Gượng dậy sau dịch bệnh

Xe buýt Hà Nội sau dịch đang vận chuyển khoảng 1 triệu lượt hành khách/ngày
Xe buýt Hà Nội sau dịch đang vận chuyển khoảng 1 triệu lượt hành khách/ngày
TP - Được hoạt động trở lại với 100% tần suất nhưng lưu lượng khách đi xe buýt vẫn chưa bằng thời điểm trước khi xảy ra dịch. Với vai trò chủ công, Transerco đang vượt khó để đảm bảo vận chuyển được hơn 1 triệu lượt khách/ngày.     

Là đơn vị chủ công trong lĩnh vực hoạt động xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội, sau hơn 1 tháng dừng hoạt động, từ ngày 4/5 tất cả 14 tuyến buýt của Xí nghiệp xe buýt Hà Nội (Transerco) đã trở lại hoạt động bình thường. Nói về việc này, ông Trần Văn Đông, Giám đốc Xí nghiệp xe buýt Hà Nội cho biết: So với các lần huy động xe ra tuyến trước đây, chưa có lần nào khó khăn và áp lực như lần này.

 Từ 7/5, toàn bộ xe buýt trên địa bàn thành phố được dỡ bõ giãn cách xã hội, được chuyên chở đủ 100% công suất, tuy nhiên, so sánh lượng khách trước thời điểm xảy ra dịch với hiện nay, lưu lượng vận chuyển hàng ngày trên các tuyến vẫn chưa bằng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch, dịch vụ xây dựng Bảo Yến - đơn vị đang có 13 tuyến buýt nội đô trên địa bàn Hà Nội cũng cho biết nguyên nhân khách chưa đạt “ngưỡng” như thời gian trước Tết: một số trường ĐH-CĐ học sinh chưa đi học. Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch nên tâm lý người dân vẫn hạn chế đi vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) khi không cần thiết.

Chuyên chở 1 triệu lượt hành khách/ngày

Ông Ngô Xuân Phú, Phó Tổng giám đốc, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) - đơn vị đang đảm nhiệm 80% lượt, tuyến buýt hoạt động tại Hà Nội cho biết, khi dịch Covid-19 xảy ra, ngay từ đầu năm nhiều lĩnh vực kinh doanh của Tổng công ty bị tác động và đến cuối tháng 3/2020 hoạt động buýt bắt đầu bị cắt giảm đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản suất kinh doanh, thu nhập của người lao động.

Tổng công ty đã giảm từ 20 - 40% lương cấp lãnh đạo quản lý Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc. Khi dừng toàn bộ hoạt động trong tháng 4/2020, Tổng công ty rất khó khăn, trong khi không có doanh thu nhưng vẫn phải có các chi phí cố định, lãi vay và chi trả lương để giữ chân người lao động đảm bảo đủ nguồn nhân lực sẵn sàng khôi phục hoạt động. Với đặc thù đơn vị quản lý nhiều lao động, khoảng 6.000 lao động trực tiếp thuộc lĩnh vực buýt, đây là một thách thức rất lớn đối với Tổng công ty.

Đánh giá về lượng khách đi xe buýt sau dịch những ngày qua, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, tuy xe buýt được hoạt động 100% công suất trở lại nhưng lượng khách so với thời điểm trước Tết Nguyên đán vẫn giảm 10 đến 20%. Cụ thể, nếu trước đây mỗi ngày xe buýt chuyên chở được khoảng 1,3 đến 1,5 triệu lượt hành khách/ngày thì nay con số này từ 800.000 đến 1 triệu lượt hành khách/ngày.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.