Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ:

Gỡ vướng trong liên kết “ba nhà”

TP - Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ thành phố Hà Nội Lê Xuân Rao vừa ký thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng với Cty Nusa, Cty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông trên cơ sở hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học công nghệ thành phố.
Giám đốc Sở KHCN Hà Nội Lê Xuân Rao (đứng giữa hàng đầu) ký cam kết hợp tác với 2 doanh nghiệp. Ảnh: Tuấn Minh

Nhiều dự án cần hỗ trợ

Dự án được Cty NUSA đề xuất nhằm hoàn thiện công nghệ xây dựng các hệ thống xử lý, cấp nước sạch và nước uống trực tiếp an toàn dạng modul tổ hợp đa năng, quy mô phân tán phù hợp với khu vực nông thôn ven đô, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Công nghệ mà NUSA sử dụng đủ khả năng xử lý được nhiều nguồn nước đầu vào khác nhau, không sử dụng hóa chất mà sử dụng kỹ thuật bão hòa khí, sơ lắng, với vật liệu hấp thụ than, khử trùng bằng tia cực tím UVC.

“Làm khoa học thì phải chấp nhận rủi ro. Không thể biến nhà khoa học thành những nhân viên kế toán, suốt ngày chỉ lo sổ sách. Hiện đang còn khoảng cách không nhỏ từ cơ chế chính sách đến thực tế nghiên cứu, ứng dụng”.

 Ông Lê Hồng Sơn

Điều đáng lưu ý, theo Cty NUSA, không chỉ chất lượng tốt, giá thành để sản xuất ra nước uống theo công nghệ này rẻ hơn đáng kể so với một số loại nước trên thị trường hiện nay. “Hiện nay nhu cầu về các hệ thống xử lý nước sạch rất lớn. Hà Nội hiện có tới 930 trường mẫu giáo với khoảng 450.000 học sinh. Cả nước có tới 29.000 trường tiểu học và THCS, THPT tương đương 15 triệu học sinh”, đại diện lãnh đạo Cty NUSA nói.

Ông Trần Trung Tưởng, Phó tổng Giám đốc Cty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đề nghị Quỹ hỗ trợ 6,5 tỷ đồng (gần 50% vốn đầu tư) cho dự án nghiên cứu phát triển công nghệ vỏ nhôm bọc nhựa cho sản suất LED Bulb và công nghệ tích hợp modul LED công suất cao nhằm nội địa hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây thực sự là bước tiến mới của doanh nghiệp này sau khi khá thành công với nhiều sản phẩm đèn LED đa dạng có ưu điểm vượt trội về tiết kiệm điện năng, độ bền và thẩm mỹ.

Là việt kiều sống tại CH Séc gần 30 năm đầu tư về quê hương, ông Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch HĐQT Cty CP Công nghệ JAMES BOAT đề xuất hỗ trợ sản xuất tàu thuyền từ vật liệu mới PPC ứng dụng công nghệ cao. “Hiện chúng tôi đang nhận được nhiều đơn đặt hàng mặc dù Cục Đăng kiểm mới chỉ cấp chứng nhận cho các sản phẩm của Cty ở dạng thử nghiệm. Tôi kiến nghị cơ quan đăng kiểm sớm ban hành tiêu chuẩn để tàu thuyền làm bằng vật liệu mới PPC được lưu hành rộng rãi”, ông Sơn nói. Một số doanh nghiệp khác cũng đề nghị hỗ trợ để quy hoạch mạng lưới các bến tàu du lịch trên sông Hồng, tiếp tục hỗ trợ sản xuất Đông Trùng Hạ Thảo…

Cắt giảm thủ tục

Theo nội dung ký kết với một số doanh nghiệp chiều ngày 15/5 vừa qua, Quỹ Phát triển khoa học công nghệ (PTKHCN) thành phố Hà Nội cam kết sẽ tài trợ vốn cho dự án của Cty NUSA, Cty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông và một số dự án khác nếu các dự án này được Hội đồng thẩm định thông qua. Đại diện Sở KHCN Hà Nội cho biết, nếu được Quỹ hỗ trợ vốn thì doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều thuận lợi, nhất là quy trình, thủ tục giải ngân sẽ rất nhanh mà không phải thông qua cơ quan tài chính, kho bạc, lập kế hoạch mất nhiều thời gian như trước. Trách nhiệm của Hội đồng thẩm định, lãnh đạo Quỹ cũng được nâng lên theo hướng lấy hiệu quả ứng dụng của dự án làm mục tiêu.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng, hợp tác “ba nhà” gồm nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý đã được nói đến từ rất lâu rồi nhưng còn nhiều vướng mắc. Việc triển khai Quỹ PTKHCN Hà Hội với quy trình thủ tục linh hoạt sẽ tạo thêm động lực cho sự hợp tác trong nghiên cứu ứng dụng, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường.