Hà Nội : Còn phải xén vỉa hè đến bao giờ ?

Hà Nội : Còn phải xén vỉa hè đến bao giờ ?
TPO - Tuyến phố Thái Hà - Chùa Bộc vào giờ cao điểm thường xuyên bị tắc đường.  Thế nhưng, tôi thiết nghĩ việc xén bớt vỉa hè ở các tuyến phố này để mở rộng lòng đường chỉ là một giải pháp tình thế, chắp vá...

Tôi nhận thấy là các nút hay bị ùn tắc là: khoảng nửa phố Thái Hà đến đường Tôn Thất Tùng vào buổi sáng, còn buổi chiều thì gần như tắc cả toàn phố Chùa Bộc, từ đường Tây sơn cho đến đường Tôn Thất Tùng.

Tuyến Thái Hà Chùa Bộc có các đặc điểm sau: 1)Tuyến đường giao thông chính, huyết mạch của quận Đống Đa và TP Hà nội. 2)Lòng đường hẹp, 10 – 15 mét. 3)Lưu lượng giao thông người và xe quá lớn suốt ngày. 4)Là khu vực tập trung đông dân cư, cơ quan, cửa hiệu kinh doanh sầm uất của các ngành phát triển chóng mặt là thời trang và kinh doanh máy tính, các thiết bị điện tử viễn thông. Các hộ kinh doanh hay đơn vị này tập trung nhiều người và phương tiện trong ngày. 5)Không có các đường nhánh giao tiếp, hoặc có thì rất ít (phố Trung liệt và 1 đường nhánh hẹp phía sau Học viện Ngân hàng dẫn lên cầu Trung tự được mọi người sử dụng thoát hiểm khi ùn tắc trên phố Chùa Bộc). 6) Ùn tắc liên tục trong giờ cao điểm (sáng, chiều).

Mới đây tôi thấy các cơ quan chức năng đã xén vỉa hè thêm được 1 mét, và mở rộng lòng đường được thêm ngần đó. Nhưng nhiều cột điện lại nằm dưới lòng đường và sẽ trở thành chướng ngại vật cho người tham gia giao thông, dễ gây ra tai nạn giao thông. Không hiểu các cột đèn này có được nhổ đi ? Liệu như vậy có tốn kém quá không. Nhìn chung việc xén bớt vỉa hè chỉ là một giải pháp tạm bợ mà thôi, chưa kể hàng loạt cây xanh trồng lâu năm đã bị đốn hạ.

Như thế chẳng thu được kết quả gì to tát, vì trong thời điểm hiện tại lòng đường Thái Hà Chùa Bộc phải có bề rộng 30 mét (tăng lên 15 m), và 60 mét trong 5 năm tới ( mở rộng thêm 30 mét so với hiện tại).

Và đây chính là lời giải cho bài tóan ùn tắc ở tuyến phố này. Tuy nhiên chi phí GPMB cũng rất lớn, do giá trị đất đai ở đây lên đến hàng chục lượng vàng. Việc GPMB con đường này cũng ngang với việc làm ở tuyến La Thành Ô Chợ Dừa mà báo chí đã nói là một trong những con đường tốn kém nhất thế giới.

Chúng ta rất trân trọng công việc của các tổ chức nước ngoài quan tâm đến việc giúp chính quyền giải tóan bài tóan giao thông đô thị (JICA đã làm rất tốt ở nút giao thông Kim Mã), tuy nhiên chúng ta phải cân nhắc kỹ phương án thực hiện, tránh để lãng phí đã xảy ra như ở nút giao thông Trần Thánh Tông.

Thêm nữa, tôi nhận thấy việc trồng hoa ở một số đường phố cũng phải tính tóan kỹ, nếu chỉ làm đẹp trong một thời gian ngắn (1-5 năm) thì lãng phí quá, vì sau đó lại dẹp hết đi (như trên đường Đại Cồ Việt).

Rất mong các cơ quan chức năng xem xét, cân nhắc lựa chọn được phương án tối ưu của bài tóan lớn giao thông đô thị trong tương lai, để có thể thực hiện sao cho đồng bộ, hiệu quả, triệt để, kinh tế.

MỚI - NÓNG