GS.TS Nguyễn Văn Lợi: Cải tiến "Giáo dục" thành "Záo Zụk", tôi không tán thành

GS Nguyễn Văn Lợi (hàng dưới cùng) cùng trao đổi với chuyên gia nước ngoài nhân việc bàn về phần mềm soạn thảo Từ điển tiếng Việt
GS Nguyễn Văn Lợi (hàng dưới cùng) cùng trao đổi với chuyên gia nước ngoài nhân việc bàn về phần mềm soạn thảo Từ điển tiếng Việt
TPO - GS.TS Nguyễn Văn Lợi, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, những cải tiến của PGS Bùi Hiền đưa ra không có cơ sở khoa học, đặc biệt nó vi phạm nguyên tắc tiện lợi trong vấn đề tiếp nhận.

Trao đổi với Tiền Phong về ý tưởng cải tiến chữ viết thành "záo zụk", "Tiếq Việt" của PGS.TS Bùi Hiền, GS-TS Nguyễn Văn Lợi- Nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, cải tiến chữ quốc ngữ cần tính đến nhiều yếu tố khác nhất là một hệ thống chữ đã ổn định như thế này. 

Vấn đề cải cách chữ viết rất phức tạp

Với ý tưởng của PGS Bùi Hiền, nếu cải tiến chữ tiếng Việt như vậy thì vướng mắc những gì về mặt ngữ âm chứ chưa nói đến khía cạnh xã hội khác, thưa GS?

GS-TS Nguyễn Văn Lợi: Vấn đề chữ viết của dân tộc, cải tiến chữ viết có nguyên tắc và tiêu chuẩn riêng. Có nguyên tắc về ngôn ngữ học, có nguyên tắc về tâm lý sư phạm, nguyên tắc về thẩm mỹ nhưng tiêu chuẩn quan trọng nhất về mặt ngôn ngữ học tức là phải phản ánh được đầy đủ hệ thống âm vị của ngôn ngữ. Nguyên tắc là mỗi âm vị phải được ghi một kí tự và mỗi một kí tự phản ánh cho một âm vị.  Còn các nguyên tắc khác như về tâm lý sư phạm là nguyên tắc nữa là dễ hiểu, dễ nhớ và dễ viết. Trong nhiều nguyên tắc thì có hai nguyên tắc rất quan trọng là như thế.

Hệ thống chữ viết của PGS Bùi Hiền đưa ra có những vấn đề sử dụng chữ “c/k/q” hay “ng” hay “ngh”- nó là những thiếu sót của chữ quốc ngữ  (có thể tạm gọi như vậy- PV). Nhưng nó có lí do khi ở thế kỉ 17 những người làm chữ quốc ngữ bị ảnh hưởng của chữ Bồ Đào Nha cho nên viết vậy, đấy là những cái hạn chế của chữ quốc ngữ và người ta thấy từ lâu rồi.

Từ năm 1960 hội nghị về chữ quốc ngữ ở Miền Bắc, nhiều người đề nghị cải tiến nhưng chúng ta còn tính đến nhiều yếu tố khác nhất là một hệ thống chữ đã ổn định như là chữ quốc ngữ. 

Vậy theo GS, đề xuất của PGS Bùi Hiền dựa trên cơ sở khoa học hay quy luật nào nếu nhìn từ lịch sử hình thành chữ quốc ngữ không?

Cải tiến của PGS Bùi Hiền không có cơ sở khoa học, đặc biệt nó vi phạm nguyên tắc tiện lợi trong vấn đề tiếp nhận. Bởi vì, quy tắc làm chữ quốc ngữ là có nguyên tắc về mặt sư phạm, về mặt tâm lý ngôn ngữ hay về mặt tiếp nhận một hệ thống ngữ âm là nghe bằng tai và khi tiếp nhận hệ thống chữ viết nhìn bằng mắt. Cho nên, việc ghi các nguyên âm hay ghi các phụ âm của chữ quốc ngữ không phải lựa chọn một cách vô cớ mà phải nằm trong hệ thống rất chặt chẽ.

Trên cơ sở dựa vào tính hệ thống này thì trẻ em mới bằng vô thức khi học chữ nào đấy thì sẽ liên hội với hình chữ một cách tự dạng với cái khác và trẻ sẽ học viết nhanh hơn 

Thực chất, vấn đề cải cách chữ viết rất phức tạp và phải tính được nhiều yếu tố.

Phi khoa học, phi thực tế

Vậy GS có đồng tình với với điểm nào trong đề xuất của PGS Hiền không?

Tóm lại đề xuất của anh Bùi Hiền có những cái người ta nói từ lâu rồi như thay đổi cách viết chữ c/k/q hay các chữ khác.

Nhưng đề xuất này của anh Bùi Hiền đưa ra là những thứ thật vô lối, không có cơ sở khoa học nào cả và vừa phi thực tế. Đề xuất vi phạm nguyên tắc, phá vỡ hệ thống của chữ viết, sẽ làm cho người tiếp thu rất khó.

