GS.TS Lê Hồng Hạnh: Không để quyền lực làm tha hóa người nắm giữ, thực thi quyền lực

Trong 5 năm, nhiều quan chức, lãnh đạo ở các lĩnh vực từ quân sự tới dân sự đã bị xử lý vì các tội liên quan tham nhũng, kinh tế, chức vụ
Trong 5 năm, nhiều quan chức, lãnh đạo ở các lĩnh vực từ quân sự tới dân sự đã bị xử lý vì các tội liên quan tham nhũng, kinh tế, chức vụ
TP - “Trong 75 năm đấu tranh giành độc lập, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, chúng ta chưa bao giờ phải đối mặt với thực tế đau xót là có những tướng tá công an lại bảo kê tội phạm, người đứng đầu bộ, ngành, chính quyền địa phương lại vứt bỏ tài sản quốc gia trị giá hàng nghìn nghìn tỷ đồng chỉ để thu lợi cá nhân”.  

Bác Hồ từng nói “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Cũng không hề ngẫu nhiên mà Bác chọn tên nước là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” trong những ngày đầu giành chính quyền về tay nhân dân. Dân chủ là giá trị vĩnh hằng, song đó phải là nền dân chủ thực sự”, GS. TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) chia sẻ với Tiền Phong nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc khánh 2/9.

“Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được”

Xuyên suốt quá trình lịch sử, Đảng và Nhà nước luôn lấy dân làm gốc, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Khi Đảng lắng nghe dân, giải quyết những bức xúc nhân dân đặt ra, khi đó Đảng không chỉ có được niềm tin của nhân dân, mà còn giúp cho Đảng mạnh hơn, vững hơn, thưa ông?

Điều này là một tất yếu lịch sử của nhân loại. Quốc gia nào có dân chủ thì quốc gia đó phát triển. Bác Hồ từng nói: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.

GS.TS Lê Hồng Hạnh: Không để quyền lực làm tha hóa người nắm giữ, thực thi quyền lực ảnh 1 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong lần tiếp xúc cử tri Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Cũng không hề ngẫu nhiên mà Bác chọn tên nước là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Dân chủ là giá trị vĩnh hằng, song đó phải là nền dân chủ thực sự, không phải nền dân chủ giả hiệu, hình thức. Dân chủ thực sự thì mọi vấn đề lớn nhất, quan trọng nhất của đất nước phải do nhân dân quyết định.

Chúng ta cần từ bỏ ngay tư duy: Khi tuyên truyền bầu cử thì nói “Nhân dân sáng suốt” trong việc lựa chọn cán bộ, song khi bàn về trưng cầu dân ý vấn đề nào đó lại cho rằng “Nhân dân có trình độ, nhận thức hạn chế”, không để nhân dân quyết định. Hãy làm theo những gì Bác Hồ dặn: “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”.

Bác Hồ thường căn dặn “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trong đấu tranh chống tham nhũng hiện nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và những lãnh đạo thực sự vì dân, vì nước quanh ông đang làm theo Bác Hồ. 

Cán bộ luôn là cái gốc của mọi công việc, là then chốt của mọi then chốt. Lắng nghe dân để lựa chọn người xứng đáng nhất, điều này càng đặc biệt cần thiết trong việc lựa chọn nhân sự cho nhiệm kỳ tới, thưa ông?

Làm sao lựa chọn được cán bộ tốt là điều tôi mong muốn nhất đối với công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Chống tham nhũng, vận hành một đất nước phát triển bền vững không thể thực hiện được nếu không đổi mới quy trình lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ.

Xử lý cán bộ nào cũng có kết luận người đó được quy hoạch, bổ nhiệm đúng quy trình. Đúng mà lãnh đạo các cấp bị kỷ luật, bị truy tố nhiều như vậy sao? Quy trình tốt mà sao lại có lắm cán bộ con ông, cháu cha được bổ nhiệm đến thế? Đó là những vấn đề cần đặt ra để giải quyết.

Với quy trình cán bộ như hiện nay, tôi vẫn hay nói đùa, đến Bill Gates hay Mark Zuckerberg cũng khó làm được trưởng phòng bảo vệ của một vài cơ quan, đơn vị.

GS.TS Lê Hồng Hạnh: Không để quyền lực làm tha hóa người nắm giữ, thực thi quyền lực ảnh 2 GS. TS Lê Hồng Hạnh

Hãy thử để nhân dân tự lựa chọn cho mình những người lãnh đạo thay vì quá phụ thuộc vào các quy trình, tiêu chuẩn như hiện nay. Tôi tin rằng sẽ xuất hiện những Trịnh Văn Bính, Trần Văn Giàu, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Phạm Khắc Hòe, Ðặng Thai Mai, Tôn Thất Tùng, Ðặng Thúc Thông, Hoàng Ðạo Thúy, Hoàng Tích Trí, Vũ Ðình Hòe, Ðào Duy Anh, Phạm Ngọc Thạch, Lương Định Của, Phan Anh... trong các cơ quan Đảng và Nhà nước.

