Hà Lê - từ vũ công tới hát nhạc Trịnh

Phong cách bụi phủi đường phố của Hà Lê (cùng Phúc Bồ) khi chưa hát nhạc Trịnh Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc
Phong cách bụi phủi đường phố của Hà Lê (cùng Phúc Bồ) khi chưa hát nhạc Trịnh Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc
TP - Hà Lê xuất thân là một vũ công hip-hop. Gần đây anh chuyển sang làm ca sĩ, bước đầu khẳng định được cá tính riêng. Những tưởng anh sẽ sớm trở thành một thần tượng mới của giới trẻ nhưng Hà Lê lại chọn đường vòng. Anh bắt đầu hát lại những bài nhạc xưa, và mới đây công bố một dự án làm mới nhạc Trịnh triệt để và quy mô.

Hà Lê nói từ bé đã muốn trở thành ca sĩ hát nhạc Trịnh. Và ở thời điểm mơ ước ấy đang chín muồi, anh cảm thấy những bài hát của Trịnh Công Sơn như đang kể câu chuyện của chính mình. “Vì nhạc của bác quá đại chúng chăng”, anh phỏng đoán. “Nếu để nói có một thứ âm nhạc đại diện cho lối viết nhạc mới của người Việt Nam thì đó là nhạc Trịnh. Ông là người khởi điểm. Về sau này chúng ta có thêm Phú Quang, Thanh Tùng...”. Trong quan niệm của Hà Lê, di sản Trịnh Công Sơn để lại mang tinh thần đương đại tương tự Michael Jackson ở tầm quốc tế vậy(!).

“Tôi thấy tài năng ở dạng thô trong nước rất nhiều nhưng không có những hệ thống đào tạo để kích phát những tài năng đó một cách bài bản. Rất nhiều nghệ sĩ, vận động viên rất tài năng nhưng không thể đi theo giấc mơ của mình vì nhiều lý do khác nhau. Gia đình cấm cản thì các bạn không thể tiếp xúc với môn nghệ thuật đó từ bé. Với những người bình thường có thể không sao, nhưng với tài năng vượt trội, đấy là điều đáng tiếc.Hà Lê


Điều quan trọng là “bộ môn” Trịnh Công Sơn cung cấp cho hậu thế những khoảng trống, không gian để họ chơi lại theo ý mình. “Bọn tôi ở thời điểm này sẽ khai thác nhạc ở một khía cạnh, còn sau tôi 10-20 năm sẽ có lớp khác khai thác vẫn những bài hát ấy ở khía cạnh hoàn toàn khác khiến chúng tôi sẽ lại phải giật mình”. Hà Lê cho rằng đấy là một tiêu chuẩn mà những người sáng tác của thế hệ này nên đạt tới, tức là trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ sau.

Hà Lê hồi cấp 3 học chuyên Sinh, nghe lời bố mẹ định trở thành bác sĩ. Lớp 11 được sang Anh học rồi vào ĐH ngành Kinh tế cũng là theo định hướng về làm công ty của bố mẹ. “Học toán với kinh tế, tôi chỉ thấy mệt. Lúc biết đến nhảy, quan tâm lớn nhất của tôi là làm sao có tiền đi học nhảy. Lúc đấy bố mẹ cản dữ lắm, không nói chuyện với mình luôn. Mình lại càng muốn có thành tựu gì đấy để bố mẹ tin”.

Các bạn cùng nhóm nhảy nhận xét Hà Lê có năng khiếu, khuyên nên theo chuyên nghiệp. “Mình chưa hình dung ra được chuyên nghiệp như thế nào cho đến lúc theo một người bạn lên London, tôi học ở Nottingham. Tức là nó giống ở Huế mà đi lên Hà Nội...”. Tại đây, anh thực sự choáng ngợp với tòa nhà 4-5 tầng, bên trong có ba chục studio, mỗi cái dạy một phong cách nhảy riêng. Về Nottingham, Hà Lê sắp xếp thời gian để vừa đi học vừa làm thêm từ rửa bát đến phục vụ quán bar để có tiền bắt tàu lên London học nhảy tuần 2 buổi. Anh cũng tìm cách tham gia biểu diễn để thâm nhập thị trường nước bạn…

Cuối cùng ngoài bằng ĐH, Hà Lê có thêm một chuyên ngành nữa là biên đạo. Và đó mới là lĩnh vực lập nghiệp của anh khi về nước. Bắt đầu có thương hiệu trong nghề nhảy và biên đạo, tức là thành lập được một cộng đồng nhảy có chất và sống được bằng nghề, Hà Lê cảm thấy đã đến lúc sống giấc mơ đời mình: cầm mic vào năm 32 tuổi. “Tôi không theo một con đường đến cùng. Con đường tôi theo đến cùng là nghệ thuật. Còn sự thôi thúc vào thời điểm này là việc đi hát”, anh tuyên bố.

