Ký ức núi Dàng
Anh lính Ronald L. Haeberle, người tiểu bang Ohio (Mỹ) rất thích nhìn thấy hình ảnh núi Dàng, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đứng trên đỉnh núi nhìn thấy biển thật gần dẫn tới bãi đáp cho tàu chở hàng tiếp vụ cập bến Phổ Vinh. Năm 1967, ông có mặt tại nơi chảo lửa đang nóng lên từng ngày này. Nóng bỏng nhất là chiến dịch Rolling Thunder, cho phi cơ săn xe chở hàng dọc tuyến đường Trường Sơn và kết cục là 272 máy bay bị bắn rơi, hàng trăm phi công Mỹ bỏ mạng.
Núi Dàng, thị xã Đức Phổ là nơi có khá nhiều cụm đóng quân: LZ Liz, Bronco, Montezuma, Dàng và lớn nhất là sân bay dã chiến Gò Hội. Lần nào trở lại Việt Nam, Ronald cũng đến thăm ngọn núi giờ đã xanh rì bóng cây, chỉ còn thấp thoáng bóng chiếc lô cốt nằm trên đỉnh núi. Đơn vị gây ra vụ thảm sát Mỹ Lai (sau này là làng Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi bây giờ) sát hại một lúc 504 thường dân vô tội buổi sáng ngày 16/3/1968 là Đại đội Charlie, thuộc Tiểu đoàn số 1, Trung đoàn bộ binh số 20 đóng quân tại huyện Đức Phổ, nơi Ronald can dự trong vai trò phóng viên quân đội.
“Tôi thành thật xin lỗi”
Việc ông Ronald Haeberle ký thỏa thuận giao vô thời hạn bộ ảnh lịch sử vụ thảm sát để Khu chứng tích Sơn Mỹ sử dụng được báo chí dành nhiều lời khen tặng. Nhưng nếu tiếp xúc thì sẽ nhận ra, trong lòng ông vẫn còn ngổn ngang những nỗi buồn chiến tranh. Tôi đưa ảnh một cô gái dưới chân núi Dàng từng quen biết, sau đó có con với một người lính Mỹ. Nhiều năm sau người lính này vẫn tìm lại nhưng bà không dám gặp. Ronald khi nghe kể lập tức tỏ ra hối hận và nói “thành thật xin lỗi bà ấy”.
Ronald từng chia sẻ với tôi vài bức ảnh cuộc sống của người dân trong khu dồn Đức Phổ. Đó là những đứa trẻ có ánh mắt khao khát, có đứa nở nụ cười vì được nhận kẹo. Rất nhiều bức ảnh về khuôn mặt trẻ em, những người đàn bà hiện ra sau hàng rào kẽm gai. Nhìn những bức ảnh có thể nhận ra, người lính cầm máy ảnh, cầm bút Ronald đã cảm nhận được nỗi thống khổ của người dân Việt Nam trong chiến tranh.
Nơi Ronald đóng quân nằm đối diện với một cánh đồng lúa xanh tốt. Cứ 5 giờ chiều, người dân lại vội vã kéo nhau về khu dồn, cuộc sống diễn ra giữa những hàng rào dây thép gai, sáng sớm bà con lại mang cơm, củ đi xuống cánh đồng để cày cấy. Thỉnh thoảng lại có người nông dân gục ngã giữa đồng vì những viên đạn của bọn lính từ trên núi bắn vu vơ xuống cánh đồng.
Tấm lòng Ronald
Ngày 8/3 vừa rồi, Ronald ký thỏa thuận với UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ trao quyền sử dụng vô thời hạn bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai cho Khu chứng tích Sơn Mỹ, trong đó có sự thống nhất nội dung chú thích các bức ảnh. Để khi ông qua đời thì tên tuổi của chứng nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ sẽ còn ở lại mãi, là tiếng chuông cảnh tỉnh nhân loại đừng bao giờ lặp lại sai lầm. Trong vụ thảm sát cách đây tròn 55 năm, ông đã chụp 60 bức ảnh, gồm 40 ảnh trắng đen, 20 ảnh màu - những bức ảnh lịch sử chấn động, đưa vụ thảm sát ra trước công luận thế giới.
Năm 2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, chương trình từ thiện Nối Vòng Tay Việt đã đề nghị và được Ronald đồng ý đứng tên ở một số chuyến hàng gửi vào ủng hộ cho bà con TPHCM. Những kiện hàng mang tên ông đã có mặt tại báo Công an TPHCM, Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, Bệnh viện Nhi đồng 2… Ronald chia sẻ: “Tôi rất cảm động khi được đồng hành lúc người dân Việt Nam gặp khó khăn, thời gian tới nếu về Việt Nam, tôi sẽ huy động thêm để tặng cho trẻ em ở làng Sơn Mỹ”.
Từ ngày 30/9/2022, Ronald cùng thiết lập dự án Renew, mở kênh kêu gọi hỗ trợ cho các nạn nhân bom, mìn Việt Nam. Địa chỉ quyên góp đặt tại số 101, Đại lộ Hiến pháp, thủ đô Washington DC. Dự án này nêu rõ: “Những người bạn của Dự án Renew là một tổ chức hoàn toàn tình nguyện và không có nhân viên được trả lương. Chúng tôi cố gắng giữ chi phí quản lý ở mức thấp nhất có thể để đảm bảo với các nhà tài trợ rằng món quà của họ sẽ có tác dụng tối đa trên thực tế tại Việt Nam”.