Giúp sĩ quan trẻ “miễn dịch” với tệ nạn

Các đại biểu về dự tọa đàm tham quan khu trưng bày sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ phục vụ nhiệm vụ huấn luyện và sản phẩm tăng gia của Sư đoàn 395, Quân khu 3.
Các đại biểu về dự tọa đàm tham quan khu trưng bày sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ phục vụ nhiệm vụ huấn luyện và sản phẩm tăng gia của Sư đoàn 395, Quân khu 3.
TP - Trong cuộc tọa đàm cán bộ, sĩ quan trẻ toàn quân khu vực phía Bắc vừa diễn ra tại Trung đoàn 2 (Sư đoàn 395, Quân khu 3), nhiều giải pháp đã được nêu ra nhằm giải quyết thực trạng dao động tư tưởng, vay nợ, cắm ký… của một bộ phận người trẻ trong quân đội.

Bị kỷ luật vì nợ nần

Theo thượng úy Trần Thiện Thắng, Chính trị viên Đại đội 9 (Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1), quân đoàn đóng quân trên địa bàn rộng, xung quanh khu vực đơn vị có nhiều các tệ nạn xã hội. Nếu không tỉnh táo rất dễ sa vào các tệ nạn, nhất là những sĩ quan trẻ, điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, hệ số lương thấp, ham chơi, ham vui, thích thể hiện bản thân với mọi người.

Thượng úy Thắng kể: Khi tôi đang làm chính trị viên phó đại đội, đơn vị có tiếp nhận một cán bộ trẻ mới ra trường tên là V, quê ở Thái Bình. Ban đầu sống rất trách nhiệm, tuy nhiên do ham chơi nên V đã  mua sắm điện thoại xịn, quần áo hàng hiệu, đồng hồ, máy tính... và bắt đầu đánh mất mình. Lo lắng cho V, anh em trong đơn vị cũng tham gia đóng góp ý kiến, khuyên răn nhưng cậu ấy không lắng nghe. Khi tiêu hết lương, V lại vay mượn bên ngoài. Đến lúc nợ quá nhiều không có khả năng chi trả, các chủ nợ bắt đầu gọi điện thúc ép, đe dọa, V nảy sinh tư tưởng chán nản và càng lún sâu vào nợ nần…

“Trường hợp của V khiến chúng tôi có một bài học sâu sắc. Lúc đó việc ngăn chặn của anh em trong đơn vị chỉ là khuyên bảo, chứ chưa kiên quyết, tổ chức cũng chưa có biện pháp gặp gỡ, kiểm tra, giám sát để ngăn chặn kịp thời. Giá như chúng tôi có biện pháp mạnh ngay từ đầu, cùng nhau giúp đỡ giải quyết dứt điểm có lẽ V đã không phải chịu hình thức kỷ luật và mang số nợ lớn, làm ảnh hưởng đến đơn vị, vợ con và gia đình”, thượng úy Thắng nói.

Ngoài trường hợp của V, đơn vị nơi thượng úy Thắng công tác còn có trung úy D đi vay lãi ngoài để chi tiêu cá nhân. Đơn vị đã nhanh chóng phát hiện ra, tiến hành gặp gỡ riêng, xác định nguyên nhân nợ, tổng số nợ. Chỉ huy đơn vị đã gặp trực tiếp gia đình để thông báo sự việc, thông báo quan điểm của đơn vị, đề nghị gia đình phối hợp giải quyết, giúp D giải quyết dứt điểm số nợ. Sau sự việc này D không còn đi vay nợ, sống có trách nhiệm hơn.

Biết tránh xa cám dỗ

Nói về trách nhiệm của cán bộ, sĩ quan trẻ trong giải quyết những vấn đề nổi cộm về tư tưởng tại đơn vị hiện nay, đại úy Lê Xuân Chung, Chính trị viên Đại đội 8 (Tiểu đoàn 3, Trường Sĩ quan Lục quân 1) cho rằng tư tưởng của cán bộ, sĩ quan trẻ và học viên có 3 biểu hiện nổi cộm. Một trong số đó là sự so sánh thiệt hơn, được và mất giữa trong và ngoài quân đội.

“Đã có cán bộ trẻ mới ra trường và một số học viên tâm sự với tôi rằng chế độ, nền nếp trong quân đội gò bó, học tập vất vả 4 năm, khi ra trường lại công tác ở xa, thường xuyên công tác trực tiếp ở đơn vị, ngoài lương không có thêm thu nhập, khó khăn trong bảo đảm cuộc sống gia đình. Trong khi đó ở bên ngoài học xong phổ thông có khi chỉ cần đi học nghề 2-3 năm, học hành thoải mái, ra trường giờ cũng dễ xin việc ở các công ty, doanh nghiệp và làm cũng đỡ vất vả hơn, thu nhập tốt và thường xuyên được ở gần nhà”, đại úy Chung chia sẻ.