“Công việc đi dạy (nhảy) của tôi đang ổn định nhưng không có nhiều thử thách. Tôi còn nhiều điều ấp ủ với nhảy ở mức độ lớn hơn rất nhiều. Cho đến giờ, khi đã cầm mic được 3 năm tôi mới hiểu lý do vì sao ở thời điểm đó tôi phải tạm gác nhảy sang bên…”, Hà Lê chia sẻ. Tức là dự án anh ấp ủ đòi hỏi những kỹ năng chuyên sâu cả về hát và nhảy. Chưa biết mặt mũi dự án hoành tráng này ra sao nhưng trong 2-3 năm tới, Hà Lê và cộng sự sẽ dành trọn cho việc đương đại hóa nhạc Trịnh. Dự án Trịnh Contemporary sẽ làm mới nhạc Trịnh theo phong cách R&B, điện tử, tích hợp với nhiều nghệ thuật khác như múa, thời trang… và kết thúc bằng một dự án sân khấu hoành tráng theo kiểu nhạc kịch Broadway.

Để làm tốt vai trò cầm mic, Hà Lê cũng phải cắp sách đi học. “Trường tồn với nghề là cái tôi mong muốn. Chứ tôi không muốn làm ca sĩ 2-3 năm rồi tan biến như làn khói”, anh chia sẻ. “Thấy mình ở trong nhiều vai trò quá, mọi người sẽ đắn đo, so sánh. Nên tôi cũng sẽ phải luôn cố gắng chứng minh cho họ thấy không những mình có thể làm được mà còn có thể làm tốt, cống hiến được những giá trị của riêng mình”.

Gia đình bắt đầu chấp nhận trong nhà có một nghệ sĩ. Cách đây 5 năm, mẹ Hà Lê đã đi xem buổi diễn đầu tiên của con trai. “Cảm giác bố mẹ lúc nào cũng muốn tôi thất bại để sắp sẵn cho một chỗ. Nhưng mình chưa kịp thất bại ở chỗ kia thì đã chạy sang chỗ khác rồi”, Hà Lê cười. Mặc dù gia đình thuộc dạng có điều kiện nhưng anh khẳng định làm nghề là chuyện riêng, bản thân tự nỗ lực là chính.

Hà Lê không chỉ đam mê sân khấu mà yêu thích cả việc hậu trường. Cũng như ngoài gây dựng cho riêng mình, anh cũng muốn tạo lập bệ phóng cho thế hệ trẻ. Những hoài bão của anh giờ đây càng có cơ sở khi anh và Phúc Bồ (hai người khi hợp lại thành nhóm PB Nation) là hai nghệ sĩ đầu tiên. Cũng chỉ hai người, đến thời điểm này được Sony Music Việt Nam ký hợp đồng quản lý độc quyền trong 10 năm.

Hà Lê - từ vũ công tới hát nhạc Trịnh ảnh 1 Sau màn trình diễn Hạ trắng, MV Diễm xưa, tới đây phiên bản Mưa hồng Hà Lê kết hợp Bùi Lan Hương sẽ ra mắt đầu tháng 4. Album Trịnh Contemporary dự kiến trình làng tháng 9, kế đó là dự án phim ngắn, nhạc kịch sẽ hoàn tất dịp cuối năm. 
Ảnh: Lê Tuấn Anh
Mọi việc diễn ra khá tình cờ từ hơn 2 năm trước, khi PB Nation có dịp làm việc cùng Sony trong một dự án chuyển ngữ một bài hát sang tiếng Việt. Hai bên gặp nhau ở nhiều thứ và quyết định hợp tác. Hà Lê dù sao cũng đã tham gia thị trường châu Âu và hiểu rằng cần có một hệ thống đồng bộ như thế mới mong vực dậy thị trường Việt. Và Sony chính là nhà cung cấp.

“Thị trường Việt Nam còn non trẻ. Chúng ta cần đơn vị như vậy hỗ trợ để giúp cho hệ thống của Việt Nam được định hình. Khi thị trường Việt Nam phát triển, gia nhập cùng thế giới, nghệ sĩ Việt mới có thể cạnh tranh cùng nghệ sĩ nước ngoài ở những thị trường khác. Mình chỉ làm vua ở đây cũng có giá trị và thành tựu lớn nhưng chắc chắn không phải con đường dài của thị trường nhạc Việt”, Hà Lê nói. “Ước mơ của tôi là nghệ sĩ Việt được vinh danh ở các cuộc thi lớn, giải thưởng lớn trên thế giới. Muốn điều đó xảy ra, phải hành động từ bây giờ”.

“Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã làm rất tốt công việc của mình. Đó là đặt ra một nền tảng không phải về thị trường mà về mặt sáng tạo để lớp trẻ về sau tiếp tục làm mới và phát triển. Nhìn rộng ra thị trường âm nhạc- cái chúng ta cần làm chính là xây dựng nền tảng rất vững không phải cho riêng mình mà cho lớp lớp nghệ sĩ trẻ sau nữa”, Hà Lê nói.

MỚI - NÓNG