Gỗ sưa chữa bách bệnh là tào lao

Ông Võ Văn Chi khẳng định: “Chưa có nghiên cứu nào cho thấy gỗ sưa chữa bệnh”
Ông Võ Văn Chi khẳng định: “Chưa có nghiên cứu nào cho thấy gỗ sưa chữa bệnh”
TP - Nhiều người đang rao bán gỗ sưa (huê) với giá vài triệu đồng/kg nói rằng, giá cao như vậy bởi ngoài giá trị về kinh tế, gỗ có giá trị về mặt tâm linh và để làm thuốc chữa bách bệnh.

> Thu giữ thêm bốn phách gỗ sưa

Họ nói: Đây là gỗ trong sách đỏ, ngoài làm mỹ nghệ, bột sưa được các cơ sở đông y chế biến không chỉ chữa bệnh về viêm xương mà còn cả ung thư.

Ngày 11-5, Phó Tiến sĩ Sinh học Võ Văn Chi, từng làm giảng viên ở ĐH Tổng hợp Hà Nội và ĐH Y dược TPHCM, chủ biên nhiều cuốn từ điển nổi tiếng về cây thuốc Việt Nam, nói: “Từ năm 1961 đến những năm về hưu, tôi đã trực tiếp tiến hành nghiên cứu về cây làm thuốc nhưng với loại cây gỗ sưa, chưa có nghiên cứu nào nói về việc chữa bệnh”.

Theo ông, cây sưa phân bố rải rác trong rừng thứ sinh thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình... và Hải Nam ở Trung Quốc; gỗ sưa quý hiếm, nhưng không có tác dụng chữa bệnh.

Bạn của ông Chi, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, chuyên nghiên cứu cây cỏ ở Việt Nam, hội viên Hội Thiên nhiên, sinh học quốc tế, sống ở Pháp, ra mắt cuốn Thực vật chí Đông Dương.

Theo cuốn sách này, gỗ sưa cũng như nhóm gỗ quý khác như trắc hay cẩm lai chỉ được “dùng làm mỹ nghệ”, bởi bền đẹp, không bị mối mọt.

“Ai nói gỗ sưa làm thuốc là chuyện tào lao, nói bậy không có cơ sở. Chúng ta cần xem xét, chỉ ra ai bào chế gỗ này thành thuốc, ai có bệnh uống gỗ sưa mà hết bệnh… Toàn chuyện đồn thổi”, ông Chi nói.

Theo Giáo sư Trần Hợp, chuyên gia lâm nghiệp, chủ biên bộ sách Tài nguyên cây gỗ Việt Nam, gỗ sưa dùng để làm đồ mỹ nghệ và trồng lấy bóng mát.

Theo các chuyên gia này, 3 chi cùng với họ gỗ sưa là cây trắc leo, trắc mũi giáo và cọ khẹt có một số bộ phận dùng để chữa bệnh; đọt non, mủ, lá dùng để đắp trị ung nhọt, lậu, bạch hầu, thấp khớp, chống viêm.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, người có thâm niên 30 năm trong nghề, nói: “Trong hàng ngàn loại cây cỏ, thuốc đông y dùng để chữa bệnh chưa khi nào tôi nghe tới gỗ sưa”.

“Cây sưa gỗ có tên khoa học là Dalbergia Boniana, màu đỏ hơi nâu, chéo thớ. Gỗ khá nặng, tỷ trọng khoảng 15% nước. Lực kéo ngang thớ 31kg/cm2. Nén dọc thớ 560kg/cm2, oằn 1,180kg/cm2.

Gỗ bền đẹp, dùng trong xây dựng, đóng đồ dùng gia đình, làm đồ mỹ nghệ. Cây trồng lấy bóng mát”, ông Chi nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG