Hà Nội: Cháy ở toà nhà cao nhất Việt Nam

Hà Nội: Cháy ở toà nhà cao nhất Việt Nam
TPO - Hồi 15h30 chiều nay, hoả hoạn đã xảy ra tại tòa nhà Keangnam. Trưởng CA huyện Từ Liêm Trần Đức Long cho biết, đám cháy đã được khống chế. Trao đổi với Tiền Phong Online về việc vì sao xe cứu hỏa không được vào hiện trường, ông Long nói : "Sẽ tìm hiểu và trả lời sau".

>> Chết 6 người tại tòa nhà cao nhất VN do chạy đua tiến độ?
>> Hà Nội: Cháy chung cư 18 tầng, 2 người chết

Hà Nội: Cháy ở toà nhà cao nhất Việt Nam ảnh 1
Khói bốc ra từ tầng 25 toà nhà Keangnam Ảnh: Vnexpress

Người chỉ huy chữa cháy là cảnh sát

Trong mọi trường hợp, người có chức vụ cao nhất của đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có mặt tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy.

(Điều 37, Luật Phòng cháy chữa cháy

Tại hiện trường khói đen bốc ra từ tầng 26 thuộc toà tháp thương mại 70 tầng, hiện tại đang thi công tới tầng thứ 35. Vụ hoả hoạn đã khiến cho giao thông trên đường Phạm Hùng trở nên hỗn loạn. Một số công nhận tại tầng 26 tụt xuống các tầng thấp hơn bằng dây cứu hộ.

Điều lạ là, hai chiếc xe cứu hoả của đội PCCC Từ Liêm được điều động tới ngay sau đó, xong không thể vào chữa cháy vì bảo vệ toà nhà kiên quyết không mở cửa. Rốt cục họ đành đứng ngoài nhìn... khói bốc cao.

Hà Nội: Cháy ở toà nhà cao nhất Việt Nam ảnh 2

Nỗ lực tiếp cận hiện trường của lực lượng cứu hoả bất thành. Ảnh : Dân trí

Hà Nội: Cháy ở toà nhà cao nhất Việt Nam ảnh 3

Các chiến sỹ cứu hoả đành ngồi chơi bên ngoài vì không thể vào được khu vực tòa nhà. Ảnh : Dân Trí.

Rất may tới 16 giờ 30 phút, khói đã không còn bốc ra từ toà nhà cao nhất VN nữa, hai chiếc xe cứu hoả được lệnh ra về.

Trưởng CA huyện Từ Liêm Trần Đức Long cho PV Tiền Phong Online biết, nguyên nhân ban đầu của vụ cháy có thể do lửa que hàn từ tầng 29 rơi xuống tầng 26.

Tuy nhiên chiến sĩ Phùng Tâm Long, nhân viên tổ Thông tin Phòng cháy chữa cháy (CA TP Hà Nội) lại cho hay: "Nguyên nhân ban đầu được xác định là do dân sử dụng lửa (?!). Tại hiện trường vụ cháy, một phần hệ thống bảo ôn đã bị hư hại, thiệt hại về tài sản không đáng kể, không có thiệt hại về người".

Nguyên nhân chính xác của vụ cháy tại tòa nhà cao nhất Việt Nam này, chúng tôi sẽ thông tin tới bạn đọc trong các bản tin tiếp theo. 

Cách đây 2 tuần, vụ cháy chung cư 18 tầng làm thiệt mạng hai mẹ con đã gây xôn xao dư luận, làm dấy lên lo ngại về khả năng PCCC trong các tòa nhà cao tầng tại thủ đô.

Đây là vụ cháy đầu tiên được ghi nhận tại toà nhà cao nhất Việt Nam đang xây dựng. Trước đó tại công trường này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động chết người, khiến cho nhiều người lo lắng về an toàn lao động tại đây.

Luật Phòng cháy và chữa cháy

Điều 33. Trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy

1. Người phát hiện thấy cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất và chữa cháy; cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân gần nơi cháy phải nhanh chóng thông tin và tham gia chữa cháy.

2. Lực lượng phòng cháy và chữa cháy khi nhận được tin báo cháy trong địa bàn được phân công quản lý hoặc nhận được lệnh điều động phải lập tức đến chữa cháy; trường hợp nhận được thông tin báo cháy ngoài địa bàn được phân công quản lý thì phải báo ngay cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy nơi xảy ra cháy, đồng thời phải báo cáo cấp trên của mình.

3. Các cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường đô thị, giao thông và các cơ quan hữu quan khác khi nhận được yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng điều động người và phương tiện đến nơi xảy ra cháy để phục vụ chữa cháy.

4. Lực lượng công an, dân quân, tự vệ có trách nhiệm tổ chức giữ gìn trật tự, bảo vệ khu vực chữa cháy và tham gia chữa cháy.

Điều 37.  Người chỉ huy chữa cháy

1. Trong mọi trường hợp, người có chức vụ cao nhất của đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có mặt tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG