GS.TS Trần Quang Hải: Nhạc Việt là từ tim

GS.TS Trần Quang Hải: Nhạc Việt là từ tim
TP - Trong dịp nhà dân tộc nhạc học - GS.TS Trần Quang Hải về Việt Nam điền dã chuẩn bị cho hồ sơ di sản hát xoan đệ trình UNESCO, Tiền phong có cuộc trò chuyện cùng ông về di sản và những gì thật sự là âm nhạc Việt Nam.

Công tác tại Bảo tàng Con Người (Pháp) từ 1968 đến nay, Trần Quang Hải nghiên cứu chuyên sâu về kỹ thuật giọng hát.

GS.TS Trần Quang Hải: Nhạc Việt là từ tim ảnh 1
Nhạc sĩ Trần Quang Hải trên đường phố cổ Hà Nội  - Ảnh: N.M.Hà


Ông có thể nói rõ về công việc đo tần số các bài quan họ của anh trong quá trình xây dựng hồ sơ quan họ trình UNESCO?

Tôi thể hiện trên máy tính kỹ thuật (rền, vang, nảy, luyến láy) của giọng hát. Như thế nào được cho là con kiến, là giọng tốt, giọng hay - mình đo để xác nhận. Trong đồ hình, cái lằn chính là âm chủ. Phía trên là những bồi âm. Giọng hát được luyện tốt có nhiều bồi âm.

Sau khi đo đạc, ông nhận xét gì về sự đặc sắc của quan họ? Nếu tư duy theo hình thức thì thấy loại hình âm nhạc này rất đơn giản. Chỉ có hai giọng mà hát y như nhau.

Cái đó mới khó! Hát hai giọng mà sao nghe thành một giọng mới đi tới chỗ tuyệt đỉnh. Làm sao nghe không phân biệt được hai người.

Hai người phải lựa nhau, phải ăn khớp: Một giọng dẫn, một giọng luồn. Giọng luồn đi theo chỉ chậm chừng 1/10 giây thôi. Khi hát phải nhìn nhau. Vậy mới phải ngủ bọn, kết nghĩa.

Đã thành cặp là chỉ hát với người đó thôi, cả mấy chục năm luôn. Cái đó là đặc trưng của quan họ, không nơi nào có. Quan họ hay ở chỗ người nào hát giỏi làm anh, không phải lớn tuổi làm anh như trong hát xoan.

Nếu hai người hát để ra hiệu quả như một người, vậy tại sao không đơn ca luôn?

Hát một mình giọng mỏng. Hai người giọng dày, vang hơn. Trong hợp xướng, lựa tới 10 người hát giọng tenor, 10 người hát giọng soprano… Vậy giọng mới vang to hơn nữa.

Hát hai giọng cường độ phải giống nhau, đừng giọng nào lấn át giọng nào. Cái đó khó lắm, phải luyện.

Hay mình cũng thử cho hơn hai người cùng hát quan họ?

Nếu thế nó lại đi đến chỗ không cần luyện kỹ thuật cho tốt nữa. Mà không chỉ hát không, quan họ phải tức hứng. Làm sao 10 người hát tức hứng được.

Khi canh hát đi tới chỗ giọng vặt, bắt đầu giai đoạn khó. Khi bên kia hát một bài, mình phải tìm cách đối về nhạc và lời. Sáng tác hai cái cùng một lúc rất khó.

Truyền thống quan họ có đặc trưng mỗi lần gặp nhau đẻ ra một số bài mới, tới hôm nay có hàng trăm bài mới. Chưa truyền thống nào có. Trống quân, Cò lả có một điệu thôi, chỉ chế lời.

Truyền thống quan họ dần mai một đi. Người hát không cần luyện giọng nữa mà đem mấy cô thanh nhạc trong nhạc viện ra hát quan họ. Quan họ cải biên có hòa âm, có dàn nhạc vào. Cái đó là đi sai đường.

Có thể coi việc hát đơn hoặc hát tốp cùng ban nhạc là một sự phát triển đi lên của quan họ?

Cái đó là đi xuống! Là anh vọng ngoại, bắt chước Tây phương. Truyền thống, quan họ làm gì có hòa âm. Hòa âm là của Tây phương. Nhạc Việt Nam là đơn âm, đơn điệu.

Hòa tấu nhạc cụ truyền thống của ta tạo ra nhạc đa âm chứ không phải nhạc hòa âm. Tức dựa trên một âm giai ngũ cung (điệu), mình chơi tất cả những nốt mà không cần biết nó (tạo ra) quãng mấy, mình nghe khoái lỗ tai thôi.

