Gói giảm thuế mùa dịch COVID-19: Vì sao loại các phương án giảm 40 nghìn tỷ?

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Tài chính ưu tiên lựa chọn gói giải pháp giảm thuế 20 nghìn tỷ đồng thay vì gói trên 40 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính ưu tiên lựa chọn gói giải pháp giảm thuế 20 nghìn tỷ đồng thay vì gói trên 40 nghìn tỷ đồng.
TPO - Trong gói giải pháp về giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, người kinh doanh gặp khó khăn do dịch COVID-19, Bộ Tài chính nghiên cứu hai gói chính sách và ưu tiên lựa chọn gói có tổng số tiền thuế giảm khoảng 20.000 tỷ đồng, gói còn lại giảm trên 40.000 tỷ đồng (tính tổng các phương án) không được bộ này chọn.

Bộ Tài chính vừa gửi lấy ý kiến các bộ ngành Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp thu ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người kinh doanh chịu ảnh hưởng dịch COVID-19. Theo đó, có 3 chính sách giảm thuế, 1 chính sách miễn tiền lãi chậm nộp. Mỗi chính sách đơn vị soạn thảo đưa ra 2 phương án khác nhau, số tiền miễn giảm cũng khác nhau.

Tại mỗi chính sách Bộ Tài chính ưu tiên lựa chọn 1 phương án, tổng số tiền miễn giảm theo lựa chọn này khoảng 20.000 tỷ đồng, trong khi các phương án không được bộ này chọn có tổng giá trị trên 42.300 tỷ đồng. Các đề xuất đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, sau đó sẽ hoàn thiện và báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định mức miễn giảm thuế hỗ trợ DN và người dân kinh doanh.

Chính sách giảm 30% thuế thu nhập DN năm 2021:

Phương án 1: Giảm 30% thuế thu nhập DN cho đơn vị có tổng doanh thu cả năm không quá 50 tỷ đồng. Dự kiến số tiền thuế được giảm khoảng 3.800 tỷ đồng/năm.

Phương án 2: Giảm 30% thuế thu nhập DN cho đơn vị có tổng doanh thu cả năm không quá 200 tỷ đồng, tổng số tiền thuế giảm khoảng 6.000 tỷ đồng/năm.

Bộ Tài chính đánh giá, phương án 1 tuy có lợi cho thu ngân sách, nhưng đối tượng hưởng hẹp, nên bộ này ưu tiên chọn phương án 2 để nhiều DN được lợi.

Giảm thuế phát sinh trong nửa cuối năm với tất cả hộ và cá nhân kinh doanh:

Phương án 1: Giảm 30% thuế với tất cả hộ và cá nhân kinh doanh trong mọi thành phần, lĩnh vực, dự kiến tổng tiền thuế giảm khoảng 2.640 tỷ đồng.

Phương án 2: Giảm 50% thuế kể trên, dự kiến tổng tiền thuế giảm khoảng 4.400 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đánh giá, số thu ngân sách với hộ và cá nhân kinh doanh không lớn, nên chọn phương án 2 để hỗ trợ được nhiều đối tượng hơn.

Chính sách giảm 30% thuế giá trị gia tăng (VAT) từ ngày quy định có hiệu lực tới hết năm nay:

Phương án 1: Giảm thuế VAT với một số lĩnh vực chịu tác động lớn do dịch COVID-19, như: vận tải, du lịch, lưu trú, giải trí, thể thao... tổng số tiền thuế giảm khoảng 6.900 tỷ đồng.

Phương án 2: Giảm thuế VAT với tất cả ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, tổng số tiền giảm khoảng 30.600 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đánh giá, phương án 2 sẽ hỗ với tất cả lĩnh vực kinh doanh, nhưng tác động lớn lên ngân sách, trong khi ngân sách cần tập trung hỗ trợ nhóm chịu ảnh hưởng nặng nhất. Từ đó, bộ này ưu tiên chọn phương án 1.

Chính sách miễn tiền phạt chậm nộp thuế phát sinh trong năm 2020 và 2021:

Phương án 1: Miễn tiền phạt chậm nộp thuế cho DN lỗ trong năm 2020, tổng số tiền miễn khoảng 5.300 tỷ đồng.

Phương án 2: Miễn tiền phạt chậm nộp thuế cho DN lỗ 3 năm liên tục (2018-2020), số tiền miễn khoảng 2.700 tỷ đồng.

Bộ Tài chính nhận định, phương án 1 sẽ có nhiều DN được hưởng lợi, nhưng ảnh hưởng lớn tới ngân sách, tạo tâm lý chây ỳ nợ thuế để mong được miễn tiếp và có cả DN không thật sự khó khăn cũng được hưởng lợi (gây mất công bằng). Do đó, bộ này ưu tiên chọn phương án 2.

Ngoài các chính sách đang đề xuất trên, hiện một số chính sách về thuế, phí, tiền thuê đất đang được áp dụng có tổng giá trị khoảng 118.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền thuế, phí miễn, giảm khoảng 3.000 tỷ đồng (số còn lại là tiền gia hạn).

Trước đó, năm 2020, tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm cho DN, người dân khoảng 129.000 tỷ đồng. Trong đó, tiền đã miễn, giảm hơn 31.500 tỷ đồng (còn lại là gia hạn nộp).

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.