Gồng mình khắc phục hậu quả lũ quét

Các lực lượng tỉnh Hà Giang phải dùng xuồng chuyên dụng đưa đón học sinh đến điểm thi THPT hôm qua.
Các lực lượng tỉnh Hà Giang phải dùng xuồng chuyên dụng đưa đón học sinh đến điểm thi THPT hôm qua.
TP - Lực lượng cứu hộ các tỉnh miền núi Lai Châu và Hà Giang đang từng giờ chạy đua với thời tiết diễn biến xấu để tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ, nỗ lực đảm bảo kỳ thi THPT Quốc gia. Đến chiều tối qua, 14 người chết, 8 người mất tích, 7 người bị thương.

Lai Châu: 22 người chết, mất tích

Lai Châu tiếp tục gánh thêm tổn thất vì mưa lớn gây sạt lở và lũ quét. Suốt đêm và cả ngày hôm qua, mưa lớn tiếp tục đổ xuống trên diện rộng, lũ dâng cao và hệ thống giao thông nhiều huyện vẫn bị tê liệt, ở huyện Sìn Hồ, Than Uyên và Tân Uyên hầu hết các tuyến đường chính bị hư hỏng, sạt lở nặng nề. Tỉnh Lai Châu vẫn bị cô lập hoàn toàn từ các hướng dẫn đến tỉnh (đường 6, đường 32, đường từ Sa Pa chạy sang). Cuối giờ chiều qua, tin từ Văn phòng thường trực PCTT và TKCN tỉnh Lai Châu cho biết đã có 11 người chết, 11 người mất tích, 7 người bị thương. Phần lớn số nạn nhân này bị lũ cuốn trong đêm, đá rơi trúng người, vách núi sạt lở vào nhà.

Thời tiết tiếp tục diễn biến xấu, khó lường tại Tây Bắc. Thiệt hại tài sản tại Lai Châu thống kê tăng lên chiều qua. Đã có 128 ngôi nhà bị đất, đá trôi sạt vào trong nhà, 23 nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn (trong đó Tân Uyên tổn thất lớn nhất), hàng ngàn hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai những ngày tới. Đã có 4 trại nuôi cá nước lạnh tại huyện Tam Đường bị cuốn trôi, 11 ha ao cá bị lũ san phẳng ở Tân Uyên và Tam Đường gây thiệt hại nặng, 47 con trâu (chủ yếu ở huyện Tân Uyên) bị nước xiết cuốn mất tích. Lũ lớn cũng cuốn chết 5.000 con gia cầm ở huyện Tân Uyên, hơn 280 ha lúa bị ngập úng cục bộ, 160 ha ngô và hoa màu bị vùi lấp. Về giao thông, tỉnh Lai Châu thông báo có 6 cầu bị phá hỏng không thể đi lại, trong đó có cả cầu bê tông cứng. Tuyến QL 4D bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông tê liệt. Với hầu hết các tuyến tỉnh lộ, chưa thể đi lại bình thường cho dù lực lượng đoàn viên, thanh niên, quân đội và công an vào cuộc khắc phục 24/24h. Có thể nhiều ngày nữa mới tạm xử lý cho phương tiện thiết yếu qua lại. Các tuyến liên xã, liên bản bị sạt lở vùi lấp diện rộng, thậm chí có tuyến dẫn đến bản Nậm Cầy xã Xà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ) bị sạt lở cô lập khoảng 20 hộ dân khiến các lực lượng phải tìm cách đưa tiếp tế mỳ tôm và nước uống. Ước tính khối lượng đất, đá sạt lở trên các tuyến đường khoảng 700.000m3.

Lai Châu có 41 công trình thủy lợi và nước sinh hoạt bị hư hỏng, cuốn trôi, 17 cột điện bị đổ gãy, một số trường học bị thấm nước, đổ tường rào hoặc bùn tràn vào. Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo tỉnh cho biết, tổng thiệt hại tính đến chiều qua ước tính 90 tỷ đồng. Tỉnh đã huy động mọi lực lượng tìm kiếm người mất tích, kiểm tra, rà soát, di dời khẩn cấp đối với các hộ có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn, nhưng nỗ lực trong mưa lũ hiện gặp rất nhiều thách thức vì hầu hết các tuyến giao thông bị tê liệt. Nhiều chiến sỹ quân đội, công an và đoàn viên thanh niên nhịn đói khát để giúp dân trong mưa lũ, hiện vẫn chưa ngơi nghỉ. Sìn Hồ và Tân Uyên hiện là trọng điểm hỗ trợ.

Anh Sùng A Nủ, Bí thư Tỉnh Đoàn Lai Châu, cho biết đã huy động hàng ngàn lượt đoàn viên, thanh niên đưa đón học sinh đến các điểm thi (chủ yếu bằng xe máy) và phục vụ nấu cơm tại chỗ cho các em.

Tại Lào Cai, lũ đã rút dần nhưng lượng nước lớn vẫn trên mức báo động. Nửa đêm qua vẫn có mưa lớn tại huyện Văn Bàn và một số xã thuộc Sa Pa giáp tỉnh Lai Châu. Anh Giàng Quốc Hưng, Bí thư Tỉnh Đoàn Lào Cai, cho biết lực lượng đoàn viên, thanh niên tại các địa bàn này đã được huy động khẩn cấp tại chỗ giúp dân dọn dẹp nhà cửa, thu hái hoa màu và bám sát nhiệm vụ tiếp sức mùa thi, kiên quyết không để các em bị ảnh hưởng. Tỉnh bị thiệt hại 19 ngôi nhà, 80ha lúa. Tuyến giao thông đến huyện Văn Bàn bị ách tắc do sạt lở, cầu lên Thác Bạc du lịch ở Sa Pa bị cuốn trôi...

