Giúp trẻ tự kỷ: Cha mẹ cần kiên nhẫn, đừng bỏ lỡ thời gian can thiệp dưới 3 tuổi

0:00 / 0:00
0:00
Đó là những lời chia sẻ của các chuyên gia, các bậc cha mẹ học sinh tại buổi hội thảo “nhận biết sớm dấu hiệu trẻ tự kỷ” do Công ty Cổ phần MK và Công ty TNHH Đầu Tư Vương Tấn tổ chức tại Trường Mầm non Ngôi Sao 2 & Tiểu học Ngôi Sao - được diễn ra vào sáng nay (27/8), tại quận Cái Răng, TP. Cần Thơ

Theo đó, tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh phức tạp, có các khiếm khuyết hành vi đặc trưng trong 3 lĩnh vực: tương tác xã hội; giao tiếp bằng lời và không lời; hành vi rập khuôn, lặp đi lặp lại. Hội chứng này ngày càng trở thành mối đe doạ đối với sự phát triển của trẻ, đồng thời cũng gây ra nhiều lo lắng cho các bậc cha mẹ. Đáng lo ngại, tỷ lệ trẻ rối loạn phổ tự kỷ ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.

Giúp trẻ tự kỷ: Cha mẹ cần kiên nhẫn, đừng bỏ lỡ thời gian can thiệp dưới 3 tuổi ảnh 1
Hội thảo “nhận biết sớm dấu hiệu trẻ tự kỷ” diễn ra tại TP. Cần Thơ

Tại hội thảo, những người tham gia đã đặt nhiều vấn đề: làm sao để phát hiện sớm trẻ rối loạn phổ tự kỷ?, cha mẹ phải làm gì khi có con rối loạn phổ tự kỷ?…

Bà Phạm Thị Kim Tâm – Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam cho hay, theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới, cứ 44 trẻ được sinh ra thì có 1 trẻ rối loạn phổ tự kỷ.

Tại Việt Nam, số trẻ được can thiệp, điều trị chưa đạt hiệu quả cao như mong đợi do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có thể có các nguyên nhân do nhận thức của cha mẹ chưa cao, chưa thấy mức độ nghiêm trọng để đưa con đi can thiệp sớm, bỏ lỡ thời gian can thiệp dưới 3 tuổi. Ngoài ra, các bệnh viện có chức năng chẩn đoán chưa phủ khắp cả nước. Bác sĩ, chuyên viên, nhà trị liệu có đủ chuyên môn về chẩn đoán và điều trị không đủ...

Giúp trẻ tự kỷ: Cha mẹ cần kiên nhẫn, đừng bỏ lỡ thời gian can thiệp dưới 3 tuổi ảnh 2
Rất đông giáo viên, cha mẹ học sinh tham dự hội thảo.

“Từ vài tháng tuổi, nếu cha mẹ thấy trẻ chậm phát triển vận động so với trẻ cùng độ tuổi như chậm lật, chậm trườn bò, chậm đi, không theo dõi sự chuyển động của đồ chơi; không nhận ra bố mẹ, người thân; không hứng thú với mọi vật xung quanh … thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám tại các bệnh viện nhi”, bà Tâm thông tin.

Anh Lê Văn Hiệu - ngụ quận Cái Răng (TP. Cần Thơ) chia sẻ về quá trình đồng hành, gắn bó với nhà trường trong việc điều trị cho con trong thời gian qua.

Giúp trẻ tự kỷ: Cha mẹ cần kiên nhẫn, đừng bỏ lỡ thời gian can thiệp dưới 3 tuổi ảnh 3
Anh Lê Văn Hiệu chia sẻ tại buổi hội thảo 'nhận biết sớm dấu hiệu trẻ tự kỷ'.

Anh Hiệu cho biết, vợ chồng anh là giáo viên. Khi con được 16 tháng tuổi, anh thấy con mình có biểu hiện hơi khác so với những đứa trẻ khác về hành vi, ngôn ngữ. Sau đó, gia đình đã đưa bé đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. HCM) và bác sĩ đã kết luận có những biểu hiện đặc trưng của bệnh tự kỷ.

Khi biết con mình bị như vậy, tôi rất lo lắng vì chưa biết gì về căn bệnh này. Từ đó, tôi mới tìm các tài liệu có liên quan để đọc và nhận ra rằng trong quá trình can thiệp điều trị cho con, trước hết ổn định về mặt tâm lý. Mình chấp nhận chuyện đó và xem việc đó hết sức bình thường”, anh Hiệu nói.

Theo anh Hiệu, hiện nay vẫn có một số gia đình có con mắc bệnh này nhưng muốn “đóng cửa” lại để tự mình xử lý, như vậy không nên. Khi đưa ra phương can thiệp không phải ngày 1 ngày 2 là hiệu quả mà chúng ta phải kiên trì, đặc biệt không nên nóng vội.

“Vợ chồng tôi cũng khuyên nhau, dù con mình có như thế nào cũng tuyệt đối không được so sánh với con người khác; con mình làm được cái gì đó là niềm hạnh phúc. Một trong những yếu tố quan trọng nhất đó chính là sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường, đó mấu chốt quan trọng để giúp con sớm hòa nhập với cuộc sống xung quanh”, anh Hiệu bộc bạch.

Bà Phạm Thị Kim Tâm - Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam cũng đưa ra lời khuyên: “Việc phát hiện sớm các dấu hiệu trẻ rối loạn phổ tự kỷ giúp đưa ra phương pháp can thiệp kịp thời, giúp bé tránh khỏi những hệ quả nghiêm trọng, để trẻ sớm hoà nhập với cuộc sống xung quanh và được phát triển một cách bình thường.

Cha mẹ cần can thiệp tích cực cho con, kiên quyết và kiên trì, chứ đừng ngắt quãng hoặc lơ lửng sẽ lãng phí thời gian và tiền bạc. Ngoài ra, cha mẹ cũng không nên giao hết cho giáo viên và nhà trường, mà cần học hỏi để có thể cùng các nhà chuyên môn chăm sóc, can thiệp cho con”.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành, Trường Ngôi Sao là một trong những đơn vị giáo dục tư thục hiếm hoi tại ĐBSCL phát triển mảng chuyên môn giáo dục đặc biệt dành cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, chậm nói, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ. Nhiều năm qua, trường luôn nhận được sự tin tưởng của Quý phụ huynh lựa chọn làm nơi để phối hợp giữa gia đình và nhà trường nhằm giúp các con được lớn lên, phát triển một cách bình thường.

MỚI - NÓNG