Gỡ nợ trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, trong 10 tháng của năm 2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 329 nghìn tỷ đồng, giảm 25,2% so với năm 2021. Đáng chú ý, khối lượng trái phiếu phát hành có xu hướng giảm dần.

Trong đó, chỉ có 46,48% trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành có tài sản đảm bảo và 53,52% không có tài sản đảm bảo. Đến nay, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn đạt 152 nghìn tỷ đồng. Các đơn vị có khối lượng phát hành lớn nhất gồm: tổ chức tín dụng, bất động sản, xây dựng.

Gỡ nợ trái phiếu ảnh 1

Tác giả Phạm Tuyên

Số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, dư nợ đáo hạn trái phiếu năm 2023 và 2024 của các doanh nghiệp ước tính lần lượt còn lại ở mức 350.000 tỷ đồng và 370.000 tỷ đồng. Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) ước tính, từ nay đến cuối năm, khối lượng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đạt 85.000 tỷ đồng, trong đó tập trung ở nhóm các ngân hàng (chiếm 53,4%), bất động sản (chiếm 27%).

Theo TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia tài chính, thời gian qua, việc có nhiều nhà đầu tư cá nhân, không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thiếu thông tin, hiểu biết đầy đủ về việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp đã tạo cơ hội hình thành mối quan hệ liên thông của “bộ ba” ngân hàng – doanh nghiệp bất động sản - công ty chứng khoán trong việc đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường. Thậm chí nhiều nhà đầu tư còn không hề biết trái phiếu mình mua không có tài sản đảm bảo do bị "sa bẫy" tư vấn lãi suất cao của nhân viên ngân hàng và công ty chứng khoán.

Thực tế cùng với việc hoàn thiện khung pháp lý, Bộ Tài chính đã rất nhiều lần và thường xuyên tuyên truyền, đưa ra các cảnh báo về trái phiếu doanh nghiệp với nhấn mạnh: Trái phiếu doanh nghiệp không phải tiền gửi tiết kiệm ngân hàng và thường có độ rủi ro cao hơn. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư cá nhân đã chấp nhận rủi ro để mong nhận lãi suất cao khi rót tiền vào đầu tư trái phiếu.

Việc Bộ Tài chính ngày 15/11 đưa ra thông điệp về việc các doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm phải tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư cũng phần nào trấn an được dư luận và khẳng định trách nhiệm của đơn vị phát hành với nhà đầu tư.

Để gỡ cho thị trường, Bộ Tài chính cho biết, với tình hình hiện nay, trường hợp có khó khăn về tình hình tài chính, doanh nghiệp phát hành phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Các hình thức xử lý có thể thực hiện thông qua cơ cấu lại nợ, đàm phán hoán đổi trái phiếu, xử lý tài sản đảm bảo, thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của doanh nghiệp. Trường hợp không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án.

Hy vọng với những nỗ lực của Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý trong việc đưa ra các giải pháp trên sẽ giúp gỡ dần quả “bom” nổ chậm với chính doanh nghiệp, nhà đầu tư và thị trường, tránh những đổ vỡ có thể xảy ra trong tương lai.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.