Hồi đầu tháng 1 vừa qua, Google đã gây sốc giới CNTT nói chung và những ai quan tâm tới quan hệ làm ăn giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc nói riêng khi tuyên bố ý định rút chân khỏi thị trường đông dân nhất thế giới. Đây là lần đầu tiên một công ty nước ngoài dám chỉ trích chính quyền Bắc Kinh.
Đòn nắn gân?
Lý do được đưa ra ở đây chính là việc dịch vụ Gmail của Google bị các hacker Trung Quốc tấn công. Vụ tấn công này mang đậm màu sắc chính trị bởi hàng loạt tài khoản Gmail của cá nhân và tổ chức nhân quyền chống đối với chính phủ Trung Quốc đã bị hacker truy cập trái phép.
Trong những tuyên bố đầu tiên, Google nói rằng hãng này sẽ không tiếp tục kiểm duyệt nội dung trên trang tìm kiếm google.cn và đang cân nhắc tới khả năng sẽ đóng cửa văn phòng đại diện tại Bắc Kinh.
Vụ việc nghiêm trọng đến mức Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh phải có lời giải thích và Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, Gary Locke, cũng kêu gọi Trung Quốc cần đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn cho các công ty nước này.
Trong thông báo viết trên blog của Google, David Drummond – Phó Chủ tịch cao cấp phụ trách mảng phát triển doanh nghiệp, kiêm luật sư của hãng, đã ám chỉ rằng các hacker thực hiện vụ tấn công trên rất có thể liên quan tới Trung Quốc.
Đây cũng là lần đầu tiên Google bày tỏ nghi ngờ này mặc dù trước đây hãng này cũng hứng chịu nhiều cuộc tấn công, và đa phần trong số đó có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Đáp lại những tuyên bố có phần gay gắt từ Google và Mỹ, Trung Quốc đã làm dịu vấn đề bằng việc cho rằng có nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này, chứ không nhất thiết cứ phải áp theo các biện pháp cứng rắn. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn khẳng định rằng các công ty nước ngoài cần phải tuân thủ quy định luật pháp sở tại.
Và thật bất ngờ trong tuyên bố đưa ra hôm 17/1, Google lại phủ nhận những thông tin mà giới truyền thông đã đưa trước đó, và nói rằng hãng này không có ý định đóng cửa website google.cn và văn phòng đại diện tại Bắc Kinh.
Phải kiểm duyệt nội dung
Để đặt chân vào thị trường Trung Quốc, Google đã phải đồng ý ký vào một số điều khoản ràng buộc với chính phủ nước này. Trong số đó có việc Google phải kiểm duyệt nội dung trên trang google.cn và loại bỏ những nội dung mà Bắc Kinh cho là nhạy cảm.
Không chỉ riêng Google mà tất cả công ty nước ngoài nào khi làm ăn ở Trung Quốc đều buộc phải tuân thủ các điều kiện của chính phủ. Ngay cả trang web tìm kiếm của Trung Quốc là Baidu cũng bị kiểm duyệt.
Trước đây, Yahoo cũng phải tuân thủ các quy định ngặt nghèo trên, và hậu quả là hãng đã phải điều trần tại Quốc hội Mỹ. Đã nhiều lần Yahoo buộc phải cung cấp thông tin người dùng cho chính quyền Trung Quốc để bắt giữ những nhân vật được cho là chống đối. Rút cuộc, Yahoo cũng phải rời bỏ thị trường đầy tiềm năng này vào năm 2005 mặc dù tỏ ra khá nuối tiếc.
Còn với Google, trong những tuyên bố đầu tiên đưa ra hồi đầu tháng này, hãng cho biết sẽ không tiếp tục kiểm duyệt nội dung trên trang google.cn nữa. Điều này đồng nghĩa với việc Google không tuân thủ quy định đã ký với chính quyền sở tại.
Google cũng cho biết sẽ làm việc lại với chính phủ Trung Quốc, chủ yếu là đàm phán lại thỏa thuận trước đây, cho phép hãng này nới lỏng việc kiểm duyệt. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Google sẽ đạt được điều này.
Được hay mất?
Nếu Google không rút khỏi Trung Quốc, rất có thể hãng này sẽ phải đối mặt với những quy định nghiêm ngặt hơn một khi dám công khai chống đối lại chính quyền.
Và như vậy, chắc chắn Google sẽ chịu nhiều thiệt thòi hơn. Vụ ầm ĩ của Google cũng làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.
Đó là chưa kể tới việc Google sẽ tạo ra tâm lý không yên tâm cho các nhà quảng cáo, khiến họ quay lưng lại và chuyển sang sử dụng dịch vụ của đối thủ Baidu.
Hiện tại, doanh thu của Google tại Trung Quốc rất khiêm tốn, mới chỉ chiếm vài % trong doanh thu 28 tỉ USD năm 2008 của Google trên toàn cầu. Tuy nhiên, doanh thu có lẽ vẫn chưa là ưu tiên hàng đầu của Google.
Với thị trường Internet khổng lồ như Trung Quốc, chắn chắn Google sẽ tìm thấy nhiều cơ hội hơn, nhất là trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến.
Nếu Google từ bỏ thị trường tìm kiếm trên 300 triệu người dùng như Trung Quốc, trang tìm kiếm Baidu của Trung Quốc nghiễm nhiên sẽ thành bá chủ. Và nếu viễn cảnh này xảy ra, Baidu sẽ qua mặt Google để trở thành công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới. |