Gỡ vướng thế nào cho các dự án giao thông trọng điểm của Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
Đường vành đai 2,5 (Hà Nội) thi công 11 năm chưa biết ngày về đích vì vướng giải phóng mặt bằng
Đường vành đai 2,5 (Hà Nội) thi công 11 năm chưa biết ngày về đích vì vướng giải phóng mặt bằng
TP - Nhiều dự án giao thông trọng điểm của thành phố Hà Nội vướng giải phóng mặt bằng (GPMB) gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư lẫn người dân. Tách GPMB ra khỏi dự án đầu tư công được mong chờ sẽ xóa được điểm nghẽn này.

Tại Hà Nội, nhiều tuyến đường đang được đầu tư với kỳ vọng thúc đẩy kinh tế - xã hội nhưng lại trở thành những “điểm đen” do vướng mắc về GPMB. Tuyến đường vành đai 2,5 đoạn từ Đầm Hồng đến QL1A dài khoảng 2km, nhưng vướng GPMB đến 11 năm.

Ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư các công trình giao thông Hà Nội, cho biết, từ năm 2010 đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã có nhiều văn bản đốc thúc các địa phương sớm hoàn thành GPMB, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Nhưng trên thực tế, dự án mới phê duyệt được 618/620 phương án bồi thường, hỗ trợ. Còn 2 phương án thuộc phường Định Công đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Dự án đường vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục) cũng gặp khó khăn trong GPMB khi vướng khiếu kiện của hàng trăm hộ dân…

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm về việc tách GPMB, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư. Tổ công tác sẽ tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc xây dựng Đề án thí điểm về việc tách GPMB, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, rà soát, tổng hợp các căn cứ, luận cứ, làm rõ sự cần thiết, đánh giá tác động chính sách; kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến việc tách GPMB, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư…

Tại nhiều địa phương khác, GPMB cũng là “nút thắt” trong các dự án đầu tư công, kéo lùi tiến độ dự án nhiều năm. Đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, năm 2021 là năm đầu kỳ quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 nên các dự án khởi công mới trong năm 2021 đều chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Do đó, tỉnh phải thực hiện thủ tục bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đủ điều kiện triển khai dự án. Thực tế, thời gian bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kéo dài dẫn đến không kịp giải ngân số vốn kế hoạch đầu tư công đã giao trong năm. Điều này không những làm đội chi phí thi công, chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, vốn ưu đãi… mà còn làm mất cơ hội tạo ra động lực phát triển cần thiết cho địa phương nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Đầu tháng 3, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc thông qua nghị quyết về một số biện pháp đặc thù để bảo đảm công tác GPMB kịp thời, đúng tiến độ đối với các dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó có việc chi thưởng cho hộ gia đình bàn giao mặt bằng sớm, hỗ trợ kinh phí ngoài quy định hiện hành… Tuy nhiên, đại diện Sở KHĐT Vĩnh Phúc nhìn nhận: “GPMB là vấn đề phức tạp, nếu tách thành dự án riêng thì sẽ giúp xử lý được ách tắc trong tổng vốn đầu tư”.

Tạo sức bật cho dự án đầu tư công

Theo đại diện một ban quản lý dự án ở Hà Nội, nhiều dự án giao thông trọng điểm của thành phố vướng GPMB gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư lẫn người dân. Các hộ trong diện GPMB sinh sống không ổn định, trong khi chủ đầu tư bị đội chi phí gấp nhiều lần do trượt giá nguyên liệu, tăng mức bồi thường…

Hà Nội từng có quyết định 09/2012/QĐ-UBND về quản lý đầu tư và xây dựng đối với các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố cho phép tách GPMB ra khỏi các dự án đầu tư. Tuy nhiên, do một số bất cập về chi phí dự án GPMB không có chi phí quản lý xây dựng nên UBND thành phố tiếp tục ra quyết định 20/2018-QĐ-UBND để gộp thành một. Đến thời điểm này, chi phí GPMB đã có thêm 2% trên tổng giá trị bồi thường GPMB cho công tác bồi thường nên việc tách dự án GPMB ra là có cơ sở, tạo thuận lợi cho các dự án đầu tư công.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tách GPMB ra khỏi dự án cần giao cho địa phương để tăng trách nhiệm, tránh tình trạng đùn đẩy giữa việc chậm giải ngân do tiến hành đầu tư hay do GPMB… Tuy nhiên, cần có cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện GPMB cho các địa phương khó khăn, không cân đối được nguồn vốn.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Phó trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận định, việc tách GPMB, tái định cư ra khỏi dự án là rất tốt để đảm bảo tiến độ triển khai của các dự án đầu tư. Tuy nhiên, nếu không giải quyết được bài toán về giá đất thì có thể chính “dự án GPMB” lại cũng bị tắc. Bà Nhung cho rằng, điểm cốt yếu nhất để đẩy nhanh công tác GPMB là việc xác định mức giá đền bù hợp lý vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi cũng như của chủ đầu tư dự án.

MỚI - NÓNG