Gốc đào chết khô la liệt, người dân Yên Bái nặng lòng lo mất Tết

TPO - Sau cơn bão số 3, một số "thủ phủ" đào tại thành phố Yên Bái như xã Minh Bảo, Giới Phiên, Âu Lâu bị tàn phá nặng nề, nhiều diện tích trồng đào bị ngập úng, thối rễ, chết khô, dự báo một năm nhiều khó khăn đối với người trồng đào tại Yên Bái.

Xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái vốn nổi danh là "thủ phủ" trồng đào có tiếng tại tỉnh Yên Bái. Đây là nơi tập trung nhiều gia đình trồng đào có tiếng từ lâu, nhiều gốc đào cổ thụ hàng trăm năm tuổi, được giới "chơi đào" mua với giá lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, sau cơn bão số 3, nhiều diện tích trồng đào tại đây bị nhấn chìm trong biển nước, lũ đi qua để lại cho khu vực này một màu xám tro của phù sa vùi lấp, những gốc đào bị chết khô la liệt các vườn, những cây còn lá xanh cũng chỉ lưa thưa, lay lắt.

Gốc đào chết khô la liệt, người dân Yên Bái nặng lòng lo mất Tết ảnh 1

Cả thôn Ngòi Châu, xã Giới Phiên gần như nhà nào cũng trồng hàng chục đến hàng trăm gốc đào.

Những ngày đầu tháng 12, có mặt tại thôn Ngòi Châu, xã Giới Phiên, phóng viên ghi nhận không khí ảm đạm nơi những gia đình trồng đào nơi đây, một số vườn đào nằm trên cao, người dân đã tranh thủ tuốt lá, tỉa cành, chăm sóc cây để cho ra hoa đúng thời điểm Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó là khung cảnh trái ngược hoàn toàn, nhiều gia đình nằm dọc bên suối chỉ ngồi lặng bên cửa, nhìn vào những gốc đào hàng năm thu về cho gia đình hàng trăm triệu đồng mỗi dịp Tết đã chết khô, héo mòn, dù đã cố gắng cứu nhưng vẫn bất lực.

Gốc đào chết khô la liệt, người dân Yên Bái nặng lòng lo mất Tết ảnh 2Gốc đào chết khô la liệt, người dân Yên Bái nặng lòng lo mất Tết ảnh 3

Những gốc đào chết khô khắp trên các vườn khiến người dân đau xót.

Xung quanh thôn là cảnh những vườn đào bị nhổ bỏ nham nhở, những gốc đào xếp thành đống để làm củi đốt, những vườn chưa nhổ bỏ cũng cưa cành, để chết khô bỏ đó.

Dẫn chúng tôi ra khu vườn hơn 1ha với gần 400 gốc đào của gia đình, bà Trần Thị Kim Sa (ở thôn Ngòi Châu, xã Giới Phiên) vừa nhổ lên một gốc đào lớn, vừa buồn bã chia sẻ, chưa bao giờ gặp tình trạng cây chết do ngập nước như thế. Sau lũ, cây vẫn xanh tốt, bà con ra khoanh gốc, bới đất để lưu thông nước, làm tơi đất giúp rễ cây tiêu thoát, không ứ nước trong rễ với hy vọng cây có thể sống tốt, có cơ hội thu hoạch để có tiền tiêu Tết.

Gốc đào chết khô la liệt, người dân Yên Bái nặng lòng lo mất Tết ảnh 4
Gốc đào chết khô la liệt, người dân Yên Bái nặng lòng lo mất Tết ảnh 5

Bà Sa chua xót khi những gốc đào của gia đình bị chết sau bão lũ.

Tuy nhiên, sau chừng nửa tháng, rồi một tháng, lá cây rụng dần, các cành non khô héo, cây chết dần, bà con ra kiểm tra thì gần như toàn bộ diện tích các cây bị thối rễ, không thể cứu chữa.

Theo bà Sa, những gốc đào bị chết từ loại mấy trăm nghìn/gốc đến mấy triệu, mấy chục triệu/gốc. Cây bị chết do ngâm trong nước lâu, dẫn đến thối rễ. Cả gia đình đều trông chờ vào nghề trồng đào, hàng năm thu về mỗi đợt tết từ 200 - 400 triệu đồng.

Gốc đào chết khô la liệt, người dân Yên Bái nặng lòng lo mất Tết ảnh 6

Người dân cưa từng đoạn để tìm cách cứu đào nhưng bất thành.

"Sau cơn lũ vừa rồi, quá nửa số gốc đào của gia đình bị chết. Giờ cả nhà không biết trông chờ vào đâu, ước thiệt hại cũng vào khoảng 200 - 300 triệu đồng. Chưa kể, giờ trồng mới không biết đất có thích hợp nữa không, thời gian để trồng đến lúc đào cho ra hoa cũng mất vài năm, gia đình trong một vài năm tới sẽ phải tính cách khác để đảm bảo kinh tế, ổn định cuộc sống", bà Sa nặng lòng tâm sự.

Gia đình ông Nguyễn Đức Huệ (ở thôn Ngòi Châu, xã Giới Phiên) nổi tiếng trong vùng với nhiều gốc đào cổ thụ, nhiều cây thế đẹp, giá mỗi cây lên đến hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, cũng như các gia đình khác trong thôn, vườn đào nhà ông Huệ bị ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 3 gây ra.

Gốc đào chết khô la liệt, người dân Yên Bái nặng lòng lo mất Tết ảnh 7Gốc đào chết khô la liệt, người dân Yên Bái nặng lòng lo mất Tết ảnh 8

Ông Huệ suy đoán với tình trạng hiện tại, giá đào năm nay sẽ tăng lên tới 30% so với mọi năm.

Ông Nguyễn Đức Huệ cho biết, những gốc đào lâu năm hay trồng trong bầu thường bị chết do hết chất dinh dưỡng, những gốc mới còn có hy vọng cứu sống, nhưng không biết những năm sau như thế nào. Đối với những cây chết thì gia đình cũng chỉ cưa, chặt đi làm củi đốt, nhưng đau xót lắm vì giá mỗi gốc lên đến hàng triệu đồng, mỗi lần đun bếp là ruột gan quặn lên.

Theo ông Huệ đánh giá, tình hình hiện tại của xã Giới Phiên như vậy, một số xã điểm trồng diện tích đào lớn ở Yên Bái như xã Minh Bảo, xã Việt Thành cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Các tỉnh dưới xuôi cũng trong tình cảnh tương tự, nên năm nay sợ không đủ đào để phục vụ, giá đào chắc chắn sẽ tăng lên 30%, người dân chuyển từ chơi đào thế, đào cổ thụ sang đào cành, đào rừng.

Gốc đào chết khô la liệt, người dân Yên Bái nặng lòng lo mất Tết ảnh 9

Người dân tập trung cứu chữa những gốc đào còn lại.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Luận cho biết, sau đợt mưa lũ, địa phương cũng kiểm kê, hỗ trợ đối với những gia đình bị thiệt hại. Đồng thời, cán bộ khuyến nông vào hướng dẫn người dân chăm sóc nhằm cứu những gốc đào chưa bị thối rễ, khô lá.

Đối với những vườn có diện tích lớn bị chết, địa phương hướng dẫn người dân cải tạo đất, trồng các loại cây ngắn ngày để khôi phục đất, trồng xen các gốc đào để chuẩn bị cho các vụ sau.

Tin liên quan