Ví dụ bây giờ anh vô trong Nam đàn nhạc tài tử, nếu đàn dây Bắc, thì anh phải biết chơi hò xừ xang xê công líu, chứ hò xư xang xê công liu - qua điệu Oán rồi.

Thoái bộ chứ không phải tiến bộ

Nhưng nếu có người nói rằng như thế mới là hội nhập quốc tế, tiếp thu văn minh nhân loại làm giàu cho văn hóa nghệ thuật của mình thì sao?

Có nhiều cách làm giàu cho văn hóa. Anh phải lấy những gì hợp với truyền thống VN. Cho nó đổi màu sắc đi trong tinh thần VN. Đó là anh tiến bộ.

Bây giờ nếu anh cho rằng phải Tây phương hóa mới tiến bộ là sai. Ai làm nhạc mới, nhạc nhẹ, nhạc tiêu khiển, cứ việc. Nhưng không thể nói đó là sự khai triển của truyền thống.

Tức là truyền thống quan họ ngừng ngay chỗ đó. Mấy người khác rút bài quan họ ra muốn làm gì thì làm nhưng đó là nhạc mới, không thể nói đó là quan họ.

Giả sử chế ca trù ra hát thành bè, hoặc có đàn đáy không buồn quá, giờ cho đàn tranh vào, thổi sáo vào. Cái đó không phải làm giàu mà là làm hại, làm mất đi giá trị đặc thù trong ca trù mà thế giới không có. Làm sao phát triển không đi ngược tinh thần dân tộc. Còn không là thoái bộ chứ không phải tiến bộ.

Hơi giống trường hợp đẽo phím ghi ta bắt nó đàn theo ngũ cung của mình?

Trong dàn nhạc cải lương tài tử miền Nam có 3 cây đàn của Tây phương hội nhập vào là ghi ta phím lõm có 6 dây, lời hơn, giống như đờn 3 cây đàn nguyệt; cây violon thay thế cho 2 cây đàn nhị; và ghi ta Hawaii. Từ ghi ta phím lõm đi tới ghi ta điện - chạy chữ rất mau không cần lõm phím nữa.

Những nhạc cụ như trompet, piano, tam thập lục… âm thanh cố định, không đàn nhạc của ta được.

Ông đánh giá thế nào về việc giao hưởng hóa dàn nhạc dân tộc trong nước gần đây?

Cái đó là đem nhạc cụ truyền thống phục vụ nhạc Tây phương. Cũng là một kiểu dàn nhạc giao hưởng, thay vì toàn nhạc cụ phương Tây thì cho nhạc cụ Á châu vào, bắt phải đàn đúng theo nốt ghi trên bản nhạc. 

Để ý ban nhạc 12 cô gái Trung Quốc chơi nhạc cụ dân tộc, phía sau organ rầm rầm. Cái đó để giải trí. Vì vấn đề kinh tế, họ phải bỏ nhạc cổ truyền.

Giờ VN cũng có mấy nhóm bắt chước. Tưởng là mình cấp tiến. Không có. Cái đó là thoái bộ.

Người ta nghe mà người ta cười chứ không phải thấy thấm thía trong lòng. Tại mấy người đó đàn theo kiểu trong đầu chứ không phải trong tim. Nhạc VN là đàn tim chứ không phải đầu.

Cải biên cũng không có gì xấu, nhưng bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ vốn cổ phải có. Phải có cái cổ mới đẻ ra được cái mới. Nếu còn rễ, cây âm nhạc vẫn mọc tươi tốt. Giờ mình đốn, mình ghép này kia thì nó đẻ ra những loại cây khác, không còn là cây VN.

Cây bonsai cũng muốn sống vậy mà bị người ta bẻ tới bẻ lui theo ý của người ta, thành ra nó bị tàn phế. Mình thấy nó đẹp, chứ thực ra nó đau khổ lắm. (cười)

Phải học để thấy

Ông có cách gì để giới trẻ hôm nay quay về với nhạc truyền thống?

Đừng bao giờ bắt nó phải trở về nguồn. Gọi là giải thích để nó lần lần tự ý thức quay trở về, khi đó truyền thống mới mạnh. Khi mình bắt buộc sẽ có sự phản ứng ngược.

Lấy thí dụ con gái tôi sinh ra trong gia đình âm nhạc. Hồi nhỏ cho nó nghe nhạc VN, không nghe. Cho vô nhạc viện học piano, không học.

Lớn chút xíu bắt đầu nó nghe nhạc, tự nhiên nó quen. Tôi lỡ đàn sai nó biết liền. Nó không thích đi vào dân tộc nhạc học, bảo có ông nội giỏi quá ba giỏi quá con đi vào trong đó làm gì.

