường hợp học trực tuyến, các trường thu 75% mức học phí đã được ban hành. Quy định này không áp dụng với cấp mầm non bởi trẻ mầm non không học trực tuyến.
Đối với các tháng đồng thời áp dụng cả hai hình thức học trực tiếp và trực tuyến, việc áp dụng mức thu học phí được quy định cụ thể như sau:
Các cơ sở giáo cụ mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên công lập và cơ sở đào tạo khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông căn cứ thời gian học tập thực tế của học sinh tại đơn vị để thực hiện áp dụng mức thu học phí của tháng đó, trường hợp thời gian học tập thực tế theo hình thức học trực tiếp từ 14 ngày trở lên, thì thực hiện thu theo hình thức học trực tiếp; trường hợp thời gian học tập thực theo hình thức trực tuyến14 ngày trở lên thì thực hiện theo hình thức học trực tuyến (bao gồm cả số ngày nghỉ theo quy định của pháp luật) và mức học phí tương ứng đã được quy định đối với vùng của cấp học.
Tổng thời gian thu học phí (theo hình thức học trực tiếp, trực tuyến) phải đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí trong năm không vượt qua 8 tháng/ năm.
Dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo khung học phí mới tại Nghị định 81/2021của Chính phủ. Tờ trình của UBND thành phố Hà Nội sẽ được HĐND xem xét trong tháng 9.
Trước đó, trong hội nghị của Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức lấy ý kiến phản biện về dự kiến tăng học phí công lập năm học 2022- 2023 trên địa bàn thành phố, trao đổi lại một số vấn đề với các đại biểu, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng, nếu Hà Nội không tăng học phí trong năm 2022- 2023 thì sang năm phải tăng gấp đôi và sang năm nữa sẽ phải tăng gấp 3 theo lộ trình. Ông Cương nêu, như TP.HCM mấy năm không tăng học phí, nên mới có chuyện học phí trong năm học tới tăng 5 lần. "Hà Nội tăng từ từ", ông Cương nói.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nêu: Việc thu học phí hiện nay của Hà Nội chỉ đủ 19% cho tổng chi cho giáo dục, còn 81% nhà nước phải chi. Việc thu học phí sẽ chi 90% trả lương cho giáo viên còn 10% chi cho các phần tái đầu tư khác.