Hà Giang: 3 người chết

Tại Hà Giang, ông Phạm Bá Khoát,  Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hà Giang, cho biết, cả đêm 22 đến ngày 25/6, Hà Giang nổi dông và mưa rào kéo dài. Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo tỉnh Hà Giang cho biết tính đến cuối giờ chiều qua, có 3 người chết vì sập nhà (2 người ở huyện Quản Bạ và ở Vị Xuyên 1 người), gần 1.000 ngôi nhà bị ngập úng (chủ yếu tại TP Hà Giang và Vị Xuyên), sập hoàn toàn 10 nhà (ở Quang Bình, Vị Xuyên, Xín Mần và Yên Minh), 62 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở, có 16 nhà bị cuốn trôi, mất trắng tài sản. Chiều qua, các lực lượng phối hợp phải cử thêm người đến di dời hàng chục ngôi nhà tại TP Hà Giang (có 7 khu vực ngập úng nghiêm trọng) và huyện Bắc Quang.

Tỉnh Hà Giang chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp dân khi đang phải đối mặt hậu quả nặng nề mưa lũ, trong đó thiệt hại về nông nghiệp là rất lớn. Hầu hết các huyện đều chịu tổn thất về lúa, hoa màu, cây ăn quả khi có tới hơn 368 ha bị ngập lụt (trong đó hàng chục héc ta đang mùa thu hoạch), nhiều trâu bò bị cuốn trôi. Có khoảng 200ha mạ bị ngập úng, 8 lồng cá và nhà bè bị lũ cuốn mất, gần 10 tấn cá bị thiệt hại và 30ha ao cá bị ngập, vỡ tràn bờ, 37 con lợn bị cuốn trôi, gần 60 đàn ong mật bị dìm trong biển nước (tại Yên Minh, Bắc Quang và Vị Xuyên).

Một số trường học tại Hà Giang bị hư hỏng, đồ dùng học tập bị hư hại. Rất may đang kỳ nghỉ hè nên không có thương vong đối với thầy và trò khi lũ xiết đổ về (tại Quản Bạ, Vị Xuyên và TP Hà Giang). Nhưng giao thông tại tỉnh cực Bắc này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại quốc lộ 4C bị sạt ta luy hàng chục mét khiến tắc đường kéo dài, một chiếc ô tô bị thụt xuống rãnh sâu. QL 279 đoạn qua Bắc Hà bị ngập úng nặng. Cũng tại QL 4C đoạn dẫn lên xã Cán Tỷ bị sạt lở nghiêm trọng. Trong suốt hai ngày qua, Hà Giang phải huy động lực lượng lớn và trưng dụng nhiều máy móc tại chỗ khắc phục, khơi thông và đến chiều qua mới có thể lưu thông. Tại Vị Xuyên, lực lượng phải gồng mình khơi thông 16 điểm ngập lụt và xử lý nhiều cây số bị sạt lở gây ách tắc. Lãnh đạo tỉnh Hà Giang cho biết, các công trình thủy lợi ở Quản Bạ, Vị Xuyên và kè sông Miện bị sạt lở lớn. Các lực lượng huy động hàng ngàn người làm việc bất kể đêm ngày nhưng vẫn chưa thể khắc phục cơ bản. Tổng thiệt hại toàn tỉnh hiện ước tính 25 tỷ đồng.

Đưa đón học sinh đi thi

Hà Giang đã chỉ đạo lực lượng công an sử dụng xe đặc chủng và xuồng máy chuyên dụng chủ động đưa đón học sinh đến các điểm thi THPT. Ngay từ chiều 24/6, lực lượng công an tỉnh đã kịp thời đón hàng trăm học sinh về TP Hà Giang, và sáng sớm hôm qua đến từng nhà đưa các em đến điểm thi. Tin cuối ngày từ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang cho biết đã không có học sinh nào ở TP Hà Giang và huyện Quản Bạ phải lỡ kỳ thi vì mưa lũ. Các lực lượng còn lại liên tục bám sát hiện trường, trong đó quân đội và hàng trăm lượt đoàn viên, thanh niên là chủ lực triển khai phương châm “4 tại chỗ”, khẩn trương hỗ trợ người dân sơ tán đến nơi an toàn, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại, thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn, di dời và bảo quản tài sản, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, TP Hà Giang vẫn đang chịu ngập lụt nặng tại nhiều điểm, thời tiết vẫn diễn biến phức tạp với lượng mưa lớn dù nước sông Lô đã rút dần.

Vì sao mưa thời gian ngắn nhưng liên tiếp lũ quét, sạt lở đất

Mưa lớn ở khu vực miền núi phía Bắc chỉ bắt đầu từ đêm ngày 23/6 kéo sang ngày 24/6 song lại gây ra lũ quét, trượt lở đất ở nhiều nơi, để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Ông Trần Quang Năng, Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nói rằng, có hai nguyên nhân. Thứ nhất là mưa lớn trong thời gian ngắn, tập trung từ Cao Bằng đến Lai Châu, lượng mưa từ 100-200 mm, riêng Hà Giang và Lai Châu có lượng mưa 300 mm, có nơi xấp xỉ 400mm. Đây là lượng mưa rất lớn trong vòng 24h. Mưa lớn kết hợp địa hình bị chia cắt với nhiều thung lũng, lòng chảo nên lượng nước lớn dồn về những vùng này. Thứ hai là thời gian qua, khu vực miền núi phía Bắc liên tục có mưa khiến cho khả năng giữ nước trong đất bị bão hòa. Khi mưa lớn, khả năng giữ nước không còn, tạo ra lũ quét, trượt lở đất ở nhiều nơi.              

NGUYỄN HOÀI

MỚI - NÓNG