Vậy theo GS, đề xuất này bất hợp lý ở những điểm nào?

Anh ấy đề nghị viết chữ “d” thành chữ “z” hay khác chữ khác là không đúng.

Ngoài ra, nếu như anh ấy đề nghị, đề xuất cải tiến dựa theo cách phát âm Hà Nội là không đúng, hoàn toàn sai. Tại sao bắt phát âm theo tiếng Hà Nội trong khi đó chữ quốc ngữ (chúng tôi gọi là siêu phương ngữ-PV) của mình hay ở chỗ phản ánh được, 6 phương ngữ như ở Bắc Bộ và nó ghi được tất cả các thổ ngữ.  Nó ghi được cả tiếng Nam Bô, Bắc Trung Bộ,... Đấy, nó hay ở chỗ đấy. Giờ anh Hiền bắt phải phát âm theo tiếng Hà Nội thì trước hết là không có quy chuẩn nào theo thế cả. Điều này, làm mất đi tính chất đa dạng, phong phú cả phương ngữ và thổ ngữ của tiếng Việt.

Nhiều lúc tôi cũng thấy xấu hổ vì tôi cũng là nhà ngôn ngữ học

Theo GS, chữ Quốc ngữ hiện có bất cập thì có nên thay đổi không, thưa GS?

Tất nhiên chữ quốc ngữ phải phát triển và hiện nay những vấn đề liên quan chữ quốc ngữ , những vấn đề cấp bách hơn rất nhiều cần phải giải quyết như vấn đề chính tả, viết về tên riêng nước ngoài như thế nào? Nếu viết không chính xác, không đúng sẽ gây ra phản ứng. Đây là những vấn đề cấp bách, quan trọng và đôi khi phải giải quyết ngay còn còn chuyện khi nào chúng ta c/k/q viết thành một thì sẽ dần dần.

Khi tôi làm ở viện Ngôn ngữ có tổ chức những buổi hội thảo về chữ quốc ngữ. Từ năm 1995-2005, thời tôi làm Phó viện trưởng thì tôi đã phải đứng ra giải quyết rất nhiều phương án mà có những phương án đề nghị cải cách chữ quốc ngữ. Ví dụ, như Bùi Ngọc Sánh- một Việt kiều pháp yêu nước có đề nghị Văn phòng chính phủ và Văn phòng chính phủ lại yêu cầu Viện ngôn ngữ học và chúng tôi phải giải quyết về đề xuất cải cách này.

Hay bên Bộ khoa học- Công nghệ có Cục Sở hữu trí tuệ nhận được nhiều đề nghị cải cách chữ viết. Có nhiều phương án na ná như của anh Bùi Hiền, việc của chúng tôi là gặp họ và giải quyết.

Vậy theo GS, tại sao một đề xuất có đáng bị “ném đá” như vậy?

Thứ nhất, với những người làm chuyên môn như chúng tôi, đề xuất này không khoa học.
Thứ hai, với xã hội có những tâm lý “bầy đàn”, tâm lí, hội chứng “ném đá” nên khi thấy một vấn đề lạ thì phản ứng như thế. Nhưng tôi cho rằng, bản thân nó chứa những bất cập và không khoa học nên không được lòng quần chúng. Và cùng với hội chứng bầy đàn, đề xuất này gặp phải phản ứng như vây. 

Tôi có nghe về chuyện này và biết có nhận xét sau đề xuất đưa ra cho rằng đây chắc là sản phẩm của các ông giáo sư “không có việc gì làm”. Anh Hiền là PGS tiếng Nga, cũng là nhà ngôn ngữ. Nhưng thật là tôi cũng thấy xấu hổ vì tôi là nhà ngôn ngữ học mà!

Vậy đánh giá của GS về nghiên cứu này trong vấn đề ngôn ngữ học?

Tôi nghĩ rằng, đã làm khoa học có đúng có sai và anh Hiền dám làm. Mà ở khía cạnh đó anh ấy đúng. Nhưng tôi không đồng tình về đề xuất này.

Ngôn ngữ học có nhiều ngành, là khoa học về các ngôn ngữ, và trên thế giới có 7.500 ngôn ngữ. Biết chữ tiếng này chưa chắc biết chữ tiếng khác, và biết lĩnh vực này chưa chắc biết lĩnh vực khác. Cho nên đã làm khoa học thì mọi cái nên thận trọng. 

Anh Hiền mạnh dạn nói anh nghiên cứu đề tài này 20 năm. Mặc dù, việc cải tiến chữ quốc ngữ là quyền và trách nhiệm của mọi người. Nhưng tất nhiên, đã là nhà khoa học cần cân nhắc nhìn trước nhìn sau, không phải là nhà ngôn ngữ học cái gì cũng đúng.

MỚI - NÓNG