GS Phan Huy Lê: Tích hợp lịch sử là bất hợp lý!

GS Phan Huy Lê: Tích hợp lịch sử là bất hợp lý!
TP - GS Phan Huy Lê phản đối ý kiến tích hợp 3 môn Lịch sử, Giáo dục công dân, quốc phòng an ninh ở cấp phổ thông làm một. GS Lê hỏi: dựa vào lý luận nào để tích hợp, đồng thời khẳng định Hội khoa học lịch sử Việt Nam sẽ tổ chức một hội thảo để nêu ý kiến đến cùng.

Chiều 3/11, Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng đại diện của Ban Tuyên giáo T.Ư, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật VN, giảng viên các trường ĐH sư phạm lớn của cả nước, cùng lãnh đạo các phòng trung học của một số Sở GD&ĐT về dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông. Trong buổi làm việc, các đại biểu tập trung vào vấn đề vị trí của môn Lịch sử trong hệ thống các môn học ở bậc phổ thông.

Mở đầu buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có giải thích liên quan những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vị trí của môn Lịch sử. 

“Sau khi Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, có hai luồng ý kiến liên quan đến môn Lịch sử. Thứ nhất có ý kiến cho rằng Bộ bỏ môn Lịch sử ở cấp THPT,  chỉ là một môn tự chọn, học sinh có thể chọn, có thể không. Nói như thế không đúng, giáo dục lịch sử có từ lớp dưới lên lớp trên và có tính chất bắt buộc. Do đó, nói tự chọn là không phải.

Thứ hai, là trong chương trình tổng thể có môn Công dân với Tổ quốc. Nhiều ý kiến cho rằng như vậy coi nhẹ môn Lịch sử và Quốc phòng an ninh. Vấn đề này sẽ được những người “giúp việc” cho ban soạn thảo Chương trình giải thích rõ” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết. 

Đại diện ban soạn thảo Chương trình SGK mới, ông Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: “Xem lại chương trình hiện nay, chúng ta thấy số lượng môn học nhiều, hiệu quả thấp, môn bắt buộc nhiều, lựa chọn ít. Nhiều môn học không đưa vào không được nhưng đưa vào với thực tiễn của nhà trường hiệu quả không cao. Kiến thức còn chồng chéo. Các môn học đang cát cứ, không có sự liên kết ngang - dọc giữa các môn học”.

Từ đó, theo ông Thống cần tái cấu trúc lại hệ thống môn học. Qua nghiên cứu thấy 3 môn Lịch sử, Giáo dục công dân, quốc phòng an ninh gần gũi với nhau và có chung mục tiêu là hiểu biết trách nhiệm của công dân với Tổ quốc. Thứ nữa đây là sự nối tiếp nâng cao của các kiến thức đã học ở cấp THCS. 

Do đó, việc lồng ghép 3 môn học này vào một môn học là hợp lý. Hơn nữa, theo ông Thống, trong chương trình THPT có 4 môn học bắt buộc là Toán, Tiếng Việt, Công dân với Tổ quốc, Ngoại ngữ… Ngoài ra  học sinh học còn có tự chọn 1, tự chọn 2 và tự chọn 3, trong đó, học sinh theo ngành khoa học xã hội và nhân văn có thể chọn Lịch sử, Địa lý…

GS Phan Huy Lê: Tích hợp là bất hợp lý!

Trong khi đó, các chuyên gia Lịch sử lại có ý kiến cho rằng việc tích hợp 3 môn thành môn Giáo dục công dân với Tổ quốc là không hợp lý. 

GS Sử học Phan Huy Lê đặt câu hỏi dựa vào lý luận nào để tích hợp 3 môn Lịch sử, Quốc phòng an ninh và Giáo dục công dân vào một môn học? Trong khi đây là  3 lĩnh vực khoa học hoàn toàn khác nhau, đối tượng khác nhau. Môn lịch sử là môn của quá khứ, môn Quốc phòng an ninh là nặng về chính trị và cơ sở Đảng. “Sắp tới Hội khoa học lịch sử Việt Nam sẽ tổ chức một hội thảo để nêu ý kiến đến cùng về vấn đề này” - GS  Phan Huy Lê khẳng định. 

 Đồng ý với ý kiến của GS Phan Huy Lê, một chuyên gia Lịch sử khác cho rằng việc “lắp ghép” 3 môn vào một môn học là không hợp lý. Vì Giáo dục công dân với tổ quốc rộng lớn  hơn rất nhiều.  GS Nguyễn Quang Đạt, Viện Khoa học xã hội và Nhân văn cũng cho rằng ở các nước tiên tiến, không có nước nào “đẩy” môn Lịch sử thành môn tự chọn.  

“Môn công dân với Tổ quốc tên rất hay nhưng lại rất mơ hồ. Văn không phải là trách nhiệm công dân với Tổ quốc? Nếu công dân với Tổ quốc mà chỉ tích hợp 3 môn học như Bộ nói thì mơ hồ quá” - GS Nguyễn Quang Đạt khẳng định. Do đó, GS. Đạt đề nghị Bộ nên tổ chức hội nghị để xem xét kỹ môn học nào là môn bắt buộc, môn học độc lập và mong muốn các nhà quản lý đặt môn Sử vào đúng vị trí của nó. 

MỚI - NÓNG