Góc lặng lẽ của 'thần đồng' Ðỗ Nhật Nam

Nam luôn hạnh phúc với sự chăm sóc yêu thương của bố mẹ. Ảnh: CTV.
Nam luôn hạnh phúc với sự chăm sóc yêu thương của bố mẹ. Ảnh: CTV.
TP - Có nhiều kỷ lục được thần đồng Ðỗ Nhật Nam xác lập khiến mọi người thán phục, nhưng điều ít ai biết tới ở cậu bé 14 tuổi này là một tâm hồn nhạy cảm, bao dung chan chứa yêu thương và đa tài với những vần thơ rưng rưng xúc động. Phía sau ánh hào quang của “thần đồng” là một gia đình tràn đầy tình yêu thương, một quy ước “tiến - lui” đặc biệt.

Ðể con là người hạnh phúc nhất

Sẽ không có một công thức nào nuôi dạy con thành thần đồng, nhưng chắc chắn để con là người hạnh phúc thì không thể thiếu sự chăm sóc, yêu thương vô bờ của người mẹ. Ðó là những điều tốt đẹp nhất chị Phan Thị Hồ Ðiệp, mẹ Ðỗ Nhật Nam dành cho con. Khát vọng duy nhất ấp ủ trong người mẹ vô cùng đặc biệt này là mong Nam trở thành người hạnh phúc.

PGS.TS Ðỗ Xuân Thảo (ÐH Sư phạm Hà Nội) đưa vợ theo khi sang Nhật giảng dạy. Chị Ðiệp mang thai Nam đầy khó khăn và nguy hiểm. Các bác sĩ ở Nhật cảnh báo chị về nguy cơ khó giữ được em bé. Nhưng năm 2001, điều kỳ diệu đã giúp Nam có mặt trên đời là quyết tâm và tình thương yêu vô bờ của vợ chồng TS Thảo cùng sự chăm sóc y tế trình độ cao tại Nhật. Cậu bé “thần đồng” được sinh ra là điều kỳ diệu và sớm được hưởng sự chăm sóc, giáo dục khá đặc biệt của bố mẹ ở đất nước phát triển hàng đầu về mọi mặt như Nhật Bản. Năm Nam 5 tuổi, gia đình TS Thảo trở về Việt Nam sinh sống. 

Bất cứ ai biết đến Nam đều cảm nhận sự quan tâm đặc biệt của gia đình dành cho em, nhưng ít người biết đến trong gia đình Nam có một quy ước đặc biệt: “Một người tiến, một người lui”. Do đó, trách nhiệm trụ cột gia đình, làm kinh tế giao cho bố Nam; chị Ðiệp lui hẳn phía sau, dành thời gian, công sức chăm sóc tổ ấm gia đình và giáo dưỡng Nam. Nhờ quy ước này, chị Ðiệp có nhiều thời gian vui chơi, dạy bảo Nam từ ngày em lọt lòng mẹ. Chị Ðiệp bảo, đó là quyết định, “quy ước” tuyệt vời nhất để có được bé Nam như bây giờ và anh chị xây dựng tổ ấm ngập tràn yêu thương, hạnh phúc như vốn có bao năm qua.

Thi IELTS đạt 8.0 với điểm reading (đọc) đạt tuyệt đối: 9.0. Năm 11 tuổi, Nam lên đường du học trường St. Paul The Apostle, bang Texas (Mỹ) vào tháng 8/2014 khi ở tuổi 13. Nam được nhiều bạn bè  ở các quốc gia biết đến khi trở thành đại diện cho châu Á trình bày bài diễn thuyết tại Hội nghị Khoa học Giáo dục TEDxKID (Mỹ) tổ chức toàn cầu cuối năm 2014 với chủ đề “Nụ cười”. Với Nam, hạnh phúc mỗi ngày thể hiện bằng nụ cười. Sau vài tháng học tại Mỹ, Nam trở thành một trong những học sinh xuất sắc toàn bang, đạt được nhiều giải thưởng, bằng khen. “Mẹ luôn ủng hộ mọi dự định của em, dù ngớ ngẩn hay chín chắn. Mỗi lúc nói với mẹ về dự định của mình, em rất thích nhìn đôi mắt cười của mẹ khi nghe em nói: Con làm được, chắc chắn sẽ làm được. Dù chính em đôi khi nói xong cũng cảm thấy là mình sẽ chẳng bao giờ có thể thực hiện được!”, “thần đồng” chia sẻ.

Thành tích của Nam luôn dẫn đầu, nhưng chị Ðiệp cho biết, không phải lúc nào cậu cũng ngoan, lúc nào cậu cũng nghe lời. Cũng có khi Nam mắc lỗi hoặc “ngại” học. Ngày học ở trong nước, một lần cô giáo phản ánh Nam không làm bài tập. Về nhà Nam than thở: “Con chán học lắm rồi. Cứ ngồi viết viết, chép chép chả có gì hay. Bây giờ em nghỉ học, mẹ chơi cùng con nhé!”.

Trước những tình huống ấy, bao giờ chị Ðiệp cũng hỏi lại chính ý kiến của Nam nêu ra, như một cách để thăm dò để nghe những giãi bày tiếp và duy trì cuộc hội thoại trên tinh thần hợp tác. “Cố gắng để hài hước. Trong mọi tình huống khó khăn, hài hước bao giờ cũng là cách để “hóa giải” mọi việc nhẹ nhàng nhất. Trên hết là trái tim, tình yêu dành cho con, làm bạn điều đó đã nằm sẵn trong trái tim mỗi người mẹ”, chị Ðiệp chia sẻ kinh nghiệm.

Góc lặng lẽ của 'thần đồng' Ðỗ Nhật Nam ảnh 1

Nhật Nam và bố. Ảnh: CTV.

Hãy mãi là người tốt

Gặp Nam đầy tự tin, vui vẻ ở Ðại hội Tài năng trẻ Việt Nam tháng 12 mới đây, tôi chào: “Này chàng trai, tên của em có một phần đất nước đấy nhỉ?!”, “Vâng, đó là điều đặc biệt của riêng em vì tên em ghép giữa nơi em sinh ra, quê hương đất nước của em: Nhật Bản-Việt Nam. Em tự hào mình là người Việt”. Nam chia sẻ, cậu vẫn luôn ấp ủ được ra “biển lớn” ngay từ ngày còn nhỏ nên việc học hành, khám phá và tìm hiểu các vấn đề xã hội “ngấm” vào tâm trí khiến cậu lúc nào cũng tràn đầy năng lượng, tự tin thể hiện hiểu biết của mình.

Trong cuộc gặp mặt, nói chuyện với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng đại biểu dự ÐH Tài năng trẻ, “thần đồng” Nhật Nam lại khiến mọi người thán phục, xúc động khi nói rằng: “Dưới “bóng mát” của hòa bình, giới trẻ có thể hội nhập với thế giới, giúp đất nước vượt qua những yếu kém, đói nghèo, mang Việt Nam đi xa hơn”.

Năm 7 tuổi, Ðỗ Nhật Nam từng lập kỷ lục “Dịch giả nhỏ tuổi nhất” khi dịch thành công 2 cuốn sách khoa học dành cho thiếu nhi. Năm 2012, với cuốn “Tớ đã học tiếng Anh như thế nào” được xuất bản, Nhật Nam tiếp tục xác lập thêm kỷ lục “Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất được xuất bản”. Cuốn sách đã truyền đam mê, kinh nghiệm học ngoại ngữ quý giá tới hàng triệu bạn nhỏ. Nam kể, mẹ luôn chỉ cho em “quyền và nghĩa vụ” được làm một người tốt. Mẹ khuyến khích mọi công việc em làm để đem lại niềm vui cho mọi người. “Mẹ và em đã cùng nhau xem phim Pay it forward (Ðáp đền tiếp nối - PV) đến mấy chục lần và mẹ luôn nói: “Con hãy làm “dự án” như cậu bé Trevor trong phim: Khi có ai đó giúp đỡ bạn, xin đừng trả ơn mà hãy làm ơn cho 3 người khác và 3 người sẽ giúp 9 người, cứ thế mà tiếp nối và mọi người sẽ mang lại điều tốt cho nhau...” .

Chàng trai đa cảm cho biết nhiều lần rơi nước mắt vì nhớ thương bố. Riêng lời chúc nhân dịp sinh nhật bố mà Nam viết gửi qua facebook đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người đọc mọi lứa tuổi. Rất nhiều người xúc động với những kỷ niệm của Nam viết về bố Thảo: “Bố hay rơi nước mắt. Nhắc lại chuyện ngày xưa, Bố khóc. Nhà có ai bị ốm, Bố khóc. Con bị tổn thương, Bố khóc. Bố làm con mỗi lần nhớ lại, chẳng muốn khóc đâu mà mắt vẫn ướt”.

Riêng với mẹ, ngoài nhiều câu chuyện xúc động, Nam thường viết thơ. Hỏi chuyện làm thơ, Nam bảo đó như nguồn cảm hứng sẵn có trong em. Ðặc biệt khi ở xa, tình cảm nhớ thương gia đình đã là chất xúc tác cho những câu thơ ra đời. “Mẹ luôn dạy cho em cách sống hòa mình vào thiên nhiên, dạy em cách trở thành một người đàn ông lãng mạn. Nếu không có mẹ, chắc em chẳng bao giờ nhớ và cảm nhận được cái hay của những câu thơ như: Có chiếc thuyền trong sương trắng/ Bồng bềnh như một cánh chim/ Có em chèo thuyền áo trắng/ Xôn xao như trốn như tìm. Và còn biết bao những câu thơ như thế”, Nam chia sẻ

Bài thơ đầu tiên Nam làm là viết tặng mẹ dịp 20/10, đúng 2 tháng sau khi Nam du học ở Mỹ, khi đó cậu 13 tuổi. Chị Ðiệp nhớ lại, những vần thơ đầu tiên mộc mạc nhưng khi thức giấc với tin nhắn của con trai cách xa nửa vòng trái đất “Mẹ ơi, em có quà đặc biệt dành cho mẹ” khiến chị òa khóc. 

Dù cho xã hội gọi em là “thần đồng” nhưng bản thân Nam và gia đình chưa bao giờ nghĩ em là thần đồng. Có nhiều người hỏi chị Ðiệp: “Nam sau này sẽ ra sao?”, chị Ðiệp tâm sự: “Thay vì tìm cách trả lời cho câu hỏi: Biết ra sao ngày sau, mình cứ như hàng cây nhẫn nại vượt qua khó khăn tích đủ năng lượng, tích thêm hiểu biết bởi “Càng hiểu biết, con người càng tự do”.

Tự do sống cuộc đời của chính mình, tử tế, an nhiên, hạnh phúc, dù mình có là ai”.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.