Hà Nội: Dân 'khát' bên nhà máy nước bỏ hoang

Nhà máy nước hoen gỉ bỏ hoang, nguy cơ lãng phí hơn 20 tỷ đồng.
Nhà máy nước hoen gỉ bỏ hoang, nguy cơ lãng phí hơn 20 tỷ đồng.
TP - Hoàn thành từ năm 2009 nhưng đến nay Nhà máy nước Thượng Cát (phường Thượng Cát, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được đầu tư hơn 20 tỷ đồng từ vốn ngân sách vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Trong khi đó, hơn hai nghìn hộ dân ở phường này vẫn phải dùng nước giếng khoan mà lo ngay ngáy về chất lượng.

Vẫn phải ăn nước nhiễm sắt, mangan

 Sống đối diện với nhà máy nước, nhưng mỗi lần nhắc đến nước sạch dùng hằng ngày, bà Đinh Thị Dừ (Tổ dân phố Thượng Cát, phường Thượng Cát) không giấu được bức xúc. Bà Dừ cho biết, ban đầu có dự án ai cũng hào hứng vì sắp được sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh, hợp tiêu chuẩn. Bởi bao nhiêu năm sử dụng nước giếng khoan, bà đã thấy đủ ngán ngẩm với loại nước này. Nước từ lòng đất hút lên ban đầu nhìn trong vắt nhưng chỉ cần để một chút thì nước sẽ chuyển màu đen, khi đun thường có cặn ở đáy siêu, nồi.

Chính vì thế, hầu như nhà nào ở Thượng Cát cũng phải xây dựng riêng một hệ thống lọc nước, tốn kém hàng triệu đồng nhưng vẫn chưa yên tâm, chưa kể các quả lọc phải thay liên tục. Không ít nhà chỉ dùng nước giếng để tắm giặt, tưới cây, rửa xe… và đi mua nước đóng bình về để nấu cơm, nước uống.

“Gia đình tôi đã đóng hơn 1 triệu đồng để lắp đồng hồ, đường ống dẫn nước về tận nhà. Bây giờ đã 6 năm nhưng vẫn chưa thấy một giọt nước sạch nào, tiền cũng không lấy lại được. Hầu như cuộc họp dân nào chúng tôi cũng nêu ý kiến nhưng chả ăn thua”, bà Dừ nói. Còn ông Ngô Xuân Kính cũng ở Tổ dân phố Thượng Cát cho biết: “Chúng tôi rất xót xa bởi mấy chục tỷ đồng bỏ xây nhà máy để rồi đắp chiếu. Hai vợ chồng tôi hiện đã hơn 70 tuổi không có tiền mua cái ống lọc bốn, năm triệu nên vẫn phải ăn nước  khoan, cứ để nước bốc hơi lên rồi ăn”.

Ông Ngô Tiến Bắc, Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Cát cho biết: “Toàn phường Thượng Cát hiện có hơn 2.300 hộ dân với hơn 10 nghìn nhân khẩu, tất cả đều đang sử dụng nước giếng khoan. Có nơi thì rất trong, có nơi thì nước vàng tức là có lượng sắt nhỏ, có nơi nước có mangan, đen. Tóm lại là ở đây bà con kêu rất nhiều. Các xã, phường lân cận có nước sạch từ 3 năm nay hết rồi, riêng Thượng Cát vẫn chưa thấy đâu”.

Chính quyền cũng kêu cứu

Dự án xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch Thượng Cát được triển khai từ năm 2008 do UBND huyện Từ Liêm làm chủ đầu tư. Đơn vị trực tiếp thực hiện dự án là Ban Quản lý dự án huyện, Công ty cổ phần đầu tư Bất động sản Hà Nội thi công.

Có mặt tại nhà máy nước sạch có đề chữ “Công trình kỷ niệm 55 năm ngày Giải phóng Thủ đô” này, chúng tôi chỉ thấy cỏ dại mọc trùm kín miệng bể chứa nước, các ống dẫn nước hoen gỉ, nhiều mảng bong tróc thê thảm. 

Theo ông Ngô Tiến Bắc, khi đó trên địa bàn phường Thượng Cát đang có 9 giếng cung cấp nước thô cho nhà máy nước sạch ở Mai Dịch nên huyện muốn lồng ghép để tận dụng việc khai thác nước thô ở đây cấp cho nhà máy nước Thượng Cát. Đến tháng 9/2009, dự án hoàn thành và được quyết toán với số tiền hơn 20 tỷ đồng và tạm bàn giao cho UBND phường Thượng Cát tiếp nhận, quản lý. Cùng đó, đã có gần 280 hộ dân trong phường đã đóng số tiền khoảng 1 triệu đồng/hộ để mua và lắp đặt đường ống, đồng hồ về tận nhà. Tuy nhiên, cũng kể từ đó cho đến nay, nhà máy chưa một lần vận hành với lý do lượng nước thô không đủ, áp lực thấp nên không bơm nước được.

Có mặt tại nhà máy nước sạch có đề chữ “Công trình kỷ niệm 55 năm ngày Giải phóng Thủ đô” này chúng tôi nhận thấy cỏ dại mọc trùm kín miệng bể chứa nước, các ống dẫn nước hoen gỉ, nhiều mảng bong tróc thê thảm. Ông Tam, người trông coi công trình ở đây từ khi mới hoàn thành cho biết, ông phát chán với việc các đoàn về làm việc tại đây mà chẳng giải quyết được gì. “Tôi chỉ mong công trình được đưa vào sử dụng ngay ngày mai để tôi được về nhà”, ông Tam nói.

Ông Ngô Tiến Bắc cho biết, tháng 5/2015, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định về việc chuyển giao hệ thống cấp nước sạch tại phường Thượng Cát cho Công ty Nước sạch Hà Nội quản lý. Kể từ đó, đơn vị này đã nhiều lần khảo sát các vị trí để khai thác nước thô nhưng vẫn chưa tìm được các vị trí hợp lý.

“UBND phường Thượng Cát đã rất nhiều lần làm việc với quận Bắc Từ Liêm, trước đây là huyện Từ Liêm, rồi với Ban Quản lý dự án xây dựng của huyện, Công ty Nước sạch Hà Nội đồng thời tạo điều kiện hết mức để dự án này sớm đưa vào hoạt động nhưng đến nay công trình vẫn đắp chiếu. Hiện chúng tôi cũng chưa biết đến bao giờ thì người dân Thượng Cát mới có nước sạch để dùng. Mong mỏi của người dân, chính quyền địa phương là các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra hướng xử lý và ấn định thời gian công trình đưa vào sử dụng”, ông Bắc nói.

MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ nhỏ đã đọc nhật ký chuyện riêng tư của cha mẹ
Con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ nhỏ đã đọc nhật ký chuyện riêng tư của cha mẹ
TPO - “Con đường văn sĩ” chuyển tải hàng trăm trang nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong giai đoạn 1938 đến 1945. Mộng văn chương, quá trình thai nghén tác phẩm và thêm cả những chuyện đời thường cũng được Nguyễn Huy Tưởng nêu trong nhật ký. Nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - tiết lộ từ bé đã đọc nhật ký của cha, trong đó có cả những chuyện riêng tư của cha mẹ.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.