Báo chí giúp thanh niên làm giàu:

Góp và giữ lửa cho bạn trẻ

TPO - Trong hội thảo khoa học vai trò của báo chí, truyền thông trong định hướng phát triển tư duy làm giàu cho thanh niên được Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức hôm qua (3/10) tại Hà Nội, nhiều đại biểu cho rằng báo chí là một kênh thông tin hiệu quả trong cổ vũ, khích lệ, định hướng tư duy làm giàu cho giới trẻ.
CLB Sáng tạo khởi nghiệp Hải Phòng sinh hoạt chuyên đề làm thương hiệu cho người mới khởi nghiệp

Tại hội thảo, nhiều nhà báo đã chia sẻ những trải nghiệm thực tế trong quá trình tham gia tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức làm giàu cũng như cổ vũ tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp trong thanh niên VN. Theo nhà báo Nguyễn Xuân Vũ, báo Dân tộc và Phát triển, thực tế cho thấy, nhiều điển hình nhờ đọc báo mà từ chập chững rồi trưởng thành trên con đường làm giàu.

Chẳng hạn sự nghiệp làm giàu nhờ nuôi cá của “tỷ phú miền núi” Pờ Văn Thuận (Bum Nưa, Mường Tè, Lai Châu) được bắt đầu từ bài báo “Cách nuôi cá đạt năng suất” được tình cờ dán trên vách gỗ nhà sàn gia đình anh. Hoặc Vừa A Thào, bí thư Đoàn xã Phình Giàng, (Điện Biên Đông, Điện Biên) khi thuyết phục vợ triển khai mô hình trồng cỏ nuôi bò cũng đã lấy bằng chứng là một bài viết đăng trên báo tỉnh. 

Nhà báo Tô Nam, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong thì cho hay, để đáp ứng nhu cầu học làm giàu của giới trẻ VN, báo Tiền Phong thường xuyên đăng tải các bài viết liên quan trên các trang “Giới trẻ” và “Kinh tế” của tờ báo ra hằng ngày, đồng thời tất cả bài viết này đều được lưu giữ đầy đủ trên trang http://www.tienphong.vn

Nhà báo Tô Nam nhận xét, ở thời đại CNTT như hiện nay, ý tưởng làm giàu không hiếm nhưng quan trọng là làm sao biến ý tưởng thành “hàng hóa” mang lại lợi nhuận. Đặc biệt, nếu mất đi lửa làm giàu và năng lực triển khai thì dù có cả triệu ý tưởng độc đáo, sự nghiệp làm giàu vẫn sẽ chỉ là một giấc mơ. “Bởi thế, báo Tiền Phong bằng các bài viết về giới trẻ, trên trang kinh tế xã hội cung cấp các kiến thức, kinh nghiệm và đó chính là góp phần cung cấp - giữ lửa làm giàu đối với bạn đọc trẻ, thanh niên có khát vọng làm giàu”, nhà báo Tô Nam chia sẻ.

Nhà báo Nguyễn Huy Lộc, TBT báo Sinh viên Việt Nam thì nhấn mạnh vai trò khơi dậy khát vọng, định hướng - phát triển tư duy làm giàu; phát hiện và cổ vũ những mô hình làm giàu sáng tạo độc đáo, hiệu quả của người trẻ mà báo này kiên trì thực hiện từ nhiều năm nay. Việc các chuyên gia kinh tế hàng đầu thường xuyên xuất hiện trên các trang báo không chỉ để cung cấp cho độc giả những phân tích các vấn đề nổi cộm của nền kinh tế mà còn giúp giới trẻ tìm ra những cơ hội lớn, thắp lên những ước mơ làm giàu.

Thành viên CLB Diễn đàn Sáng tạo khởi nghiệp tại Đồng Nai thực hành làm bài tập nhóm về Xây dựng kế hoạch kinh doanh trong buổi họp mặt CLB tại Lâm Đồng

Một mặt ghi nhận vai trò của báo chí trong công cuộc định hướng phát triển tư duy làm giàu cho thanh niên, mặt khác nhiều nhà nghiên cứu báo chí và đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng các nhà báo cần phải có trách nhiệm hơn trong quá trình tác động vào dư luận rộng rãi bằng bài viết, hình ảnh, biểu thị quan điểm của mình trước những hiện tượng kinh tế - xã hội phức tạp về công ăn việc làm của các doanh nghiệp, doanh nhân.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà 7 nhận xét: Trong các yếu tố thuộc về tài năng của từng nhà báo, việc đi sâu vào tâm lý con người có một ý nghĩa rất quan trọng. Đôi khi, một vấn đề quan trọng của các doanh nghiệp và doanh nhân tuy được gói gọn trong một bài báo không lớn hay một phóng sự - điều tra ngắn nhưng lại gây một tiếng vang lớn trong xã hội và tác động mạnh mẽ đến dư luận. Trong mối quan hệ doanh nghiệp – báo chí, những người bạn báo chí chân thành luôn mang đến cho doanh nghiệp những thông tin và lời khuyên trung thực chứ không phải lợi ích vật chất tầm thường.

“Bởi vậy chúng tôi không chỉ quan tâm đến báo chí mà còn thu hút, chọn lựa làm báo với nhiều nhà báo trung thực”, ông Thắng cho biết.

Nghiên cứu sinh, Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền, Viện Nghiên cứu Báo chí và Truyền thông thì khuyến cáo làm giàu là một khoa học chứ không phải là một tư duy cảm tính. Để làm vai trò của mình, báo chí không chỉ đơn giản “kể chuyện”, “nêu gương” để khích lệ giới trẻ làm giàu mà còn phải chỉ ra được hướng đi đúng đắn cho những người trẻ học làm giàu.

“Các nhà báo, trước khi làm người chỉ đường, dẫn lối cho công cuộc học làm giàu không dễ dàng của giới trẻ cũng cần được đến tận nơi, tìm hiểu thực tế tỉ mỉ và kỹ lưỡng những điển hình như thế, để những bài báo của họ mang đậm hơi thở chân thực của cuộc sống”, bà Nguyễn Thị Huyền nói.

Tại hội thảo, anh Cao Hồng Hưng, đại diện Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, đã giới thiệu chương trình “Thanh niên sáng tạo – khởi nghiệp”. Đây là một chương trình nhận được sự hỗ trợ rất tích cực về truyền thông không chỉ từ các cơ quan báo thuộc hệ thống Trung ương Đoàn như Thanh Niên, Tiền Phong, Sinh viên Việt Nam… mà còn của các đơn vị truyền thông bên ngoài.

Từ chương trình này, đến nay cả nước có các CLB Đặc sản làng nghề, Hợp Tác Xã rau an toàn, CLB nông dân sáng tạo, CLB doanh nghiệp Du lịch có trách nhiệm,  CLB Bếp phương Nam, 11 CLB Sáng tạo Khởi nghiệp; tổ chức được 6 diễn đàn, 7 buổi tập huấn với nhiều nội dung liên quan.

Chương trình cũng đã xây dựng được kế hoạch - dự án kinh doanh, phát triển thương hiệu cho sản phẩm - doanh nghiệp cho các CLB Sáng tạo Khởi nghiệp ở các địa phương.