Góp ý sửa Hiến pháp: Để dân bầu Chủ tịch nước

Góp ý sửa Hiến pháp: Để dân bầu Chủ tịch nước
Chủ tịch nước do cử tri cả nước bầu ra thông qua tuyển cử phổ thông đầu phiếu sẽ có thực quyền hơn. Đó là quan điểm của PGS, TS. Nguyễn Thị Hồi (Đại học Luật Hà Nội) tại hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do tạp chí Nghiên cứu lập pháp và tạp chí Pháp luật và Phát triển tổ chức tại Hà Nội, ngày 22-2.

Góp ý sửa Hiến pháp: Để dân bầu Chủ tịch nước

> Nhân dân phải kiểm soát được quyền lực nhà nước
> GS Nguyễn Minh Thuyết góp ý Điều 4 Hiến pháp

Chủ tịch nước do cử tri cả nước bầu ra thông qua tuyển cử phổ thông đầu phiếu sẽ có thực quyền hơn. Đó là quan điểm của PGS, TS. Nguyễn Thị Hồi (Đại học Luật Hà Nội) tại hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do tạp chí Nghiên cứu lập pháp và tạp chí Pháp luật và Phát triển tổ chức tại Hà Nội, ngày 22-2.

TS. Nguyễn Thị Hồi trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: N.H
TS. Nguyễn Thị Hồi trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: N.H.

Ngay từ khi dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được công bố tại diễn đàn Quốc hội và sau đó tổ chức để nhân dân góp ý, việc tăng quyền cho Chủ tịch nước đã nhận được sự đồng tình của nhiều ý kiến.

Ủng hộ quan điểm tăng quyền lực cho Chủ tịch nước, bà Hồi cho rằng có thể tăng gần tới mức quyền lực của Chủ tịch nước trong Hiến pháp năm 1946, tức là người có quyền lực hành pháp, nhất là những vấn đề liên quan tới nhân sự và chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ.

TS. Hồi phân tích, ở phần lớn các quốc gia đương đại, bộ máy nhà nước thường có một nhân vật trung tâm của quyền lực nhà nước, có ảnh hưởng tới nhà nước lớn đến mức hễ nói đến nhà nước đó là người ta nhắc ngay đến nhân vật này. Chẳng hạn, nói đến nước Mỹ, nước Pháp, nước Nga... thì người ta nhắc ngay đến tổng thống của họ; nói đến nước Anh, nước Nhật, nước Đức... thì người ta nhắc ngay đến thủ tướng của các nước đó. Người này là linh hồn, trung tâm quyết sách của chính phủ, có quyền lựa chọn nhân sự và phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của chính phủ.

“Tôi cho rằng theo tập tục và truyền thống phương Đông thì ở nước ta hiện nay, người này nên là Chủ tịch nước. Thực tế đã chứng minh nếu nguyên thủ quốc gia là một người tài đức và có thực quyền trong lĩnh vực hành pháp thì có thể dẫn dắt quốc gia vững bước trên con đường phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh là ví dụ điển hình”, bà Hồi nhấn mạnh.

Tuy nhiên, điều 92 của dự thảo không có gì thay đổi so với điều 102 của Hiến pháp hiện hành. Đó là “Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu Chủ tịch nước mới.

Với những phân tích ở trên, bà Hồi đề nghị thiết kế lại điều 92 như sau: “Chủ tịch nước do cử tri cả nước bầu ra thông qua tuyển cử phổ thông đầu phiếu. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm trước nhân dân và chịu sự giám sát của Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước là năm năm. Không ai được bầu giữ chức Chủ tịch nước quá hai nhiệm kỳ”.

Chủ tịch nước sẽ có thực quyền hơn nếu do cử tri bầu và qua hai nhiệm kỳ thì khả năng, tâm trí và sức lực của Chủ tịch nước đã được huy động đến mức tối đa, nữ diễn giả phân tích thêm.

Để tăng cường quyền lực của Chủ tịch nước trong lĩnh vực hành pháp, TS. Hồi đề nghị bổ sung vào điều quy định về nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch nước nội dung “lãnh đạo, định hướng, điều hành hoạt động của Chính phủ”.

Cũng liên quan đến quyền lực trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tham luận tại hội thảo, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng cần quy định rõ hơn phương thức lãnh đạo của Đảng để khắc phục tính hình thức của nhiều chủ thể, trong đó có Chủ tịch nước.

Như, Hiến pháp hiện hành quy định Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng người thực sự thống lĩnh lực lượng này là Bí thư Quân ủy Trung ương, tức Tổng bí thư. Hay Hiến pháp quy định Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ nhưng Chủ tịch nước không thể thực hiện được quyền này nếu không có nghị quyết của Bộ Chính trị hoặc Ban chấp hành Trung ương.

Đề nghị tăng quyền cho Chủ tịch nước cũng là quan điểm của nhiều góp ý được đăng tải ở địa chỉ http://duthaoonline.quochoi.vn, kênh thu nhận ý kiến của nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Quốc hội.

Gần quan điểm với TS. Hồi, bạn đọc Đại Dũng viết, Chủ tịch nước vừa là người đứng đầu Nhà nước, vừa là thành viên của Chính phủ và có tác động trực tiếp đến bộ máy Hành pháp. Chủ tịch nước sẽ chủ trì việc hoạch định các chủ trương, chính sách của Chính phủ và phải là trung tâm quyết sách của Chính phủ. Nếu quy định như vậy thì vai trò, vị trí và quyền lực của Chủ tịch nước sẽ tương tự như quyền lực của Chủ tịch nước được quy định trong Hiến pháp năm 1946 hoặc tương tự như quyền lực của Tổng thống trong các nước có chính thể Cộng hoà hỗn hợp hiện nay.

Theo Nguyên Hà
VnEconomy

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.