Khi nó đậu tú tài rồi hỏi con muốn học gì, có đi nghiên cứu âm nhạc không. Con muốn học kiến trúc. Rồi. Đi. Trên đường đi ngang qua ĐH Âm nhạc Sorbone, tự nhiên nó quẹo vô ghi tên học âm nhạc học. Tự nhiên nó ý thức. Nó đậu thạc sĩ về âm nhạc.

Âm nhạc cổ truyền cần đưa vào giáo dục phổ thông. Chương trình dài 6 - 7 năm, mỗi năm học một chút. Hết trình độ phổ thông thì trong đời của những đứa trẻ VN thế hệ mới có được hình ảnh âm nhạc VN là thế nào.

Tôi đi khắp nơi trên thế giới, hỏi những đứa trẻ VN về âm nhạc VN - chỉ biết đàn bầu, đàn tranh, hát vọng cổ. Hết. Ca trù là gì không hiểu.

Khi ca trù được liệt kê vào danh sách của UNESCO, mấy người già cũng chỉ vui được hát, được nghe thôi. Lợi không có. Nhiều khi những người đó phải xuất tiền túi ra đi hát.

Trong khi lẽ ra chính phủ phải cho tiền cho họ đi, thưởng tiền khi họ hát, phải trợ cấp những nghệ nhân lớn tuổi. Mỗi tháng cho họ hai triệu đồng đi. Tính ra có chục người à. Mỗi năm chi có 300 triệu đồng - còn ít hơn tổ chức cuộc hội thảo mấy tỉ bạc.

Dường như muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhạc cổ truyền, buộc phải học để thấy?

Đúng thế. Muốn nghe cồng chiêng, người đó phải có ý thức về truyền thống cồng chiêng. Chỉ nghe với tư cách người thưởng thức âm nhạc thì nó cũng không có gì lạ.

Nghệ nhân nhạc cổ truyền ở làng chưa bao giờ nghe nhạc giao hưởng, giờ dẫn đi nghe, họ sẽ bảo ồn quá. Tại họ không nghe thấy giai điệu.  Rồi họ thấy một nhóm nhạc công ngồi không: Ủa mấy người này có phải nhạc sĩ chuyên nghiệp không. Chuyên nghiệp tại sao cần ông gì điều khiển. Nếu thực sự chuyên nghiệp tự họ đàn được rồi đâu cần phải có ông này...

Nghe nhạc cũng phải được giáo dục. Thí dụ bây giờ muốn nghe cồng chiêng phải gặp nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền. Hiền sẽ giải thích cồng đánh thế nào, chiêng thế nào, cho nghe băng, giải thích cho bạn chỗ nào hay. Sự hấp thụ bài nhạc sẽ khác.

Mấy nhạc sĩ Ấn Độ qua Pháp gọi kiếm tôi. Tại họ cần người biết nghe, biết khen đúng chỗ. Tôi học cả năm trời nhạc Ấn Độ, đi nghe mấy trăm buổi hòa nhạc. Tôi hát, đàn luôn nhạc Ấn Độ.

Khi nào hát được, đàn được, bạn mới thấm nhuần cấu trúc của bài nhạc. Thì khi bạn biết cấu trúc của cồng chiêng, bạn rất sung sướng, thấy nó quá phong phú.

Trong hồ sơ hát xoan trình UNESCO tới đây, ông sẽ tiếp tục đo tần số âm thanh hát xoan?

Bây giờ tôi chưa đo gì hết. Trước khi đi sâu vào vấn đề, mình phải có tất cả tài liệu. Việc này cần sự phối hợp tập thể, tôi chỉ đưa ra phương pháp nghiên cứu, làm việc.

Trình diễn trên 3.000 buổi tại 65 quốc gia, tham gia 130 đại hội liên hoan quốc tế nhạc truyền thống, giảng dạy tại hơn 120 trường đại học, sáng tác nhạc hơn 400 bản nhạc cho đàn tranh, đàn môi, muỗng, hát đồng song thanh, nhạc tùy hứng, đương đại.

Đã thực hiện 23 đĩa nhạc truyền thống Việt Nam, viết ba quyển sách, làm 4 DVD, 3 phim và hội viên của trên 20 hội nghiên cứu thế giới.

Con đường nghiên cứu của tôi nhắm về sự giao lưu các loại nhạc cổ truyền tạo thành loại nhạc thế giới (world music), pha trộn nhạc tùy hứng, jazz, đương đại với nhiều loại nhạc khí và kỹ thuật giọng hát để tạo thành một loại nhạc hoàn toàn mới lạ.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.