Gói 100 nghìn tỷ cho nông nghiệp công nghệ cao: Cảnh báo chạy theo phong trào

Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao một cách bài bản, có đầu ra sẽ giúp người nông dân hưởng lợi​. Ảnh: Bình Phương.
Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao một cách bài bản, có đầu ra sẽ giúp người nông dân hưởng lợi​. Ảnh: Bình Phương.
TP - Các doanh nghiệp cho rằng, dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) cứ lo được thị trường tốt, các ngân hàng sẽ tự tìm đến cho vay vốn. Trong khi, các chuyên gia cảnh báo, đầu tư NNCNC không thể chạy theo phong trào, thiếu bền vững.

Tại hội thảo về nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng NNCNC hôm qua, ông Lê Thành, Viện trưởng Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ  cho rằng: “NNCNC phải gắn với chuỗi giá trị mới thành mô hình kinh tế. Chứ đầu tư 3-4 nghìn tỷ đồng mà không gắn với thị trường thì đó là một gánh nặng với ngân hàng cũng như nhà đầu tư”.

Bởi thế, trước khi triển khai dự án 1.500 tỷ đồng để xây dựng nhà máy Tanifood (thành viên của Cty CP Lavifood) chế biến rau củ quả ở Tây Ninh, ông Thành đã tìm hiểu, xúc tiến được những hợp đồng đặt hàng từ đối tác ở Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc… “Có hợp đồng, chúng tôi mới cụ thể hóa sản xuất gì, nhà máy thế nào, 50 nghìn ha vùng trồng xoài, dứa, chanh leo…từng giai đoạn ra sao và đặc biệt sản xuất phải vượt qua được hàng rào tiêu chuẩn quốc tế”- ông Thành nói.

Từ kinh nghiệm đầu tư vào ngành chăn nuôi hàng chục năm nay, bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Cty Ba Huân cho rằng, không phải ai cũng làm được NNCNC vì doanh nghiệp “lên bờ xuống ruộng nhiều lắm rồi”. Bà Ba Huân cho biết, đến nay số doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến trứng chỉ “đếm đầu ngón tay”. Theo bà, vấn đề rất khó khi đầu tư chính là đầu ra cho sản phẩm.

Theo bà Ba Huân, khi sản phẩm hướng tới bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo an toàn thực phẩm, thì “đi đến đâu họ tự giới thiệu đến đó”. Từ đó, việc tiếp cận vốn từ ngân hàng không phải là vấn đề lớn.

Không chạy theo phong trào

Theo ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng, với lãi suất thấp hơn 0,5%-1,5%/năm so với lãi suất thông thường cùng kỳ hạn, mang lại nhiều hy vọng cho doanh nghiệp đầu tư vào NNCNC.

Tuy nhiên, đến nay, những khái niệm về NNCNC, tiêu chí đánh giá dự án, quy hoạch khu NNCNC; yêu cầu, quy định tiếp cận nguồn vốn, tài sản đảm bảo, lãi suất…vẫn còn nhiều điểm cần làm rõ. “Phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất, việc tiếp cận gói tín dụng 100 ngàn tỷ đồng hẳn sẽ rất khó khăn”- ông Môn nói.

Liên quan gói 100 nghìn tỷ đồng nói trên, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp trên  32.300 tỷ đồng với 4.125 khách hàng (3.957 khách hàng cá nhân, 168 doanh nghiệp). Trong đó, vốn vay cho NNCNC trên 27.700 tỷ đồng, nông nghiệp sạch 4.600 tỷ đồng, và hiện không phát sinh nợ xấu.

Tuy nhiên, theo ông Tần, NNCNC, nông nghiệp sạch là một hướng phát triển mới, chưa có tiền lệ nên tiềm ẩn rủi ro. Trong khi đó, vốn đầu tư cho những dự án trên rất lớn, thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Hiện nay các công trình sản xuất NNCNC như nhà kính, nhà lưới... chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, nên doanh nghiệp không sử dụng làm tài sản thế chấp để vay vốn.

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng, vài năm lại đây, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, ngân hàng, quỹ đầu tư… đã và đang chuyển dịch vốn, đầu tư, kinh doanh sang khu vực nông nghiệp. Theo ông, sản xuất NNCNC trước hết phải dựa trên tín hiệu thị trường, phản ánh cả nhu cầu và đòi hỏi mới.

TS Thành cũng cảnh báo sẽ có nguy cơ chuyển đổi sang sản xuất NCCNC không thực chất, mang tính “phong trào”. Hậu quả là không tạo được cú hích thực sự, quá trình chuyển đổi thiếu bền vững.

“Người ta có thể lợi dụng “ngọn cờ phong trào” để có lạm dụng chính sách, làm méo mó thị trường. Bài học cho thấy, nông dân chưa hẳn được hưởng lợi tương xứng từ chính sách hỗ trợ”- TS Thành nói.

Vị chuyên gia này cho biết, sản xuất NNCNC cũng cần những lời giải đáp thấu đáo về vấn đề tích tụ đất đai, dịch chuyển lao động, lợi ích trước mắt và lâu dài của người nông dân. “Chúng ta cần làm quyết liệt nhưng phải bài bản và có sự nghiên cứu nghiêm túc. Cần tránh sự dẫn lối chính sách mang tính áp đặt”- TS Thành nói.

“Tại sao công nghệ cao lại được ưu đãi, trong đó có ưu đãi tín dụng? Và trong tín dụng, ưu đãi gì là quyết định, là hạ lãi suất, dễ tiếp cận hay là gì… Tôi nghe có vẻ như câu chuyện khác nhiều hơn là câu chuyện hỗ trợ tín dụng”

TS Võ Trí Thành 

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.