Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng: Doanh nghiệp mong chờ giải ngân sớm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau hơn 2 tháng kể từ khi chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022 – 2023 (với tổng số tiền 350.000 tỷ đồng) được thông qua, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang ngóng chờ từng ngày được tiếp cận chính sách hỗ trợ. DN bày tỏ kỳ vọng sớm tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để được tiếp sức, vực dậy sau đại dịch.

Kỳ vọng được sớm tiếp cận vốn giá rẻ

Ông Nguyễn Đức Quân, giám đốc một công ty chuyên thiết kế, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại Thanh Hóa cho biết, bắt đầu từ giữa năm 2021, thị trường xuất khẩu của ngành đồ gỗ bắt đầu phục hồi. Số đơn hàng xuất khẩu từ đầu năm 2022 tăng mạnh. Tuy nhiên, kể từ đầu năm tới nay, đa số giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá xăng liên tiếp tăng, khiến cước vận tải hàng hóa đường biển trở thành gánh nặng, tăng chi phí sản xuất.

Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng: Doanh nghiệp mong chờ giải ngân sớm ảnh 1

Công trường thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu. Ảnh: GT

“Thị trường phục hồi, đơn hàng nhiều thêm nhưng cái khó nhất của doanh nghiệp hiện nay là tiếp cận nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Hơn 2 năm vật lộn với dịch bệnh, mọi khoản tiền tích luỹ của doanh nghiệp đã chi gần hết để cầm cự qua dịch. Chúng tôi đang rất ngóng chờ sớm được tiếp cận nguồn vốn vay mới từ gói chính sách phục hồi, phát triển kinh tế 350.000 tỷ đồng vừa được Quốc hội thông qua”, ông Quân cho biết.

Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng: Doanh nghiệp mong chờ giải ngân sớm ảnh 2

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương.Ảnh: Quyền Thành

Theo ông Lê Ngọc Hùng, giám đốc một doanh nghiệp cơ khí tại Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều đối tác xây dựng, mở rộng nhà xưởng nên đơn hàng của công ty tăng khoảng 30%. Cái khó nhất của doanh nghiệp hiện nay là khó tiếp cận thêm nguồn vốn vay. Sau khi biết thông tin về chính sách hỗ trợ giảm lãi suất 2%, ông Hùng và nhiều DN khác rất mừng bởi với nhu cầu vay vốn của mình, các DN sẽ được tiếp cận nguồn tiền ngân hàng với lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, đến nay đã sang tháng 3, hầu hết DN chưa được tiếp cận nguồn vốn này.

“Khoản ngân sách được bổ sung từ chương trình phục hồi (113.000 tỷ đồng) trước mắt sẽ chi ngay cho các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã đủ điều kiện để giải ngân. Từ đó, tạo động lực cho nền kinh tế”.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương

“Điều cần nhất của chúng tôi hiện nay là có thêm vốn để mua nguyên vật liệu cũng như tái đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hầu hết các DN đều đã vay ngân hàng, lãi suất huy động lại đang có xu hướng tăng lên, chúng tôi lại lo sẽ khó vay vốn hơn khi lãi suất tăng. Việc cấp bù lãi suất là chính sách rất cần thiết nhưng cần triển khai càng sớm càng tốt”, ông Hùng nói.

Để “tiếp sức” cho DN, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam kiến nghị, Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ cần thiết cho DN và người dân để chủ động phòng chống dịch COVID-19, hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển bền vững, thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới. Đặc biệt cần sớm giải ngân gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng để tiếp sức cho doanh nghiệp.

“Chúng tôi mong Chính phủ tiếp tục kéo dài gói hỗ trợ cho DN vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đến hết 31/12/2022 và mở rộng điều kiện vay vốn, tăng mức cho vay lên tối đa 6 tháng lương tối thiểu vùng/người lao động”, ông Nam kiến nghị.

Một trong các gói thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 350.000 tỷ đồng được cộng đồng DN trông đợi và góp phần hỗ trợ DN là gói bù lãi suất 2%/năm cho các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh… khoảng 40.000 tỷ đồng. Việc cấp bù lãi suất này hiện chưa được đưa vào thực tế, đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến, phấn đấu sẽ trình chính phủ ngay trong tháng 3.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, gói hỗ trợ lãi suất sẽ không chỉ tác động đến các DN được vay vốn, mà còn tác động tích cực đến cả cộng đồng DN. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, bản thân DN cũng phải tái cơ cấu mô hình kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, việc quan trọng nhất của chính sách hỗ trợ là đầu tư vào dự án khả năng hấp thụ ngay, giúp nền kinh tế phục hồi và lan toả. Điều này sẽ giúp tác động kép tới nền kinh tế. Ví dụ, chính sách giảm 2% thuế VAT giúp người dân giảm chi phí khi mua sắm và kích cầu tiêu dùng. Chỉ cần tăng thêm 1 điểm % tiêu dùng sẽ giúp GDP tăng 0,12%.

Đổ vốn vào phát triển hạ tầng tạo động lực cho nền kinh tế

Trong tổng số vốn hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, có khoảng 1/3 nguồn vốn này dành cho phát triển hạ tầng. Nguồn vốn này thực hiện công trình, dự án cấp bách, có tính lan tỏa, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội. Đây cũng là vốn mồi để các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có điều kiện tiếp tục huy động thêm các nguồn lực khác cho đầu tư phát triển. Theo Bộ KH&ĐT, trong tổng số gần 114.000 tỷ đồng dành cho hạ tầng, dự kiến, sẽ có khoảng 70.000 tỷ đồng dành cho cao tốc Bắc - Nam. Phần còn lại sẽ phân bổ cho một số công trình khác trong các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, y tế và chuyển đổi số...

“Khoản ngân sách được bổ sung từ chương trình phục hồi (113.000 tỷ đồng) trước mắt sẽ chi ngay cho các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã đủ điều kiện để giải ngân. Từ đó, tạo động lực cho nền kinh tế”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, các DN rất phấn khởi khi biết thông tin Quốc hội và Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh dự án đầu tư hạ tầng nhằm tạo việc làm cho rất nhiều DN xây dựng. Tuy nhiên, để đẩy nhanh dự án đầu tư công, vướng mắc lớn nhất ở các nghị định về định mức. Các nghị định về định mức đang sử dụng không phù hợp, khiến nhà thầu xây dựng Việt Nam đắn đo trước khi tham gia dự án.

“Trong dự án hạ tầng, hợp đồng trọn gói trong thời gian dài sẽ khiến DN khó làm nhất là khi giá cả biến động. DN mong muốn cơ quan chức năng sửa đổi các quy định cho phù hợp, để tạo điều kiện cho DN tham gia xây dựng gói kết cấu hạ tầng trong chương trình 350.000 tỷ đồng, từ đó tạo cơ hội cho DN phục hồi cùng nền kinh tế”, ông Hiệp kiến nghị.

Để thúc đẩy giải ngân vốn cho đầu tư hạ tầng, Bộ KH&ĐT cũng đang xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù chỉ định thầu cho giai đoạn 2 dự án cao tốc Bắc - Nam.

Theo Bộ KH&ĐT, 350.000 tỷ đồng để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội gồm: Chi phát triển kết cấu hạ tầng khoảng 114.000 tỷ đồng; Giảm 2% thuế giá trị gia tăng, tương đương khoảng 49.400 tỷ đồng (bắt đầu thực hiện từ tháng 2/2022). Ngoài ra, trong 350.000 tỷ đồng còn có các khoản chi khác như: cấp vốn cho quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm và khoảng 14.000 tỷ đồng cho hệ thống y tế.

MỚI - NÓNG