GS.Nguyễn Quý Thanh: Đại học nào cần phải có điểm sàn?

GS.Nguyễn Quý Thanh: Đại học nào cần phải có điểm sàn?
TPO - GS.Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội đề xuất có điểm sàn cho những trường ĐH chưa kiểm định trước dự kiến bỏ điểm sàn của Bộ GD&ĐT trong dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH chính quy 2017.

Theo GS. Nguyễn Quý Thanh, điểm sàn ở các nước khá đa dạng. Đó có thể là một mức điểm của bài thi tuyển sinh hoặc một mức điểm của bài thi chuẩn hóa, hoặc điểm trung bình chung học tập, thậm chí đó là yêu cầu phải học và tích lũy được tín chỉ của một số môn quan trọng nếu chương trình giáo dục phổ thông quá khác nhau giữa các trường. 

Tốt nghiệp THPT cũng là một hình thức “điểm sàn”. 

Ví dụ theo Quy hoạch Tổng thể giáo dục Bang California các trường thuộc Hệ thống ĐH California chỉ được tuyển các học sinh thuộc nhóm khoảng 12,5% học sinh giỏi nhất, các trường thuộc Hệ thống ĐH Bang của California chỉ được tuyển học sinh trong nhóm khoảng 33% học sinh giỏi nhất. Chỉ có các trường CĐ cộng đồng mới được tuyển sinh mở, theo đó tất cả học sinh có bằng tốt nghiệp THPT đều có thể vào học…

Ở các nước việc “tuyển sinh mở” áp dụng khi học sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện học lực để tuyển vào học ĐH. Theo một nghiên cứu cho Ủy ban Giáo dục và Văn hóa Nghị viên Châu Âu (Cecile H. McGrath và những người khác, 2014) cho thấy chỉ có 5 nước (trong số 16 quốc gia Châu Âu và 3 nước đối sánh là Nhật Bản, Australia và Hoa Kỳ) thực hiện tuyển sinh mở. 

Như vậy, hầu hết các nước đều áp dụng cơ chế tuyển chọn (selection), chính vì vậy họ đều áp dụng mức điểm hoặc tiêu chuẩn tối thiểu. Suy cho cùng, ở nước ngoài yêu cầu “tốt nghiệp THPT” cũng là một hình thức “điểm sàn”. 

Ở Việt Nam yêu cầu “tốt nghiệp THPT” không thể xem như một loại “điểm sàn” tương tự như ở nước ngoài. Bởi vì, học sinh Việt Nam chỉ cần đạt điểm trung bình từ 5 trở lên cho tất cả các môn (trong đó, ít nhất toán hoặc ngữ văn từ 5 trở lên, không bị điểm liệt môn thi tốt nghiệp và hạnh kiểm đạt yêu cầu) là đủ điều kiện được cấp bằng tốt nghiệp. 

GS. Nguyễn Quý Thanh

Bởi vì, để tốt nghiệp THPT này, học sinh các nước đó phải thi đạt và tích lũy đủ số tín chỉ của tất cả các môn trong chương trình. Bất cứ môn nào bị “trượt” thì đều không đủ điều kiện tốt nghiệp. 

Tuy nhiên, ở Việt Nam yêu cầu “tốt nghiệp THPT” lại không thể xem như một loại “điểm sàn” tương tự như ở nước ngoài. Bởi vì, học sinh Việt Nam chỉ cần đạt điểm trung bình từ 5 trở lên cho tất cả các môn (trong đó, ít nhất toán hoặc ngữ văn từ 5 trở lên, không bị điểm liệt môn thi tốt nghiệp và hạnh kiểm đạt yêu cầu) là đủ điều kiện được cấp bằng tốt nghiệp. 

Nói cách khác, học sinh có thể học dưới trung bình (không đạt) vài môn, nhưng điểm vài môn khác cao hơn để bù lại là đủ để tốt nghiệp.

Trao quyền tự quyết về tuyển sinh

Từ kinh nghiệm của các nước, GS. Nguyễn Quý Thanh cho rằng trường ĐH chỉ thuyết phục được xã hội về năng lực của họ thông qua kiểm định chất lượng khách quan. 

Khi trường ĐH được tổ chức kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng thì mới có thể xem trường có đủ năng lực thực hiện tự chủ. Như vậy, việc giao cho các trường tự quyết hoàn toàn về tuyển sinh và bỏ điểm sàn chung cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo chất lượng.

“Thí dụ, trước mắt Bộ GD&ĐT có thể trao cho các trường ĐH và những chương trình đào tạo được đánh giá, kiểm định chất lượng và đạt chuẩn chất lượng của Việt Nam, chuẩn ASEAN (AUN-QA) hoặc chuẩn quốc tế (ABET, AACSB, HCERES, CTI, v.v.) quyền tự quyết về tuyển sinh (kể cả về “điểm sàn”). 

Ngược lại, đối với những trường hoặc chương trình chưa được kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT vẫn nên áp dụng ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu” – GS. Nguyễn Quý Thanh đề xuất.

Mặt khác, GS. Thanh cho rằng, bên cạnh loại hình ngưỡng đảm bảo chất lượng áp dụng với điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT có thể nghiên cứu thêm loại hình “điểm sàn” áp dụng với điểm trung bình chung học tập, điểm môn học (ít nhất của lớp 12). 

Điều này nhằm mục đích để các trường chỉ tuyển bằng học bạ cũng đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào tối thiểu tạo niềm tin chung của xã hội với chất lượng giáo dục ĐH.

 GS. Nguyễn Minh Thuyết: Cần lộ trình bỏ điểm sàn ĐH

Liên quan đến dự kiến bỏ điểm sàn Đại học của Bộ GD&ĐT, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ Quốc hội cho rằng: Trong tình hình cụ thể ở nước ta, theo tôi, việc bỏ điểm sàn phải có điều kiện và lộ trình. Chỉ những trường nào đã được kiểm định chất lượng bởi những trung tâm kiểm định có uy tín và đạt kết quả tốt trong kiểm định chất lượng mới được xác định điểm chuẩn tuyển sinh không phụ thuộc vào điểm sàn. Các trường còn lại vẫn cần đảm bảo điểm chuẩn tuyển sinh không thấp hơn điểm sàn.

MỚI - NÓNG