Gồng mình giữ đê

Gồng mình giữ đê
TP - Ngày 29-9, tỉnh Đồng Tháp quyết định giữ nhiều tuyến đê bao để bảo vệ nhà cửa, ruộng vườn, chống lại dòng nước lũ cuồn cuộn.

> Gồng mình cứu lấy đê bao
> Vỡ đê liên tục, lũ lụt tấn công nhà dân

Tuyến đê bao Thường Thới Tiền (Hồng Ngự) là tuyến đê lớn nhất tỉnh Đồng Tháp, có chu vi 23 km, trong đó 12 km đang báo động khẩn cấp. Thuộc phạm vi đê bảo vệ có 2.600 ha lúa đang trổ đòng. Trên đê, thường xuyên có 500 - 600 người ngày đêm đóng cọc, đắp đất gia cố và nâng cao, chạy đua với nước lũ.

Trong ngày 29-9, PV Tiền Phong bắt gặp trên tuyến đê Thường Thới Tiền cả Bí thư Huyện ủy Hồng Ngự Nguyễn Hồng Lâm và Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quốc Hưng mình trần nhảy xuống sông ứng cứu đê. Ông Nguyễn Quốc Hưng vuốt nước bùn nhem nhuốc trên mặt, cho biết, lực lượng giáo viên trên địa bàn huyện vừa được lệnh nghỉ dạy đã tham gia ngay vào việc cứu đê với hơn 100 người. Tối nay, có 40 giáo viên của huyện đăng ký tình nguyện ở lại canh đê cùng với lực lượng quân đội, dân quân. Người dân trên tuyến đê bao cũng đã được yêu cầu ra khỏi vùng nguy hiểm ngay trong đêm nay”.

Khu vực nông trại tại ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền, đã chìm trong biển lũ. Phó Bí thư Thường trực huyện Hồng Ngự Ngô Sinh Cảnh cho biết: “Người dân trong và ngoài xã đã ủng hộ mỗi ngày khoảng 3.000 cây bạch đàn để cứu đê, nay không còn cây ủng hộ nữa thì trưng dụng cứu đê cái đã rồi sau này tính với dân sau”.

PV Tiền Phong chạy trên tuyến đê Thường Thới Tiền, thấy lũ dữ đe dọa hằng giờ, tiếng kêu nơi này rạn đê, nơi kia nước sắp tràn, rồi nước rò rỉ cần ứng cứu ngay, cứ vang lên dọc con đê dài. Ông Nguyễn Thành Dân, Phó phòng Kinh tế hạ tầng huyện lo lắng: “Cả tuyến đê này chỗ nào cũng cần phải gia cố khẩn cấp. Nhiều đoạn mực nước đã vượt quá mặt đê cũ đến 50-60 cm. Giải pháp duy nhất bây giờ là dùng cừ bạch đàn đóng sâu xuống thân đê và dùng xáng múc đất từ lòng kinh đắp lên. Lực lượng tại chỗ đã có dấu hiệu đuối sức bởi phải làm việc cật lực nhiều ngày liên tục, họ gồng mình làm việc hầu như trắng đêm. Hiện lực lượng quân đội của tỉnh đã được điều về ứng cứu”.

Sáng 29-9, hàng trăm chiến sỹ, sỹ quan của Tỉnh Đội đã đổ bộ vào các điểm nóng lũ lụt, tiếp sức với lực lượng cứu đê của huyện. Thượng tá Trịnh Hoàng Tâm, Chính trị viên Ban chỉ huy Quân sự huyện Hồng Ngự nói: “Chúng tôi tham gia cứu đê liên tục trên 10 ngày nay, ăn ngủ tại đê, trực chiến 24/24”.

Ở huyện Tân Hồng, Bí thư Tỉnh Đoàn Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết: “Sáng 29-9, có thêm 300 sinh viên trường Đại học Đồng Tháp và gần 100 ĐVTN từ các cơ quan cấp tỉnh đã về vùng lũ xã Thông Bình và Tân Thành A để gia cố đê bao. Chiều 29-9, ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Phó ban thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Đồng Tháp, cho biết đã có 660 ha lúa thu đông bị mất trắng do vỡ đê tại huyện Hồng Ngự và Tân Hồng. Thiệt hại sơ bộ hơn 100 tỷ đồng. Hiện còn 25.000 ha lúa đang bị đe dọa nghiêm trọng và lại đang gặp khó khăn do kinh phí gia cố, bảo vệ đê bao quá lớn, khoảng 100 tỷ đồng. Huyện và tỉnh đã chi hàng chục tỷ đồng để gia cố đê bao cho 4 đầu nguồn vùng lũ gồm: TX Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, Tân Hồng và Thanh Bình. UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã yêu cầu tất cả các trường học tạm thời đóng cửa từ ngày 29-9 đến ngày 8-10.

Một khu vực gần sông Tiền ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) chìm sâu trong nước lũ
Một khu vực gần sông Tiền ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) chìm sâu trong nước lũ.

An Giang tiếp tục vỡ đê

Tin từ Ban phòng chống lụt bão tỉnh An Giang cho biết, khoảng 1 giờ sáng ngày 29-9, tuyến đê thuộc trạm bơm Tà Mốc, xã Vĩnh Trung (Tịnh Biên) đã bị vỡ hơn 20 m, làm ngập khoảng 250 ha lúa. Tính đến nay, lũ lụt tại An Giang đã làm ngập trên 1.000 căn nhà, nhiều tuyến đê và lộ giao thông bị sạt lở. Tỉnh tạm ứng 14 tỷ đồng và đã chuyển về các địa phương cho công tác giữ đê bao bảo vệ lúa thu đông, đồng thời đề nghị Quân khu 9 chi viện lực lượng để hộ đê.

Tám tỉnh ĐBSCL: Di dời toàn bộ dân khỏi vùng sạt lở

Chiều 29-9, Thủ tướng Chính phủ có công điện khẩn gửi 8 địa phương khu vực ĐBSCL, yêu cầu rà soát các khu dân cư, trường học ven sông, kênh rạch, các khu vực ngập lụt để chủ động sơ tán, di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập sâu, tổ chức các điểm trông giữ trẻ tập trung và có phương án đảm bảo an toàn.

Cùng ngày, ông Nguyễn Xuân Diệu, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo PCLB&TKCN T.Ư cho biết, lũ lớn tại An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ đã làm 3 người chết. Đáng chú ý, tại Đồng Tháp, một cháu bé khoảng 4-6 tuổi thiệt mạng chưa xác định quê quán

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.