Ứng dụng 4.0 thay truyền thống
Đón đầu được xu hướng phát triển công nghệ, từ năm 2008 đến nay, Công ty TNHH Việt Thắng Jean đã tập trung đầu tư trang thiết bị, đào tạo nhân sự chất lượng cao. Đến nay, những thành quả trong chuyển dịch đầu tư, thay đổi quản trị hướng đến nâng cao năng suất thông qua tự động hóa, chuyển đổi số đã mang lại hiểu quả nhất định về năng suất lao động và nguồn lực nhân sự. Hiện tại, năng suất tăng lên 70%, khi thị trường lao động có biến động thì công ty không quá lo lắng.
Mỗi công đoạn như may, wash (giặt), laser, chà xù… đều được lắp đặt các thiết bị máy móc hiện đại, chất lượng cao, đảm bảo năng suất cũng như chất lượng mà khách hàng yêu cầu.
Theo ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Việt Thắng Jean, với Việt Nam, công nghiệp hỗ trợ đang được triển khai mạnh mẽ trong các chuỗi cung ứng. Đơn cử như làm công đoạn wash nếu làm cách thông thường chỉ bán được từ 13-15 USD/cái tại thị trường Mỹ; nhưng nếu ứng dụng công nghệ do chính các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cung cấp thì giá trị sẽ tăng lên 15-16 USD, còn với EU sẽ tăng lên 20-23 USD/cái. Nếu theo công nghệ cũ, để cho ra đời một chiếc quần jean thành phẩm mất khoảng 13 phút, còn hiện nay, với công nghệ lập trình trên máy, chỉ cần chưa tới 10 giây.
“Tuy nhiên công nghệ đầu tư đắt tiền, một máy lazer đã hơn 10 tỷ đồng, máy hỗ trợ wash chúng tôi nhập về đã 25 triệu USD. Lợi ích từ việc đầu tư công nghệ là điều ai cũng nhìn thấy, nhưng không phải doanh nghiệp dệt may nào cũng có thể làm được. Trong khi giá trị đầu tư cao nhưng thị trường lao động, đơn hàng hơi bất ổn như hiện nay thì nên ngành dệt may muốn đổi mới công nghệ cần thời gian và quyết tâm theo đuổi”, ông Việt nhấn mạnh.
Để bắt kịp thời đại 4.0, một số công ty vừa và nhỏ bước đầu đang thiết lập phần mềm công nghệ quản lý, tiết giảm một phần lao động trong thời gian ngắn hạn. Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony, những năm qua công ty đã sử dụng phần mềm ERP để quản trị và theo dõi các hoạt động, giảm bớt lao động. So với trước đây, một bộ phận 13 người giờ giảm còn 8- 9 người. Ngoài ra, sơ đồ rập bằng tay thì được chuyển sang làm máy vi tính.
Theo các chuyên gia trong ngành dệt may, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu may mặc thứ 3 thế giới, nhưng 50% công ty may vẫn đang thực hiện phương thức sản xuất đơn giản nhất là cắt may gia công (CMT) có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi dệt may.
Hiện chỉ có 5% làm được hàng theo phương thức ODM (chủ động nguyên phụ liệu và tham gia thiết kế). Vì vậy, lối thoát chính cũng là yêu cầu bắt buộc để tham gia chuỗi cung ứng ngành dệt may trong nước và toàn cầu chính là gỡ những điểm nghẽn trong công nghiệp phụ trợ ngành dệt may.
Công ty Việt Thắng Jean ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất |
Vẫn nan giải bài toán nguyên liệu
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, hiện nguyên liệu của các ngành dệt may chiếm đến khoảng 85% tổng doanh thu, trong khi đó phần lớn nguyên liệu đều phải nhập khẩu. Điều đó cho thấy, mặc dù có kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng ngành dệt may trong nước chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Chính vì vậy, khi dịch COVID -19 xảy ra, doanh nghiệp dệt may đã gặp khó khăn khi nguồn cung nguyên liệu bị đứt gãy. Đến khi nguồn cung nguyên liệu được ổn định, thì giá nguyên liệu tăng cao khiến sản phẩm rất khó cạnh tranh với các đối thủ tại thị trường xuất khẩu.
“Trước khó khăn về nguyên liệu của ngành dệt may, doanh nghiệp đã tìm cách để vượt khó như tìm thị trường mới là Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ để bổ sung sự thiếu hụt. Các doanh nghiệp trong nước cần kết nối với nhà sản xuất nguyên phụ liệu trong nước. Có lúc doanh nghiệp chấp nhận mua nguyên liệu với giá cao để đảm bảo sản xuất liên tục, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo đời sống cho người lao động” – ông Hồng cho biết.
Lãnh đạo Việt Thắng Jean Phạm Văn Việt cho biết, EU đang thực hiện xanh hóa dệt may, phát triển chuỗi cung ứng dệt may mang tính bền vững. Đây là cơ hội để doanh nghiệp trong nước tìm hiểu, liên kết cũng như chia sẻ những kinh nghiệm phát triển nguồn nguyên liệu, công nghệ phục hợp với chuỗi cung ứng dệt may trong tương lai, đặc biệt là thị trường EU. Trong 2-3 năm tới nếu doanh nghiệp dệt may Việt Nam không đi theo hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ và sản xuất bền vững thì khó xâm nhập vào các thị trường EU, Mỹ, Nhật…
“TPHCM và Chính phủ cần nghiên cứu lại công nghiệp hỗ trợ trong ngành dệt may, giúp doanh nghiệp sau đợt dịch bệnh COVID-19 và sau khủng hoảng châu Âu có thể là hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ vốn vay cho DN tiếp tục tái đầu tư, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, cần có sự đồng bộ cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia; kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” – ông Việt đề xuất.