Hà Nội đặt mục tiêu cải thiện chiều cao thanh niên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hà Nội vừa đặt mục tiêu cải thiện chiều cao cho thanh niên giai đoạn 2022-2030, mặc dù nam giới Việt Nam tăng khoảng 4 cm chiều cao, nữ giới tăng 2cm trong 10 năm qua, gấp đôi so với thập kỉ trước, song vẫn thấp so với các quốc gia châu Á khác.

Trong kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng của ngành y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030, Sở Y tế Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, trung bình thanh niên 18 tuổi đạt 169 cm đối với nam và 158 cm đối với nữ. Tới năm 2030, con số này lần lượt là 170,5 cm và 159 cm. Sở Y tế Hà Nội thông tin, hiện chiều cao của thanh niên 17 tuổi ở thành phố có sự thay đổi trong 5 năm qua. Năm 2016, chiều cao trung bình của thanh niên Hà Nội là 166,4 cm (với nam) và 157,2 cm (với nữ). Đến năm 2021, con số này tăng lần lượt lên 168,8 cm và 157,4 cm.

Hà Nội đặt mục tiêu cải thiện chiều cao thanh niên ảnh 1

Chơi thể thao giúp trẻ tăng chiều cao

TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), cho biết chiều cao trung bình của người Việt Nam đang đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, xếp sau Singapore, Thái Lan và Malaysia. Tỉ lệ tăng chiều cao của người Việt trong 20 năm so với quốc gia ở châu Á như Nhật Bản vẫn chưa đạt như mong muốn. Điều này cần một quá trình lâu dài, cải thiện chiều cao cần phải đảm bảo các yếu tố như dinh dưỡng, bổ sung vi chất, liên quan đến gene… Theo các chuyên gia dinh dưỡng chiều cao là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển toàn diện của con người. Việc người dân Việt Nam cao lên phản ánh họ đã có ý thức và kiến thức tốt hơn về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, sự phát triển của bản thân.

Theo chuyên gia Viện Dinh dưỡng quốc gia, chiều cao không hoàn toàn do gien mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: giới tính, dinh dưỡng, môi trường (bệnh tật), tâm lí, vận động thể lực, giấc ngủ, trong đó, yếu tố di truyền quyết định khoảng 23% và không thể thay đổi được. Dinh dưỡng chiếm khoảng 32%. Tiếp đến là rèn luyện thể lực (22%), môi trường sống (16%)...

Trước đó, báo cáo của Bộ Y tế cho biết chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng nhanh trong 10 năm qua (2010-2020). Năm 2020, nam thanh niên Việt Nam cao trung bình 168,1 cm (tăng 3,7 cm so với năm 2010), nữ đạt 156,2 cm (tăng 2,6 cm).

GS.TS Lê Danh Tuyên, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết mức tăng chiều cao của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn 1990-2020 tương đương thời kì vàng của Nhật Bản về tăng chiều cao thanh niên trong giai đoạn 1955-1995. Vị chuyên gia này nhận định, nếu tiếp tục duy trì được mức tăng này trong các thập kỉ tới thì Việt Nam sẽ thu hẹp khoảng cách chiều cao với người Nhật Bản, Hàn Quốc.

Giai đoạn 1.000 “ngày vàng”

TS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám, tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện Dinh dưỡng quốc gia), cho biết 1.000 ngày đầu đời được Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh là giai đoạn vàng phát triển chiều cao và thể chất một con người. 1.000 “ngày vàng” được tính từ khi người mẹ mang thai cho đến khi trẻ 2 tuổi. Ngược lại, trẻ trong 1.000 ngày đầu đời không được chăm sóc tốt, dinh dưỡng nghèo nàn thiếu hụt thì trẻ dễ thấp còi, nhẹ cân, kém phát triển trí tuệ.

Người Việt hiện được coi là lười vận động nhất thế giới. Đây cũng được xem là một trong các nguyên nhân khiến chiều cao phát triển chậm. Do đó chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mỗi người cần xây dựng thói quen vận động khoa học với thời lượng tối thiểu 1 tiếng/ngày.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.