Tại Hội nghị triển khai chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng ngành xây dựng lần 2 tổ chức tại Hà Nội, ngày 17/4, ông Phan Thành Mai, Tổng Giám đốc VNCB, khẳng định: “Đây là gói tín dụng thương mại thông thường, không được hưởng ưu đãi”.
Các DN khi tham gia gói tín dụng này cần chứng minh dự án khả thi, thủ tục pháp lý đầy đủ, phương án kinh doanh tốt, dự án có khách hàng… Còn các ngân hàng (trong nhóm đã ký kết với VNCB) sẽ thẩm định tính khả thi của dự án và cho vay dưới hình thức tín chấp.
Một DN bất động sản tại miền Bắc (xin giấu tên) chia sẻ: “Gói tín dụng không nằm ở số lượng mà nằm ở cách thức cho vay. Dù là chuỗi liên kết 4 nhà (ngân hàng, đầu tư, vật liệu, thi công), nhưng ngân hàng có nghiệp vụ của ngân hàng; không ngân hàng nào cho dự án thiếu đầu ra vay để thành nợ xấu. Vì vậy, việc tiếp cận gói 50.000 tỷ đồng là điều khó khăn với nhiều doanh nghiệp”.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành (TPHCM, DN tham gia ký kết với các ngân hàng, cho hay, nếu triển khai tốt, gói 50.000 tỷ đồng có thể giúp dự án dở dang thực hiện tiếp. Tuy nhiên, dự án phải có đầu ra. “Nếu đổ tiền vào dự án không bán được, ngân hàng mất tiền, DN ôm nợ. Do đó, điều kiện tiên quyết nhất là những sản phẩm làm ra phải bán được, đấy là yếu tố quyết định của chương trình này”, ông Đực nói.
Về việc ngân hàng liên kết thành nhóm sẽ hạn chế sự cạnh tranh, người vay không còn được hưởng lợi, ông Đực nói: “Cạnh tranh trong ngân hàng không lớn, chỉ chênh nhau 1-2% lãi suất. Đối với DN, nếu ngân hàng nào cho vay dễ hơn thì lãi suất có cao hơn chút ít cũng sẵn sàng vay”.
Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam nói: “Phương thức này là tốt, nhưng quan trọng thực hiện thế nào? Nếu chỉ đạo không tốt, bản thân ngân hàng, DN không nghiêm túc sẽ khó giải ngân gói này”.