“Vắc xin” chống tham nhũng

Trong bối cảnh hiện nay, không ít trường hợp lợi dụng, biến quyền lực được nhân dân ủy quyền, giao phó thành quyền lực cá nhân để phục vụ lợi ích cá nhân, gia đình, lợi ích nhóm. Phải chăng quyền lực ở đây chưa được kiểm soát và giám sát chặt chẽ, thưa ông?

Đúng vậy. Quyền lực và thực thi quyền lực ở nước ta chưa được kiểm soát thực chất, chưa được giám sát hiệu quả dù chúng ta nói nhiều đến nguyên tắc hiến định “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Điều đáng sợ nhất của quyền lực chính là sự cám dỗ và khêu gợi lòng tham của con người. Khát quyền lực còn đáng sợ hơn khát tiền, bởi trong cơn khát quyền lực hàm chứa nhiều lợi ích: Danh vọng, sự thuần phục của những người dưới quyền, địa vị, tiền tài và mỹ nữ.

Cũng chính sự hàm chứa tất cả các yếu tố đó nên quyền lực rất dễ làm con người bị tha hóa và quyền lực trở thành công cụ không thể tốt hơn để đạt được những ham muốn dễ dàng. Quyền lực tha hóa biến những con người nắm giữ nó trở thành tội đồ...

Vốn hàm chứa nguy cơ cao của sự tha hóa nên khi môi trường thực thi quyền lực không được kiểm soát thì những gì xảy ra như nhà báo nêu là điều tất yếu. Nhân loại đã chứng kiến những hoàng đế tàn bạo khi vương quyền là tuyệt đối. Trong thế giới hiện đại chúng ta cũng lần lượt chứng kiến những nhà lãnh đạo độc tài, chuyên quyền và tàn bạo, những nhà lãnh đạo vơ vét tài sản quốc gia cho nhóm mình, dĩ nhiên cho gia đình mình.

Việt Nam trong thời gian vừa qua chứng kiến không ít những sự tha hóa quyền lực xảy ra. Trong 75 đấu tranh giành độc lập, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, chúng ta chưa bao giờ phải đối mặt với thực tế đau xót là có những tướng tá công an lại bảo kê tội phạm, người đứng đầu bộ, ngành, chính quyền địa phương lại vứt bỏ tài sản quốc gia trị giá hàng nghìn nghìn tỷ đồng chỉ vì để thu lợi cá nhân.

Tôi có dịp tiếp cận vụ TISCO (dự án mở rộng khu Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II) từ năm 2015. Tôi đã không ngủ được nhiều đêm bởi ám ảnh việc các cán bộ có thẩm quyền lúc đó "dâng" tiền cho nhà thầu Trung Quốc một cách phi pháp, mù quáng đến như vậy.

Chỉ tính trong nhiệm kỳ khóa XII này đã có hơn một trăm cán bộ cao cấp, trong đó có cả Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý, có vị còn suýt lĩnh án tử hình. Ông thấy sao về tính chất, mức độ cũng như sự quyết liệt được soi sáng và kiên định theo tinh thần của Bác ngay từ ngày đầu lập quốc?

Những gì mà Đảng và Nhà nước đã làm được và đang làm trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng rất được nhân dân đánh giá cao, trái với một vài ý kiến cho rằng “lò đốt tham nhũng” chỉ đốt củi mục, chưa triệt để. Cá nhân tôi cũng có chung suy nghĩ và tình cảm của đa số nhân dân.

Tôi cho rằng, Đảng và Nhà nước đã quyết liệt xử lý những hậu quả của tình trạng quyền lực không được kiểm soát thực chất và hiệu quả. Những gì đang thực hiện trong chống tham nhũng theo tôi là rất kiên định và có những bước đi phù hợp.

Chống tham nhũng là mục tiêu bất biến và cách thức tiến hành phải bám sát những yêu cầu của từng lĩnh vực, từng ngành, địa phương. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta đấu tranh chống tham nhũng cũng như đang chống COVID-19, làm tốt, kiên quyết sẽ có thành quả to lớn. Điều quan trọng là phải có vắc xin hoặc thuốc đặc trị để không phải gánh chịu những tai họa.

Tôi mong Đảng, Quốc hội và Chính phủ quyết tâm, kiên định trong việc xây dựng được thể chế kiểm soát hiệu quả quyền lực, không cho quyền lực làm tha hóa những người nắm giữ và thực thi nó. Thể chế như vậy chính là “vắc xin” chống tham nhũng.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Trong 75 năm đấu tranh giành độc lập, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, chúng ta chưa bao giờ phải đối mặt với thực tế đau xót là có những tướng tá công an lại bảo kê tội phạm, người đứng đầu bộ, ngành, chính quyền địa phương lại vứt bỏ tài sản quốc gia trị giá hàng nghìn nghìn tỷ đồng chỉ để thu lợi cá nhân”.

GS. TS Lê Hồng Hạnh

MỚI - NÓNG