<FONT face=Tahoma><U>Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:</U></FONT>

Gượng dậy từ đổ nát

Gượng dậy từ đổ nát
TP - Nhiều khu vực ở miền Trung bị cơn bão dữ biến thành bình địa. Giữa dòng nước lũ bủa vây, đói khát, bệnh tật, những nạn nhân của trận bão lũ lịch sử vẫn gắng gượng đứng lên.

Những bà mẹ chọn chỗ khô ráo phơi sách cho con kịp đến trường. Những cụ già bới tìm, nhặt nhạnh trong đống hoang tàn những gì còn dùng được. Và khói nhà máy bắt đầu bốc cao…

Bão số 9 đã làm 99 người chết, 23 người mất tích, hơn 230 người bị thương; nhà sập, trôi 6.376 nhà; tốc mái, xiêu vẹo, ngập hơn 350.000 nhà.

Gượng dậy từ đổ nát ảnh 1
Người dân xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) thu nhặt đống đổ nát sau bão. Ảnh:TTXVN

TP Kon Tum: Bình địa

Sáng 1/10 theo chân các Tổ Thanh niên xung kích gồm gần 1.000 Đoàn viên, Thanh niên do Tỉnh Đoàn Kon Tum huy động từ các trường học đóng chân trên địa bàn thành phố Kon Tum về giúp dân khắc phục hậu quả do lũ bão gây ra, chúng tôi mới tận mắt chứng kiến sức tàn phá ghê gớm của “Thủy thần” ở phố cao nguyên này. Cả thành phố xác xơ sau lũ đến nỗi chúng tôi không nhận ra được những gì quen thuộc mới cách đây vài ngày.

Tại phía Nam cầu Đăk Bla, nơi hứng chịu nặng nề cơn thịnh nộ của lũ, bão số 9, suốt một đoạn quốc lộ 14 dài hàng nghìn mét lở loét, mương rãnh. Mấy chục ngôi nhà dân ở hai bên đường bị san phẳng, hàng trăm ngôi nhà bị bùn đất lấp ít nhất cũng 30cm.

Một chiếc lán dã chiến dựng lên, bên trong để hai quan tài của hai nạn nhân xấu số bị nước cuốn trôi mới tìm thấy xác là  chị Nguyễn Thị Huệ và con gái đầu lòng Phan Thị Bích Phượng học sinh lớp 7.

Cả đời làm thuê cuốc mướn trong sự nghèo khổ, khi đường Hồ Chí Minh mở rộng được bồi thường vài trăm triệu, chị đang làm nhà xây, cứ tưởng đổi đời, ai dè… Khi bị nước cuốn trôi chị Huệ ôm bọc tiền mấy trăm triệu vừa nhận, chưa kịp trả bớt cho chủ thầu xây dựng bây giờ thì tay trắng vẫn hoàn trắng tay.

Khu dân cư hai bên đường Trương Quang Trọng thuộc tổ 1, P.Quyết Thắng, TP.Kon Tum cả một khu dân cư với chừng 30-40 ngôi nhà sầm uất là thế mà chỉ trong chốc lát biến thành bình địa!

Chị Trương Thị Anh Phương (43 tuổi), nhà số 14 Trương Quang Trọng, đang gạt nước mắt phơi toàn bộ sách vở của hai đứa con bị ướt do lũ vào nhà đột ngột.

Đà Nẵng: Mất hàng tỷ đồng sau một đêm

Hai ngày sau khi bão tan, vợ chồng anh Phạm Dũng (thôn Quang Nam 1, xã Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng) vẫn chưa hết thẫn thờ trước khu rừng keo 40 ha của mình nay tan tác như đống củi vụn.

“Chỉ hơn tuần nữa là rừng keo sẽ thu hoạch. Hôm trước có người đến đặt mua với giá gần một tỷ đồng. Số tiền công khó, chắt chiu, bao vốn liếng dồn cả vào đó để có được. Cả gia đình chúng tôi đang tính với số tiền bán cây có thể trả nợ mấy trăm triệu cho ngân hàng, sắm sửa một số đồ dùng, lo cho các con ăn học. Giờ thì tan nát cả rồi”, vợ anh Dũng, chị Nguyễn Thị Hương rầu rĩ.

Gần chục hộ dân các thôn Quang Nam 1, Trường Định, Tân Ninh, Hiền Phước... đang canh tác các rừng keo chuẩn bị thu hoạch, cũng mất trắng như anh Dũng.