Lãnh đạo, chỉ huy ở Đại đội 8 vẫn không quên câu chuyện của một học viên xảy ra vào tháng 9/2017. Khi đó, học viên này có ý định viết đơn xin thôi học, chỉ huy đại đội gặp gỡ động viên 2 lần nhưng không hiệu quả. Đại úy Chung đã chủ động liên hệ với gia đình và biết được nguyên nhân. Chuyện là người yêu ở quê của cậu học viên này đòi chia tay vì bạn trai không luôn ở bên cạnh mình, trong khi học viên sĩ quan chỉ được nghỉ phép 2 lần trong một năm.

Trước tình huống này, chỉ huy đại đội đã tiếp tục gặp gỡ để định hướng, nhất là chỉ ra cho học viên này thấy nếu người con gái mà yêu thật lòng sẽ chấp nhận hi sinh, vượt qua mọi khó khăn về khoảng cách địa lý và thời gian chờ đợi. Còn nếu không vượt qua được điều đó thì chứng tỏ tình yêu ấy chưa đủ độ chín và độ thật. Thấu hiểu được vấn đề, học viên đó đã từ bỏ ý định xin thôi học và hiện đang phấn đấu học tập, rèn luyện tốt.

“Theo tôi, nên tăng cường hơn nữa việc bồi dưỡng kỹ năng sống, kỹ năng mềm trong các chương trình đào tạo sĩ quan ở các học viện, nhà trường quân đội để tạo “sự miễn dịch”, “sức đề kháng” tốt nhất cho sĩ quan trẻ trước tiêu cực, tệ nạn xã hội, trước thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Biết nhận diện rõ đúng sai, biết tránh xa cám dỗ cuộc sống để hành động luôn đúng”, đại úy Chung nhấn mạnh.

Nêu gương tự tu dưỡng

Bàn tới trách nhiệm nêu gương tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, sĩ quan trẻ, đại úy Đoàn Văn Ngọc, Đại đội trưởng Đại đội 3 (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 395), cho biết: “Một trong những yếu tố đặc thù nghề nghiệp tác động đến chúng tôi là phần lớn đều đóng quân xa hậu phương, nhiều người có hoản cảnh gia đình khó khăn; cường độ công việc cao, tuổi đời còn trẻ dễ bị dao động trước khó khăn thử thách; mức lương cơ bản còn hạn chế đã có tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Từ vấn đề trên tôi nhận thấy việc nêu gương, tự tu dưỡng, tự rèn luyện có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thiện bản thân mình của mỗi sỹ quan trẻ nói riêng và nâng cao chất lượng hoàn thành nhiệm vụ ở đơn vị nói chung”.

Đại úy Ngọc kiến nghị cần kịp thời ghi nhận, động viên sự cố gắng nỗ lực của những cán bộ, sĩ quan trẻ có thành tích xuất sắc trong công tác thông qua việc điều động, bổ nhiệm, nâng lương, thăng quân hàm ở các cấp, tạo động lực phấn đấu trên cương vị chức trách được giao. Đồng thời mạnh dạn xem xét, xử lý dứt điểm đối với các trường hợp không có nguyện vọng học tập, công tác, cống hiến trong quân đội.

 Đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ trong quân đội chiếm tỷ lệ 38% tổng số cán bộ, sĩ quan toàn quân. Đại đa số cán bộ, sĩ quan trẻ xuất thân từ gia đình công nhân, nông dân (80,64%); 100% được đào tạo cơ bản từ trung cấp trở lên, phần lớn có trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học, trong đó trình độ đại học đạt trên 79%, sau đại học 2,75%. Đa số sĩ quan trẻ công tác xa nhà, chưa có điều kiện hợp lý hóa gia đình, con còn nhỏ, thu nhập thấp, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Đề xuất chính sách phù hợp cho sĩ quan trẻ

Thượng tá Đinh Quốc Hùng, Ủy viên Thường vụ T.Ư Đoàn, Trưởng ban Thanh niên Quân đội cho biết, trước tác động của môi trường, hoàn cảnh, một số ít cán bộ, sĩ quan trẻ còn băn khoăn, lo lắng về con đường bình nghiệp, tương lai của bản thân và gia đình; còn so sánh, tính toán thiệt hơn về sự cống hiến, hưởng thụ với bạn bè, người thân cùng lứa tuổi; có đồng chí còn biểu hiện thiếu cố gắng trong học tập, rèn luyện, tu dưỡng phấn đấu, chưa thực sự yên tâm công tác, cá biệt còn có sĩ quan trẻ về đơn vị công tác thời gian ngắn đã làm đơn xin chuyển vùng hay ra quân. 

"Kết quả tọa đàm là cơ sở tham mưu, đề xuất với Quân ủy T.Ư-Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị với các chủ trương, biện pháp bồi dưỡng, quy hoạch, đào tạo, sử dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ, sĩ quan trẻ cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới", thượng tá Hùng nói.

MỚI - NÓNG