Vướng mắc phổ biến phim trên mạng
Sau khi nhận được nhiều ý kiến ở phía Nam, chiều 26/9, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chủ trì Hội nghị - Hội thảo triển khai Luật Điện ảnh, đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, để việc thực thi Luật Điện ảnh đạt hiệu quả, các văn bản dưới Luật là các Nghị định, Thông tư cần sớm có hiệu lực để áp dụng đồng bộ. “Bộ VHTTDL đánh giá cao các đại biểu thẳng thắn đóng góp vào nhiều vấn đề được quan tâm. Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực phân phối, sản xuất, phát hành và phổ biến phim, nhập khẩu phim…”, PGS.TS Tạ Quang Đông nói.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành điểm lại một số điểm mới tích cực của Luật Điện ảnh. Một số vấn đề được đưa vào Nghị định điện ảnh như quy trình thực hiện dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, tỷ lệ suất chiếu, khung giờ chiếu phim Việt Nam, thời lượng, khung giờ chiếu phim cho trẻ em trong rạp chiếu phim và tỷ lệ thời lượng phát sóng phim Việt Nam so với phim nước ngoài, khung giờ phát sóng phim Việt Nam, thời lượng và khung giờ phát sóng phim cho trẻ em trên các kênh truyền hình trong nước...
Quy định phổ biến phim trên không gian mạng luôn nhận được nhiều ý kiến góp ý từ khi xây dựng Luật Điện ảnh. Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ -ASEAN chỉ ra một số điểm bất cập trong điều luật về phổ biến phim trên không gian mạng. Dẫn Điều 12, ông Thành góp ý ban soạn thảo cân nhắc điều kiện muốn thực hiện việc phổ biến trên không gian mạng thì doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức hoạt động phổ biến phim có phát sinh thuế ở Việt Nam. Đại diện Bộ Tư pháp chỉ ra điều kiện phổ biến phim trên không gian mạng còn chung chung, nhất là ở quy định “thành viên đủ năng lực phân loại phim”.
Cảnh trong một số phim có doanh thu tốt từ đầu năm 2022 đến nay |
Liên quan đến việc phê duyệt và phân loại độ tuổi phim, bà Phan Cẩm Tú, đại diện Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ tại Việt Nam đề xuất ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc dán nhãn tự động, phân loại độ tuổi của phim. Việc này không chỉ giúp giảm tải sức người, mà còn đảm bảo độ trùng khớp cao giữa quyết định của cơ quan quản lý và quyết định của chủ thể đăng tải phim trực tuyến. Các doanh nghiệp liên quan nên chủ động phối hợp để chứng minh những công cụ như thế có lợi cho Chính phủ và chính họ. Ngược lại, Chính phủ cũng có thể kêu gọi các doanh nghiệp thử nghiệm, nếu thu được kết quả tốt có thể đầu tư làm.
Chưa muốn góp tiền cho quỹ điện ảnh
Về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, theo Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Quốc Việt, căn cứ trên khả năng và điều kiện thực tế, dự thảo Nghị định quy định nguồn của Quỹ bao gồm: Nhà nước hỗ trợ vốn ban đầu khi mới thành lập Quỹ từ nguồn ngân sách sự nghiệp văn hóa; huy động đóng góp tự nguyện, tài trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn thu nhập hợp pháp khác; trích 3% từ doanh thu bán vé của các phim nhập khẩu chiếu rạp tại Việt Nam, 3% từ phí thẩm định và phân loại phim, 1% tiền thuê bao của phim phổ biến xuyên biên giới, 0,05% tiền thuê bao của truyền hình trả tiền, 0,5% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình…
Ông Đỗ Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng việc quy định tỷ lệ phần trăm nộp vào Quỹ nêu tại khoản 3 điều 21 của dự thảo là chưa rõ cơ sở thực tiễn. Việc này cần phải có đánh giá tác động đến các đối tượng chịu sự tác động của quy định và làm rõ hơn trước khi đưa vào Dự thảo.
Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, điện ảnh là ngành kinh doanh ban đêm lành mạnh, tạo điều kiện giải trí cho nhiều người. “Chúng tôi đề xuất khuyến khích mô hình kinh doanh rạp chiếu về đêm, đưa vào Nghị định. Như thế tốt cho cả phim Việt Nam và phim nước ngoài, bởi với khoảng thời gian vài tuần tới hơn một tháng khai thác ở rạp, các nhà sản xuất phim và nhà rạp có thể tối đa hóa lợi nhuận”, bà Hạnh nói.
Nói thay nỗi niềm các đài truyền hình, ông Đỗ Thanh Hải cũng đề xuất bỏ quy định trích 0,05 % tiền thuê bao của truyền hình trả tiền, doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình. Theo ông Hải, quy định này là không hợp lý và là “phí chồng phí”. Ông đề xuất nên hướng tới quy định các đơn vị sở hữu kênh, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, các đơn vị cung cấp nội dung xuyên biên giới cam kết trích một tỷ lệ phần trăm doanh thu nhất định để đầu tư sản xuất phim Việt Nam.
Từng xin chưa nộp tiền vào Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trong cuộc góp ý trước đó, đại diện Cty BHD nói thêm các doanh nghiệp điện ảnh và người làm phim ủng hộ quỹ điện ảnh, tuy nhiên vừa qua đại dịch nên điện ảnh vẫn khó khăn. Nhà rạp cho rằng quy định này sẽ gây khó cho nhà rạp, tăng thêm chi phí cho người tiêu dùng. Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch BHD đề xuất cần có chính sách khuyến khích chiếu phim Việt, quy định giờ chiếu đẹp để tăng doanh thu hoặc chính sách ưu đãi thuế.
Quỹ điện ảnh sinh ra với mục đích hỗ trợ các nhà làm phim tạo ra tác phẩm chất lượng, thúc đẩy điện ảnh phát triển. Đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nêu quan điểm xem lại cách đặt hàng phim. “Chúng ta xây dựng công nghiệp điện ảnh - nghĩa là tạo ra sản phẩm văn hóa đưa ra thị trường. Nhìn vào số lượng phim và doanh thu có thể thấy điện ảnh phát triển khá tốt, nhưng cách đầu tư của nhà nước và định hướng điện ảnh cần xem lại cho phù hợp. Không có chuyện nhà nước đầu tư 100%, bởi các nhà sản xuất sẽ không quan tâm phát hành ra rạp. Giữa sản xuất và phát hành phim đặt hàng hiện nay đang rời nhau, sản xuất không quan tâm đến lợi nhuận bán phim”, ông Chương nói.