Ông Nguyễn Thu - Chủ tịch UBND xã Hoà Liên cho biết: “Chỉ tính riêng trên địa bàn toàn xã có hơn 200 ha rừng keo đang chuẩn bị sau thu hoạch. Người dân phải mất 3 - 4 năm chăm sóc mới có thể bán được keo, giờ hầu như mất trắng. Nhiều hộ dân sẽ đối mặt với tình trạng rơi vào hộ nghèo sau đợt mưa lũ này”.

Theo con đường độc đạo, gập ghềnh sạt lở do bão lũ, nối từ đường tránh Hầm Hải Vân - Túy Loan lên xã Hoà Liên, chúng tôi cố gắng tìm cách tiếp cận được với thôn Trường Định.

Gượng dậy từ đổ nát ảnh 2
Người dân thành phố Kon Tum thu dọn đống đổ nát. Ảnh: Huỳnh Kiên

Hoang tàn Cẩm Kim

Cẩm Kim bị cô lập giữa sông Hoài và sông Thu Bồn, hàng trăm hộ dân của năm thôn đã bị chìm trong biển nước từ chiều 28/9. Khi chúng tôi vượt sóng đem cơm, mỳ tôm vào, người dân vẫn đang đói lạnh giữa nước xiết.

Giữa biển nước mênh mông, ngôi nhà vợ chồng ông Trần Tám, bà Phạm Thị Sử (tổ 17 – thôn Trung Châu) xiêu vẹo, như chờ chực bị lũ cuốn trôi bất cứ lúc nào. Nhận gói cơm, ông Tám rưng rưng: Mấy ngày liền nhai gạo sống, mỳ tôm cầm hơi. Nay mới có được hạt cơm”.

Cùng chúng tôi chèo thuyền đưa cơm cho người dân các thôn, ông Huỳnh Kim Sinh - Chủ tịch xã Cẩm Kim, nói: Cẩm Kim bị ngập hoàn toàn từ mấy ngày nay. 1.086 ngôi nhà bây giờ vẫn còn chìm trong biển nước. Gần 4,5 ngàn người dân đang chịu đói. Nhưng xã biết làm gì bây giờ? Qua trụ sở UBND xã, địa điểm này bình thường là nơi cao ráo nhất, nhưng giờ cũng đang bị chìm sâu.

Thông tin nóng dồn dập qua điện thoại ông Huỳnh Kim Sinh, một sản phụ tên Huỳnh Thị Yến Ngọc (thôn Trung Hòa) đang vượt cạn giữa lũ, cần được cấp cứu gấp. Hơn 30 phút lo lắng, cuối cùng. Sản phụ vượt cạn thành công giữa lũ.

Thanh Hóa: Nguy cơ dịch bệnh

Ngày 1/10, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá) cho biết: Do ảnh hưởng của đợt mưa, lũ vừa qua,  ở một số xã đã xuất hiện các bệnh nhân có triệu chứng rối loạn tiêu hoá hoặc bệnh ngoài da do sử dụng nước sinh hoạt không đảm bảo.

KKT Dung Quất thiệt hại trên 250 tỷ đồng

Ông Nguyễn Tư, GĐ Điện Lực Quảng Ngãi cho biết, đến sáng ngày 1/10 đã cung cấp đủ lượng điện để NMLD Dung Quất hoạt động 30% công suất và sau đó là 60% công suất.

Ông Võ Tiến Dũng, Phó trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất cho biết, hiện nay các doanh nghiệp trong khu kinh tế chưa thể trở lại hoạt động do bão số 9 gây thiệt hại quá nặng, trên 250 tỷ đồng, nặng nhất là Cty TNHH tàu thủy Dung Quất.

Bình Thuận trích Quỹ cứu trợ của tỉnh 300 triệu đồng ủng hộ 10 tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng nhất. Quảng Trị tổ chức cứu trợ 150.000 gói mì tôm và xử lý khẩn cấp 10.000 tấn gạo.

Hơn 300 sinh viên Đại học Huế, ĐVTN Công an tỉnh TT-Huế phối hợp tuổi trẻ Đoàn cơ sở đồng loạt ra quân làm vệ sinh hàng trăm phòng học các trường tiểu học, mầm non vừa ngập lụt sâu tại thành phố Huế.

Thành đoàn, Hội liên hiệp Thanh niên, Hội Doanh nghiệp trẻ thành phố  Cần Thơ ủng hộ bảy triệu đồng, 10 tấn gạo, 1.000 thùng mì gói, 1.000 cơ số thuốc.

UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành quyết định hợ trợ đột xuất cho các hộ gia đình bị thiệt hại do bão số 9 gây ra. Theo đó, hộ có người chết, mất tích là 3.000.000đồng/ người; hộ có người bị thương phải vào viện 1.500.000đồng/người; hộ có nhà bị sập, trôi 5.000.000 đồng/hộ; hộ có nhà đang ở bị tốc mái hoàn toàn, hỗ trợ tối đa không quá 2.000.000 đồng/hộ; hộ có nhà đang ở bị tốc mái một phần, hỗ trợ tối đa không quá 500.000 đồng/hộ.

Ghe máy 500.000 đồng/chiếc; tàu công suất dưới 22CV 1.000.000 đồng/chiếc; tàu công suất từ 23CV-45CV 1.500.000 đồng/chiếc; tàu công suất từ 46CV- 90CV 2.000.000 đồng/chiếc; tàu công suất trên 90CV 3.000.000 đồng/chiếc.

Cán bộ, công chức cơ quan Ngân hàng Nhà nước đã ủng hộ  số tiền ủng hộ ban đầu là 120 triệu đồng. CBCNV Bộ Tài chính ủng hộ trên 200 triệu đồng. Vietinbank quyên góp ban đầu được 473 triệu đồng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Dốc toàn lực để cứu trợ

Tại cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh miền Trung chỉ đạo công tác khắc phục bão số 9 chiều qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo dốc toàn lực cứu trợ dân tại những vùng bị cô lập.

Thủ tướng chỉ đạo, việc cần kíp trước mắt bây giờ là hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, hỗ trợ những gia đình có người chết.

Thêm nữa, cần nhanh chóng dốc toàn lực tìm kiếm những người mất tích trong lũ, hiện còn 18 người. Ngoài ra, các địa phương cần nhanh chóng kết nối liên lạc đến 13 xã tại Kon Tum còn bị cô lập, mất liên lạc; Dồn sức khôi phục hệ thống  trường học, trạm y tế…

“Phải nhanh chóng biết được tình hình của dân ở những vùng bị cô lập hiện nay như thế nào, thiếu đói ra sao để nhanh chóng cứu trợ. Khi đã kết nối được, cần phải dốc toàn bộ khả năng có thể, bằng đường bộ, đường thủy hay thậm chí trực thăng” - Thủ tướng chỉ đạo.

Tại cuộc họp, các địa phương kiến nghị Chính phủ hỗ trợ hơn 24 ngàn tấn gạo; 650 tấn giống các loại; 100 cơ số thuốc; thuyền máy, phao bè cứu sinh, nhà bạt; 828 tỷ đồng; ... Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị trên, đồng thời lưu ý cho tạm ứng gấp đôi số tiền đã đề nghị hỗ trợ mà Ban chỉ đạo PCBL Trung ương đưa ra là 230 tỷ đồng thành 460 tỷ đồng; gấp đôi số gạo đề nghị hỗ trợ là 24 tấn gạo thành 48 tấn.

Cả nước hướng về miền Trung

Hôm qua, T.Ư Đoàn tổ chức lễ quyên góp ủng hộ đồng bào vùng bão lũ. Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn - Võ Văn Thưởng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn - Lâm Phương Thanh, Bí thư T.Ư Đoàn - Nguyễn Hoàng Hiệp đã dẫn đầu đoàn quyên góp bỏ bì thư ủng hộ đồng bào.

Buổi lễ quyên góp được 115 triệu đồng. Trong đó một số đơn vị như: Báo Tiền Phong hơn 21 triệu đồng, NXB Kim Đồng 13 triệu đồng, Cty Davit 15 triệu đồng, Trung tâm du lịch Thanh Niên 8,7 triệu đồng, học viện Thanh thiếu Niên 6,5 triệu đồng…

Sáng 1/10, Ban Thường vụ Đoàn khối các cơ quan T.Ư phát động trong toàn đoàn tham gia hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ. Ban Thường vụ Đoàn Khối kêu gọi toàn thể cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong Khối quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung - Tây Nguyên bằng quần áo, sách, vở, lương thực, thực phẩm và tiền, góp phần giúp đỡ đồng bào vùng bão lũ sớm ổn định cuộc sống.

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
TPO - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý 1, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1,03 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có hơn 275.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.