Hà Nội có thể bị cắt điện

Theo lãnh đạo EVN, năm 2012 Hà Nội sẽ thiếu điện nghiêm trọng. Ảnh: Hoàng Anh
Theo lãnh đạo EVN, năm 2012 Hà Nội sẽ thiếu điện nghiêm trọng. Ảnh: Hoàng Anh
TP - Ngoài khoản lỗ hơn 10 nghìn tỷ đồng của năm 2010, EVN đang nợ PVN và Vinacomin hơn 11 nghìn tỷ đồng nữa. Theo nguyên tắc, các khoản lỗ này sẽ được hạch toán đương nhiên vào giá điện, trong các đợt tăng giá điện mới.

> EVN nợ nhiều nên khó vay vốn

Theo lãnh đạo EVN, năm 2012 Hà Nội sẽ thiếu điện nghiêm trọng. Ảnh: Hoàng Anh
Theo lãnh đạo EVN, năm 2012 Hà Nội sẽ thiếu điện nghiêm trọng.
Ảnh: Hoàng Anh.

EVN lỗ 300 đồng/kWh

Tại cuộc họp công bố kết quả kiểm tra giá thành điện sản xuất kinh doanh của EVN trong năm 2010 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 19-11, Bộ Công Thương cho biết, kiểm tra thực tế trong tháng 9 và 10 tại EVN và một số đơn vị thành viên cho thấy năm 2010 sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ 10.162 tỷ đồng, chưa tính đến lỗ tại các công ty cổ phần điện EVN góp vốn.

Chi phí còn treo lại chưa tính hết vào giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN trong năm 2010 bao gồm khoản lỗ chênh lệch tỷ giá là 15.463 tỷ đồng và chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn còn lại là 356 tỷ đồng.

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2010 của EVN bị lỗ là do sản lượng thủy điện thấp (thiếu hụt nước nghiêm trọng) nên EVN phải huy động các nhà máy chạy dầu của EVN và mua điện ngoài với giá cao gấp 3-4 lần giá bán điện bình quân.

Việc chậm tiến độ của một số nhà máy điện, biến động tỉ giá hối đoái, biến động giá nhiên liệu cũng là những nguyên nhân gây lỗ trong sản xuất kinh doanh điện của EVN trong năm 2010.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc thanh tra của Bộ Tài Chính nói Bộ Công Thương đã bật đèn xanh cho EVN tăng giá 9,8% trong khi Chính phủ chỉ cho tăng 6,8%, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, năm 2010, Chính phủ phê duyệt tăng giá điện 8,6% so với 2009. Tuy nhiên, giá điện thực hiện năm 2010 có thể tăng 9,8% so với 2009 là do sự khác nhau trong cách tính.

Mức tăng giá chỉ là 8,6% nếu tính chu kỳ từ 1-3-2009 đến 1-3-2010 với phương án được duyệt là 1.058 đồng/kWh. Còn nếu tính theo chu kỳ từ 1-3-2009 đến 31-12-2010 thì mức tăng sẽ là 9,8%. “Với giá thực hiện bình quân năm 2010, ngành điện bị lỗ 10.162 tỷ đồng. Tôi chưa thấy rõ lợi ích nhóm trong giá điện hiện nay khi giá điện đang thấp hơn giá thành sản xuất.

Ngoài khoản lỗ của năm 2010, EVN đang nợ PVN và Vinacomin hơn 11 nghìn tỷ đồng nữa. Theo nguyên tắc, các lỗ này sẽ được hạch toán đương nhiên vào giá điện, trong các đợt tăng giá điện mới”- ông Vượng cho biết.

Tổng giám đốc EVN, ông Phạm Lê Thanh cho biết, nhờ kinh doanh khác cộng lại nên số lỗ năm 2010 của EVN giảm hơn 800 tỷ. Nếu tính cả khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá (lên tới 15.000 tỷ đồng trong năm 2010) vào giá thành thì mỗi 1 kWh điện bán ra hiện EVN bị lỗ 300 đồng. “Sắp tới, đặc biệt ở miền Nam, nếu không cấp tập đầu tư thì từ 2013 sẽ xảy ra thiếu điện nghiêm trọng do không thể chuyển tải điện vào. Chúng ta phải trả lại đúng giá điện thật của nó, đúng giá thị trường”- ông Thanh nói.

Thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành trong 2 năm tới

Về những ì xèo liên quan đến đầu tư ngoài ngành của EVN, ông Thanh cho biết, trước đây khi nhà nước thí điểm lập các tổng Cty sở hữu đa ngành, EVN có tham gia đầu tư vào một số ngành bên ngoài. Từ khi có Nghị quyết T.Ư 3, yêu cầu các tập đoàn, tổng Cty kinh doanh tập trung vào ngành chính, EVN đã có chương trình thoái vốn toàn bộ phần kinh doanh ngoài ngành. Trước mắt là việc rút vốn khỏi EVN Telecom và chuyển giao cho Viettel.

“Trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, chúng tôi cũng đang lập chương trình thoái vốn làm sao sớm nhất. Hi vọng 1-2 năm tới, về cơ bản sẽ thoái vốn xong. Về bất động sản thì EVN đầu tư rất ít” - ông Thanh nói.

Theo EVN, bình quân thu nhập của cán bộ công nhân viên ngành điện năm 2009 là 7,3 triệu đồng. Năm 2010, kinh doanh đạt hiệu quả thấp nên lương của cán bộ công nhân viên chỉ đạt 95% so với năm 2009.

Về các khoản nợ của PVN và Vinacomin, lãnh đạo EVN cho biết không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ do chỉ có mỗi kinh doanh điện. Nếu không tăng giá điện thì không biết trông vào nguồn nào để trả nợ. Cũng có ý kiến nói EVN bán bớt các toà nhà để trả nợ nhưng nếu bán rồi thì sang năm lấy gì bán nữa.

Một vấn đề khá nghiêm trọng, theo lãnh đạo ngành điện, là khâu truyền tải điện đang rất yếu và đang thiếu tiền nghiêm trọng. Năm 2012 nếu không đầu tư mạnh hơn thì cả nước đủ điện nhưng riêng Hà Nội sẽ thiếu điện. Tính toán cho thấy nếu tuyến đường dây Vân Trì - Chèm và trạm 220kV Thành Công - Hà Đông nếu không đóng điện trước 1-3-2012 thì Hà Nội sẽ bị cắt điện.

“Lỗi chậm đóng điện là do giải phóng mặt bằng chậm, sự vào cuộc của thành phố Hà Nội chậm. Hiện đường dây từ Sóc Sơn đi Vân Trì không có, đường dây từ Hà Đông đi Chèm cũng chưa có” - ông Thanh cho biết.

Thứ trưởng Vượng xác nhận việc chậm tiến độ các dự án cũng gây thiệt hại cho ngành điện. Nếu các dự án nhiệt điện than thực hiện đúng tiến độ, sẽ giảm được việc ngành điện phải chạy dầu giúp giá thành điện thấp đi. Các ban quản lý dự án của EVN, Bộ Công Thương và Chính phủ cũng nhìn thấy đây một điểm yếu, không chỉ là ở ngành điện mà ở công tác đầu tư xây dựng cơ bản.

“Thời gian tới, công tác quản lý dự án điện sẽ phải làm tốt hơn. Việc chậm hợp đồng có thưởng - phạt rõ ràng nhưng nếu phạt thì cũng không bù đắp được hết các thiệt hại do chậm tiến độ gây ra. Việc quan trọng nhất là chủ đầu tư phối hợp với nhà thầu”- ông Vượng nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.